Chất phóng xạ phát tán khắp châu Âu bắt nguồn từ Nga?

Cơ quan khí tượng Nga đã thừa nhận nồng độ chất phóng xạ ruthenium-106 (Ru-106) tại khu vực phía nam Urals đang tăng cao đột ngột, tuy nhiên, phủ nhận việc này có thể gây nguy hiểm cho chính quyền địa phương.

“Từ ngày 25-9 đến 1-10, trạm theo dõi mức độ phóng xạ ở Argayash đã ghi nhận nồng độ Ru-106 tăng 986 lần so với tháng trước đó và tại trạm Novogorny là 440 lần. Các tỷ lệ này đều được coi là mức ô nhiễm phóng xạ cực cao”, Cơ quan khí tượng Nga (Rosgidromet) cho hay, tuy nhiên, khẳng định chỉ số này vẫn chưa vượt qua mức tối đa cho phép và sẽ không có bất kì sự ảnh hưởng đến người dân địa phương.

Công ty Năng lượng Nguyên tử Nga (Rosatom) trước đó phủ nhận bất kì sự cố hạt nhân nào xảy ra trên lãnh thổ nước này.

Nga khẳng định nồng độ chất phóng xạ cao nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe

Ru-106 là đồng vị phóng xạ của ruthenium. Nó không có sẵn ngoài tự nhiên mà thường sản xuất bằng cách phân tách nguyên tử uranium-235 trong lò phản ứng hạt nhân.

Ru-106 thường được sử dụng để xạ trị ung thư ở mắt và đầu, ngoài ra, một lượng nhỏ chất này còn được dùng trong máy phát nhiệt điện trên các vệ tinh.

Rất nhiều nước châu Âu như Bulgaria, Ba Lan, Ukraine, Romania và đặc biệt là Pháp đều phát hiện thấy nồng độ Ru-106 tăng cao trong không khí vào hồi tháng 10, tuy nhiên, trấn an rằng, điều này không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Trong khi đó, các chuyên gia Đức cho rằng, sự phát tán Ru-106  trong không khí không phải xuất phát từ sự cố ở một cơ sở nguyên tử mà có thể do khí thải của một trong những nhà máy ở phía nam Urals của Nga.