Ngư dân bỏ biển lên bờ

Hàng trăm trai tráng ở các làng biển Đà Nẵng bỏ nghề ngư phủ, lên bờ làm dịch vụ taxi. Hàng chục làng quê có truyền thống vươn khơi ven biển Quảng Nam cũng vỡ vụn bởi cơn lốc đô thị hoá. Nghề biển đứng trước nguy cơ thiếu lao động, khiến nhiều con tàu gác bờ, lâm nợ…

Làng biển Tam Thanh, TP.Tam Kỳ giờ đã nổi tiếng với tên mới, gắn với dịch vụ du lịch là làng bích họa. Ảnh: Thanh Hải.

Thuyền trưởng chạy taxi Grab

Tôi chọn thuê 1 xe ôtô mới, 2 cầu, để lên vùng núi Nam Trà My đi cứu trợ. Sau bão số 12, núi sạt, đường trơn, nhiều đoạn bùn đất còn tạo những vũng lầy… nên cần 1 tài xế kinh nghiệm. Nhưng, cho đến khi đối mặt với đoạn đèo sạt lở ở Nước Vin, phía trên hồ thuỷ điện Sông Tranh 2, thì cậu tài xế mới thành thật “khai báo”, kinh nghiệm 25 năm ôm vô lăng của mình là đi trên… biển. “Em là ngư dân, thuyền trưởng, nhưng giờ bỏ biển lên bờ, mua xe chạy Grab. Cậu Nhơn hôm trước chở anh đi cũng là ngư dân chuyển nghề taxi đấy. Hôm nay nó bận đưa đám cưới nên giới thiệu em…”.

Tường (tên của tài xế – thuyền trưởng) cho biết thêm, riêng phường biển Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) của cậu ấy có cả trăm ngư phủ bỏ biển. Trong đó, rất nhiều bạn biển của Tường vay vốn ngân hàng, mua ôtô để chạy dịch vụ, taxi Uber, Grab. Họ thừa kinh nghiệm biển giã, nhưng lại không rành bờ, nên lái xe mà mù mờ, phụ thuộc vào cái điện thoại thông minh. Đến vùng núi, mất sóng thì suốt ngày hỏi đường. Bù lại, họ có sự chịu khó, thật thà của người đi biển.

Tường kể, nhóm ngư phủ chuyển nghề của bọn em gần chục đứa, toàn là thuyền trưởng cả đấy. Phần lớn bọn em phải vay phân nửa trong số hơn 1 tỉ đồng để mua ôtô, chạy dịch vụ. Lên bờ khởi nghiệp, nhưng vẫn liên kết làm ăn với nhau. Thật ra, nghề biển bấp bênh, nhưng không đến nỗi thiếu đói. Cái khó của nghề đi biển bây giờ không chỉ là liên tục bị thiên tai, địch hoại, bị tàu nước ngoài tấn công, mà là thiếu nhân lực. Nếu là lao động biển thì đơn giản, nhưng là thuyền trưởng – chủ tàu như bọn em thì ngoài việc yêu biển, yêu nghề, cần phải có vốn và có đội ngũ lao động gắn bó thì mới tồn tại được.

Bây giờ, tại Đà Nẵng, gần như không tìm được lao động biển trẻ tuổi. Sau khi bị đô thị hoá, ngư phủ không muốn cho con theo nghề truyền thống. Người già thì dần hiếm và bỏ biển hết. Những năm trước đây, các chủ tàu Đà Nẵng có thể tuyển dụng lao động ở Quảng Nam, Quảng Ngãi để làm bạn cho mình. Nhưng bây giờ, ngay ngư phủ ở các vùng biển truyền thống như Núi Thành, Duy Xuyên, Quảng Nam cũng ào ạt bỏ nghề.

Khi lao động khan hiếm thì không chỉ tuyển dụng không ra người mà việc khiến họ gắn bó với mình càng khó khăn. Trước chuyến biển, ngoài việc sắm tổn (bỏ vốn để mua lương thực, thực phẩm, trang thiết bị, nhiên liệu cho 1 chuyến ra khơi), chủ tàu còn phải ứng tiền cho bạn. Ít nhất là chục triệu mỗi người. Sau chuyến ra khơi, nếu thuận buồm xuôi gió, đánh bắt hiệu quả thì cấn trừ nợ, còn lại chia nhau. Tùy theo nghề đánh bắt mà ăn chia tỉ lệ 6-4 hoặc 7-3. Nhưng nếu tai nạn, thiên tai hay địch hoại, làm ăn thất bát, thì nhiều bạn bỏ tàu, trốn luôn khoản nợ ứng chuyến trước. Chủ tàu vừa gánh nợ, vừa dở dang chuyện vươn khơi.

Ông Đỗ Phú Ban – Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Đà Nẵng – cho biết, thực tế những năm gần đây, nhà nước rất quan tâm, hỗ trợ thiết thực cho ngư dân bám biển. Nhưng những quan tâm từ bờ, bằng vật chất như hỗ trợ tiền dầu, vốn vay đóng tàu… vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Nghề biển hiện nay còn quá nhiều khiếm khuyết, việc đánh bắt thủ công, bảo quản chưa hiện đại nên giá trị đánh bắt không cao. Mặt khác, lao động biển theo lối truyền thống, cha truyền con nối giờ bị phá vỡ bởi quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh, khắp nơi nên khó tuyển dụng chuyên nghiệp.

Tài xế – ngư phủ Tường thì cảm nhận điều này cụ thể hơn. Từ xa xưa, dân đi biển gọi nhau là bạn. Bước lên tàu, ra khơi thì chưa bao giờ xem nhau là chủ – tớ. Nghề biển hiểm nguy, ngoài khó khăn trong đánh bắt còn phải luôn đối mặt với chuyện sinh tử ngoài biển khơi. Mười mấy người trên 1 con tàu, đối mặt với bốn bề sóng nước, ra biển là thương yêu nhau, gọi nhau là bạn. Bây giờ, đời sống thu nhập trên bờ tương đối ổn định, người đi biển ít yêu nghề, họ chỉ là lao động thời vụ nên khó gắn bó bền vững như xưa.

Làng biển Nam Ô, Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ bị giải tỏa, nhường đất cho khu du lịch. Ảnh: THANH HẢI

Mất làng là mất nghề

Khi cây cầu Cửa Đại bắc qua ở đoạn cuối sông Thu Bồn, ông Nguyễn Sự – nguyên Bí Thư Thành uỷ Hội An – đã toan lo: “Coi chừng người dân sẽ bị lưu vong trên chính mảnh đất của mình”. Dự cảm ấy không ngờ đến quá nhanh, và giờ đã thành sự thật. Người dân từ các làng biển Duy Hải, Duy Vinh, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), dọc theo đường ven biển phía nam cầu Cửa Đại như các làng biển Bình Minh, Bình Hải, Bình Đào… (huyện Thăng Bình), Tam Tiến, Tam Thanh (huyện Núi Thành) đã đồng loạt bỏ biển. Làng truyền thống đi biển giờ rạn vỡ bởi các dự án du lịch, resort, các khu đô thị, khu công nghiệp nên nghề biển cũng dần mất theo.

Tôi khảo sát một vòng các xã vùng cát phía đông sông Trường Giang, Quảng Nam, chứng kiến những cơn sốt đất một cách bất thường. Vùng cát trắng khô cằn, quanh năm nắng cháy, chỉ có cây xương rồng giăng khắp nơi, vây các nếp nhà tranh giờ đã thành quá khứ. Đại gia đổ về đây thâu tóm đất ven biển với mục đích ăn theo các dự án du lịch, đô thị đang chuẩn bị hình thành. Vùng cát trắng giờ đã thành đất vàng.

Hôm đó, tại thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình, tôi gặp cả đoàn xe ôtô chở khách lạ về mua đất. Ông Bình – một người dân ở đây – cho biết, gần đây, không hiểu vì sao mà người lạ từ các nơi đổ về mua đất ven biển. Họ mua đất với giá rất cao. Ngày nào cũng có người đi ôtô về hỏi mua đất. Nếu trước đây giá 1m2 đất ở chưa tới 1 triệu đồng thì nay 5 triệu/m2. Không chỉ mua đất ở mà họ còn đến mua cả đất rừng, đất trồng cây lâu năm. Họ chỉ nhắm đến vệt đất ven biển thôi, có bao nhiêu họ cũng mua hết.

Không thua kém, đất ven biển ở xã Bình Dương cũng sôi động gấp nhiều lần. Khi chúng tôi có mặt ở 1 ngôi làng giáp với khu du lịch Vinpearl, thấy có rất nhiều ôtô đưa người về mua đất. Bao năm đất bỏ hoang, chẳng ai ngó ngàng gì thì nay người dân đã rào chắn, cắm mốc lại thửa đất của mình. Giá đất ở đây giao động khoảng 4 – 5triệu đồng/m2. Nhiều hộ rao bán thửa vườn, nổng cát của mình được cả năm, bảy tỉ đồng. Nhiều hộ bán tháo để mua xe, chuyển nghề. Có người đắn đo vì thấy giá đất nhảy vọt từng ngày nên còn lưỡng lự, tiếc của.

Theo dọc bờ đông sông Trường Giang, vào tận xã biển Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, thì tình hình đất “nóng” đến mức là trong bữa cơm gia đình hay ngoài quán nhậu, toàn bàn tán chuyện bán đất. Đặc biệt, từ ngày làng Bích hoạ Tam Thanh nổi tiếng, thu hút nhiều khách tham quan, thì cò đất ùn ùn kéo về hỏi mua đất ven biển. Giá đất tăng vọt gấp 3-4 lần so với trước. Những khu vực mua bán đất sôi động nhất là thôn Thanh Đông, Tỉnh Thuỷ, Hạ Thanh 2, Trung Thanh… Nhiều người bất ngờ với những lô đất nhà mình, trước đây giá rất thấp, nhưng gần đây giá cao ngất ngưởng. Từ thôn Thượng Thanh đến Hạ Thanh 2 (xã Tam Thanh) có gần chục hộ đã bán đất vườn nhà. Có người thu tiền tỉ chỉ với 900m2 cát trắng, toàn dương liễu với xương rồng.

Vùng cát Bình Minh, Bình Hải… đầy ám ảnh với chúng tôi mỗi mùa bão lớn. Nhất là sau bão Chan chu – tháng 5.2006, khi hàng trăm trai tráng vĩnh viễn nằm lại ngoài biển khơi. Bởi vậy, bây giờ thấy làng quê đổi mới, không biết nên buồn hay nên vui. Tuy vậy, chứng kiến những làng nghề truyền thống tan rã, ngư dân bỏ biển lên bờ, ai cũng có cảm giác xót xa. Ngư dân bám biển, bám đảo không chỉ làm ăn, phát triển kinh tế mà còn góp phần quan trọng để giữ chủ quyền tổ quốc. Nhưng nghề biển bạc mệnh, bạn đi biển bỏ tàu đang là câu chuyện buồn giăng nhiều nơi ở miền Trung.

Chỉ một số ít hộ dân đổi đời nhờ bán đất công quả của ông bà để lại. Phần lớn, người dân còn nghi ngại, chính quyền thì khuyến cáo cả kẻ mua lẫn người bán là không nên… manh động. Chỉ có một thực tế là các làng nghề truyền thống đi biển bị vỡ vụn ra theo quá trình đô thị hoá.
Nguồn: