Kon Tum: Nhiều cơ sở chế biến sắn, cao su gây ô nhiễm môi trường

Thời gian qua, hoạt động của các cơ sở chế biến mủ cao su, nhà máy chế biến tinh bột sắn… tại tỉnh Kon Tum gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn hộ dân.

Các hộ dân tại xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei (Kon Tum) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc tập kết bã mì tươi chưa qua xử lý của Công ty TNHH Phương Hoa (ảnh chụp hồi tháng 8/2017) Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Nằm sát tuyến tỉnh lộ 675, hơn 1 tháng nay xuất hiện một bãi tập kết bã mì tươi chưa qua xử lý của Công ty trách nhiệm hữu hạn tinh bột sắn Kon Tum (thôn Bình Giang, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy). Mùi hôi thối bốc ra từ phía bãi tập kết khiến những người lưu thông qua đây rất bức xúc. Theo quan sát của phóng viên, trên diện tích rộng hơn 3ha, hàng trăm m3 bã mì tươi đã được tập kết, nhiều khu vực bã mì đã khô. Tại các điểm đổ bã mì, nước đục chảy theo dòng ra các khu vực trũng xung quanh, nhiều điểm nước đọng đen kịt, nổi váng, bốc mùi hôi thối.

Ông Trần Văn Lâm (thôn Bình Giang, xã Sa Bình), người dân sống cạnh khu vực tập kết bã mì cho biết: Dù chưa ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt nhưng hằng ngày phải ngửi mùi hôi, tanh từ khu vực tập kết bã mì cũng khiến cuộc sống của gia đình ông bị ảnh hưởng.

Công ty trách nhiệm hữu hạn tinh bột sắn Kon Tum đã có cam kết với chính quyền địa phương về việc không đưa bã mì chưa qua xử lý ra khỏi khu vực nhà máy. Tuy nhiên, phớt lờ cam kết, công ty này vẫn thực hiện việc bán bã mì tươi chưa qua xử lý cho doanh nghiệp, người dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường quanh khu tập kết cũng như cuộc sống của người dân địa phương.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lâm – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Thầy cho biết: Việc Công ty trách nhiệm hữu hạn tinh bột sắn Kon Tum đưa bã mì chưa qua xử lý ra khỏi khu vực nhà máy là sai quy định. Theo quy định, sản phẩm chính và phụ của công ty, công ty phải tự quản lý.

Hoạt động của Nhà máy chế biến mủ cao su – Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thuận Lợi (thôn 5, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) cũng gây ảnh hưởng đến môi trường nghiêm trọng. Mùi tanh, hôi thối nồng nặc từ khu vực nhà máy tỏa ra khiến cuộc sống của nhiều hộ dân sống xung quanh bị ảnh hưởng. Về việc này, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri của huyện và tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường từ khu vực Nhà máy chế biến mủ cao su – Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thuận Lợi, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao nhất từ trước đến nay số tiền 140 triệu đồng đối với công ty này. Dù đã bị xử phạt, yêu cầu khắc phục ô nhiễm môi trường nhưng tình trạng trên vẫn tồn tại, khiến người dân bức xúc.

Ông Nguyễn Đức Xuân – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngọc Hồi cho biết: Trước phản ánh của cử tri về việc các nhà máy chế biến mủ cao su phát tán mùi hôi xung quanh, trong đó có Nhà máy chế biến mủ cao su – Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thuận Lợi, Ủy ban nhân dân huyện cùng Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành lấy mẫu phân tích. Qua phân tích cho thấy, các mẫu khí thải đảm bảo tiêu chuẩn. Cũng theo ông  Xuân, do mùi hôi đặc trưng của cao su phát tán nên rất khó xử lý. Chính quyền huyện Ngọc Hồi đang tích cực phối hợp ngành chức năng nghiên cứu giải pháp nhằm hạn chế mùi hôi từ các khu chế biến mủ cao su, đảm bảo không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

“Về lâu dài, đơn vị nghiên cứu, tham mưu với ngành chức năng của tỉnh về quy trình công nghệ khử được mùi hôi. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ tháp khử mùi đang được một số đơn vị triển khai. Nếu việc ứng dụng công nghệ tháp khử mùi hiệu quả, đơn vị sẽ yêu cầu các cơ sở chế biến mủ cao su áp dụng và xử lý”, ông Xuân cho biết thêm.

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân, chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ, sớm tìm ra giải pháp hữu quả.