Biến đổi khí hậu làm xuất hiện những hiện tượng dị thường của thời tiết 08:57 06/01/2018

Hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông với số lượng kỷ lục và mưa nhất là vào nửa cuối năm 2017 có thể do chịu ảnh hưởng trực tiếp của La Nina.

PV báo Người Đưa Tin vừa có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ – Trung tâm Khoa học, công nghệ khí tượng, thủy văn và môi trường thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về vấn đề tình hình biến đổi khí hậu ở nước ta.

GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ.

PV: Thưa Giáo sư, hiện nay tình trạng mưa bão nói chung và ở nước ta nói riêng đang diễn biến rất phức tạp. Một số nơi rất hiếm khi có bão nhưng bây giờ lại xuất hiện, đặc biệt khu vực phía Nam cuối năm 2017 có rất nhiều áp thấp và mạnh lên thành bão. Xin Giáo sư cho biết nguyên nhân nào khiến tình hình mưa bão ở nước ta diễn biến bất thường như vậy?

GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ: Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, trong những năm gần đây, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Nam nước ta có biểu hiện gia tăng, quỹ đạo chuyển động của bão có xu hướng dịch về phía Nam và mùa bão kéo dài hơn về cuối năm. Ngoài ra, số cơn bão mạnh (trên cấp 12) trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam cũng tăng lên, trong đó có những cơn bão siêu mạnh như bão Haiyan (2013) và bão Megi (2010) trên cấp 17, bão Parma (2009), cấp 16.

Những năm có từ 10 cơn bão trở lên (không kể áp thấp nhiệt đới) hoạt động trên Biển Đông xuất hiện nhiều hơn vào những năm gần đây như các năm 1995 (12 cơn), các năm 1999, 2006, 2008, 2012 (10 cơn), năm 2009 (11 cơn), 2013 (14 cơn) và 2017 (16 cơn). Tuy nhiên, cho đến nay số cơn bão trung bình nhiều năm hoạt động trên Biển Đông trong khoảng 60 năm qua không có biểu hiện tăng hay giảm. Tình hình hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trong năm 2017 vừa qua cũng thể hiện xu thế chung nêu trên.

Ngay đầu năm 2018 đã xuất hiện một áp thấp nhiệt đới ở ven biển phía Đông Nam Philippines và đi vào Biển Đông, mạnh lên thành bão cũng thể hiện mùa bão trên khu vực kéo dài về cuối năm. Tuy đây là cơn bão số 1 ở Biển Đông trong năm 2018 nhưng đó là cơn bão cuối mùa của mùa bão năm 2017, không phải là bắt đầu mùa bão năm 2018. Mùa bão trung bình ở Biển Đông bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến tháng 12, đôi khi một vài cơn bão có thể xuất hiện vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau.

Thời tiết luôn luôn biến động, bão và áp thấp nhiệt đới cũng không ngoại lệ. Đó là quy luật tự nhiên vốn có của khí hậu, thời tiết. Trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, tính biến động đó càng trở nên mạnh mẽ hơn, làm xuất hiện những hiện tượng dị thường, có tính cực đoan của khí hậu và thời tiết.

Hiện tượng El Nino và La Nina là những hiện tượng khí hậu cực đoan vốn tồn tại từ lâu trên vùng biển xích đạo trung tâm Thái Bình Dương cũng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu – nóng lên toàn cầu. Đối với Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy trong điều kiện La Nina, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới thường nhiều hơn so với bình thường, nhất là so với trong điều kiện El Nino. Phần lớn những năm nhiều bão kể trên là những năm La Nina.

Từ nửa cuối năm 2017, xu hướng xuất hiện một La Nina yếu bắt đầu và hiện đang phát triển. Vì vậy, hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông với số lượng kỷ lục và mưa lớn trong năm, nhất là vào nửa cuối năm 2017 có thể do chịu ảnh hưởng trực tiếp của La Nina này.

PV: Tình trạng biến đổi khí hậu có phải do một phần từ ô nhiễm môi trường không? Việt Nam sẽ phải đứng trước những nguy cơ đe dọa của thiên tai như thế nào?

GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ: Biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay có nguyên nhân chủ yếu từ hoạt động của con người trong việc sử dụng năng lượng từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt ngày càng nhiều, bắt đầu từ cách đây hàng trăm năm, qua đó thải vào khí quyển các chất khí nhà kính như khí CO2, N2O… làm cho Trái đất nóng lên. Ngoài ra, các hoạt động khác như sản xuất nông nghiệp, suy giảm diện tích rừng và chôn lấp rác thải cũng góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ còn tiếp tục diễn ra trong tương lai với tốc độ ngày càng tăng, nếu thế giới không có các giải pháp phù hợp, hữu hiệu để giảm lượng phát thải khí nhà kính vào khí quyển. Và như vậy, thiên tai và các hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục tăng lên.

Không những thế, với tình trạng Trái đất tiếp tục nóng lên, băng ở các vùng cực và trên núi cao sẽ tan nhanh hơn, mực nước biển toàn cầu dâng lên cao hơn, làm cho nhiều vùng đất thấp ven biển và hải đảo bị ngập chìm, nhiều hệ sinh thái biển, ven biển và lục địa bị ảnh hưởng.

Nước ta hàng năm chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai, trong đó đáng chú ý nhất là bão, mưa lớn, lũ lụt và hạn hán. Biến đổi khí hậu không chỉ làm tăng số lượng các thiên tai hàng năm mà còn làm tăng tính cực đoan và dị thường của chúng, gây khó khăn cho công tác dự báo, cảnh báo và công tác phòng chống.

PV: Trong thời gian sắp tới theo Giáo sư tình hình diễn biến của khí hậu nước ta sẽ như thế nào, diễn biến có phức tạp khó lường không?

GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ: Khí hậu nước ta cũng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong khoảng 100 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng 0,5-0,7°C, trong đó nhiệt độ trong khoảng 4 thập kỷ gần đây tăng nhanh hơn các thập kỷ trước đó. Mực nước biển trung bình ở ven biển đã tăng 15-20cm.

Trong những năm gần đây, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan có biểu hiện gia tăng, trong đó đáng chú ý là số cơn bão mạnh nhiều hơn, hiện tượng nắng nóng tăng lên cả về số ngày và cường độ cũng như mở rộng về diện tích, hậu quả của mưa lớn và hạn hán ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Chưa thể nói trước được điều gì về thời tiết và thiên tai cho một năm cụ thể trong thời gian tới, tuy nhiên điều chắc chắn là khí hậu nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Và như vậy, thiên tai vẫn sẽ diễn biến phức tạp và khó lường.

Hiện nay, theo dự báo, hiện tượng La Nina yếu vẫn đang duy trì trên khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương và có thể kéo dài đến hết quý I năm 2018. Như vậy, ảnh hưởng của hiện tượng này đối với thời tiết nước ta vẫn tiếp tục. Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ, liên tục để có hướng xử lý kịp thời.

PV: Xin cảm ơn GS về cuộc trao đổi!