“Khai quật thế giới ngầm” buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam – Kỳ 3

Kỳ 3: Ghé hang ổ chuyên “tửu táng” chúa sơn lâm

Vẫn bằng một vài thủ thuật dò hỏi “hàng” hiếm, nhóm phóng viên tiếp cận thêm một thương buôn nức tiếng ở TP.HCM và Long An trong nghề ngâm rượu động vật với các mặt hàng phổ biến như rượu rắn chúa, rượu mèo rừng và rượu hổ. Dường như chỉ trực chờ khách hàng bấm máy, ngay khi bắt được mối, phía đầu dây bên kia đã thao thao bất tuyệt: “Anh yên tâm, loại gì em cũng chuyển đến tận nhà cho anh, hàng của bọn em toàn nước tốt (loại 1) và ở trong Sài Gòn hết… Nếu là mèo, em lấy anh 8 triệu cả bình, còn tiểu hổ thì 70 – 80 triệu, tay gấu 15 triệu/cái ngâm với cả hoa anh túc, thuốc phiện. Hàng cọp con em để ở Long An, còn tay gấu và mèo thì để ở nhà em. Cọp em còn duy nhất 1 con, mèo 1 con, tay gấu 2 cái, rắn chúa thì rất nhiều. Vào đây em mời anh nhậu hết các loại rượu luôn, từ cao hổ, sừng tê…, anh chỉ cần alô là em đánh thẳng xe ra sân bay đón anh…”.

Kỳ 1: Lần theo đường dây cao hổ cốt từ kho đầu lâu, sừng cảnh “khủng” nhất Hà Nội

Kỳ 2: Thâm nhập “lò luyện” cao hổ cốt

Tại nhà của T có rất nhiều răn hổ mang chúa có trọng lượng từ 5 – 20kg được ngâm rượu.

Ông chủ tên T. có vẻ chăm sóc rất kỹ bạn hàng mới vì ngỡ vớ được khách “sộp”. T. giới thiệu tỉ mẩn các điểm cất giữ hàng tại Quận 6, TPHCM trước khi đưa nhóm xuống Long An. Tại TP.HCM, T. cho ngâm rất nhiều rắn hổ mang chúa có nguồn gốc từ Lào, Campuchia, phần lớn đều thịt sẵn rồi vận chuyển về.

Tỏ ý muốn kiếm hàng xịn hơn, nhóm được T. dẫn xuống khu vực ngâm hổ và mèo rừng. Lôi con mèo rừng và một con hổ con từ trong bình rượu ra, T. báo giá 88 triệu đồng một bình hổ con và 8 triệu đồng hũ mèo rừng.

Mèo rừng nguyên con đang ôm cây được ngâm trong bình rượu.
Một cá thể hổ trong bể rượu của T.
Hổ được ngâm trong bình rượu, chỉ cần khách có nhu cầu là T. giao hàng đến tận nơi.
Chân tay gấy cũng được ngâm và bày bán công khai.

Gặng hỏi về công dụng của các loại rượu được quảng cáo là “hảo hạng” này, T. không sao đưa ra được bằng chứng thuyết phục mà chỉ trả lời rất chung chung.

Hơn một giờ chạy xe xuống Long An, T. tiếp tục dẫn khách ghé thăm một điểm để hàng khác và tại đây, nhóm vô cùng bất ngờ khi chứng kiến nguyên một con hổ lớn được ngâm trong hũ rượu, T. cho biết loại hàng “khủng” này có giá tầm 2 tỷ.

Lấy cớ lo ngại khi vận chuyển để rút lui, T. quả quyết: “Yên tâm, em lo được hết” và cảnh báo thêm: “Hôm nay cũng có mấy đại gia ở Đồng Tháp lên xem hàng. Nếu các anh đồng ý thì em chuyển hàng luôn, không nhanh là em bán hết”.

Trước khi thâm nhập vào một mắt xích khác phức tạp hơn, nguy hiểm hơn, nhóm phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với Công an huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, một trong những đơn vị có nhiều thành tích phát hiện, bắt giữ đối tượng tàng trữ, vận chuyển động vật quý hiếm với số lượng lớn.

Hai cá thể hổ đông lạnh được Công an huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình phát hiện tại nhà dân cuối năm 2017. Ảnh do Công an Ninh Bình cung cấp.
Hơn 20 tay gấu và nhiều loại động vật khác được các đối tượng vận chuyển từ Lào về Việt Nam tiêu thụ. Ảnh do Công an Ninh Bình cung cấp.
Báo lửa và tay gấu phát hiện trên xe khách biển Lào bị công an huyện Gia Viễn phát hiện và bắt giữ hồi cuối năm 2017. Ảnh do Công an Ninh Bình cung cấp.
Ngoài hổ, gấu, báo lửa, hàng chục cá thể tê tê cũng đã được Công an Gia Viễn, phát hiện và bắt giữ. Ảnh do Công an Ninh Bình cung cấp.
Động vật được các đối tượng cất giấu rất tinh vi trên xe khách.

Đại tá Lã Hồng Phúc, Trưởng Công an huyện Gia Viễn khẳng định: “Động vật hoang dã trái phép vẫn thường xuyên được tuồn vào Việt Nam bằng nhiều con đường. Tuy nhiên, để bắt giữ được đối tượng thì phải trải qua quá trình trinh sát rất vất vả nhưng điều đáng ngại nhất có lẽ là khâu xử lý vi phạm còn quá nhẹ.

Đại tá Lã Hồng Phúc, Trưởng Công an huyện Gia Viễn, Ninh Bình.

Cũng theo Đại tá Phúc, quy định pháp luật hiện hành chưa đủ sức răn đe các hành vi vi phạm, việc xử lý các đối tượng có hành vi buôn bán động vật hoang dã như các cá thể hổ, gấu còn rất thấp. Đặc biệt, công tác đấu tranh với các tội phạm buôn bán động vật hoang dã phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành và đặc biệt là quần chúng nhân dân thì mới có thể bóc gỡ được những đường dây, mắt xích. Thêm nữa, việc bảo quản, giám định và xử lý tang vật của vụ án cũng mất nhiều thời gian và tốn kém về tiền bạc. Chính những khó khăn cố hữu này đã khiến nhiều vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính thay vì xử lý hình sự.

Điều đáng lo ngại là nhu cầu và nguồn cung về động vật hoang dã cùng các sản phẩm, dẫn xuất từ chúng ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong thời điểm cận Tết, rất nhiều mặt hàng cao khỉ, cao hổ, rượu hổ, sừng tê… được săn lùng làm quà biếu hoặc tẩm bổ, do đó, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Kỳ 4: Hành trình vận chuyển “ông ba mươi” từ Lào về Việt Nam