Hồ Linh Quang – Hà Nội nhiễm vi khuẩn tả

Nước hồ Linh Quang, phường Văn Chương, quận Đống Đa, theo kết quả xét nghiệm công bố hôm 04/04, có chứa vi khuẩn tả. Khu vực dân cư quanh hồ hiện là một trong những điểm đông bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm nhất Hà Nội.

Bước vào chợ tạm phường Văn Chương, nằm sát hồ Linh Quang, những người không quen cảm thấy buồn nôn không chỉ bởi mùi rác mà cả mùi phân. Các loại thực phẩm được bày trên mặt đất, bên cạnh là các xe rác đầy đến ngọn, các vũng nước đọng, sau lưng chính là bờ hồ Linh Quang, mà thực chất cũng là bãi rác với đủ loại giấy bẩn, nylon, bàn ghế cũ và cả… phân người.

Phía mép bờ bên kia hồ là hàng loạt lều lán dựng tạm bằng phên nứa, vải bạt, nylon… Đó là “tài sản” của các hộ sống ven hồ, họ lấn chiếm đất lưu không dựng lán để cho những người lao động ngoại tỉnh thuê trọ. Những căn lều này dĩ nhiên không có khu vệ sinh, và nhu cầu đại tiểu tiện được giải quyết bằng cách “rót” xuống hồ. Mặt nước gần bờ mọc rất nhiều mùng; một người dân gần đó cho biết mùng này được thu hoạch để bán làm rau.

Ông Nguyễn Đình Huấn, Chủ tịch phường Linh Quang, cho biết trong số 21 bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm được phát hiện trên địa bàn đợt này, phần lớn sống xung quanh khu vực hồ Linh Quang, 4-5 người là lao động ngoại tỉnh trọ ở đây. Theo ông, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở hồ này là nguyên nhân khiến Văn Chương trở thành điểm nóng của dịch tiêu chảy cấp tại Hà Nội.

 
Bức tường rác sau lưng người bán rau này chính là bờ hồ Linh Quang.

Gần 50 năm nay, hồ Linh Quang chưa một lần được nạo vét. Nước hồ đen đặc bốc mùi hôi thối, mực nước nơi sâu nhất cũng chỉ hơn 1 mét, còn lại toàn là bùn và rác do người dân đổ xuống để lấn chiếm. Vừa qua khi phát hiện các ca tả ở phường Văn Chương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy mẫu nước hồ để xét nghiệm và phát hiện phẩy khuẩn tả cũng như nhiều loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột khác.

Hơn 1 tấn Chloramin B đã được đổ xuống, nhưng các nhà quản lý lo ngại hồ này vẫn tiếp tục là nguồn phát tán mầm bệnh, bởi những người sống xung quanh tiếp tục phóng uế.

Không chỉ phường Văn Chương, nhiều nơi khác ở Hà Nội cũng có những ao hồ ô nhiễm tương tự. Bởi vậy, trong buổi làm việc sáng nay với Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Lê Anh Tuấn đã bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ phát triển dịch tiêu chảy từ các ao hồ.

“Để ngăn dịch tiêu chảy cấp, về lâu về dài, thành phố cần làm kè ở các ao hồ, sau đó xử lý nước” – ông Tuấn nói. Khi đã có kè sạch đẹp, người dân sẽ không thể lấn chiếm, việc đổ rác, phóng uế xuống cũng dễ kiểm soát hơn.

Ông Đào Xuân Dương, Phó ban chuyên trách văn hóa xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố, cho biết Hà Nội đang có đề án cải tạo các ao hồ, sông mương lớn, nhưng tiến độ còn chậm do khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Hồ Linh Quang cũng được đưa vào dự án nạo vét, xây kè từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn y nguyên. Hiện cả thành phố chỉ có 2 hồ là Kim Liên, Trúc Bạch có trạm xử lý nước thải.

Theo ông Dương, cần tập trung làm vệ sinh xung quanh các hồ. Với những chỗ cho thuê trọ không đảm bảo điều kiện vệ sinh tối thiểu, cần dẹp bỏ. Đây cũng là quan điểm của Giám đốc Sở Y tế Lê Anh Tuấn.

Hiện nay, Hà Nội vẫn đứng đầu về số bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm có kết quả xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả. Ông Tuấn khẳng định, việc bệnh nhân tăng mạnh lần này không phải là “đuôi” của dịch cũ như một số chuyên gia vẫn nói, mà là một đợt dịch mới phát sinh do điều kiện vệ sinh chưa được cải thiện: “Nếu vẫn còn ăn bẩn, ở bẩn thì những trận dịch như thế này sẽ vẫn tiếp tục bùng phát”.

Việc khoanh vùng, dập dịch ở Hà Nội cũng không dễ dàng do bệnh không tập trung một nơi mà xuất hiện rải rác ở nhiều xã phường theo kiểu xôi đỗ. Mặt khác, thành phố có nhiều người ngoại tỉnh đến thuê trọ, thay đổi chỗ ở thường xuyên và họ chưa được quản lý tốt. Chẳng hạn, trong số bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm ở phường Văn Chương, có 2 người tạm trú, họ trốn viện nhưng chính quyền phường không biết quê họ ở đâu để báo về, yêu cầu giám sát. Những người này lại là nguồn lây tiêu chảy cấp nguy hiểm cho cộng đồng.

Để ngăn chặn tiêu chảy cấp nguy hiểm, Hà Nội đang đẩy mạnh việc kiểm tra thực phẩm. “Những cơ sở không đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động ngay cho đến khi đáp ứng đủ yêu cầu” – ông Lê Anh Tuấn khẳng định.

Trách nhiệm kiểm tra thường xuyên và xử phạt thuộc về chính quyền các phường xã. Tại phường Văn Chương, trong những ngày cuối tháng 3 đã có 15 hàng quán bị tạm đóng cửa do mất vệ sinh. Danh sách các cơ sở này được đọc trên loa phát thanh để người dân được biết.