Anh lọc không khí bằng… thuế

Để cải thiện chất lượng không khí, thủ đô London của Anh sẽ áp dụng loại thuế mới T-charge đối với những phương tiện cũ và gây ô nhiễm môi trường.

Ảnh: Getty

T-charge là một phần trong chiến dịch làm sạch không khí của Văn phòng Thị trưởng London trị giá 875 triệu bảng với mục tiêu tạo một khu vực có lượng khí thải cực thấp (ULEZ) vào năm 2019.

Thị trưởng London Sadiq Khan cho biết, các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu là dầu diesel và xăng, được sản xuất trước năm 2006 không đáp ứng tiêu chuẩn “Euro 4” của châu Âu công bố năm 2005 về lượng khí thải ra môi trường, là đối tượng bị áp thuế T-charge với mức 10 bảng Anh một ngày.

Như vậy, cùng với chính sách đánh thuế tránh gây tắc nghẽn giao thông 11,5 bảng/xe từ 7h-18h các ngày trong tuần, nhiều phương tiện sẽ phải chịu 21,5 bảng/ngày khi tham gia giao thông ở London trong khoảng thời gian trên.

Các biện pháp đánh thuế đối với các phương tiện tham gia giao thông của London được đưa ra sau khi Tòa Thượng thẩm Anh tuyên bố những biện pháp xử lý ô nhiễm không khí của chính phủ nước này không đáp ứng được tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu về giới hạn hàm lượng Nitrogen dioxide (NO2) trong không khí.

Hồi cuối tháng 9, Thị trưởng London đã phải kích hoạt cảnh báo ô nhiễm không khí nghiêm trọng sau khi mức độ ô nhiễm tại London dày đặc hơn do lượng khí thải độc hại bao trùm toàn châu Âu. Đây là lần thứ 7 trong 13 tháng qua chính quyền thủ đô London kích hoạt hệ thống cảnh báo nói trên.

Báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường ở Anh vẫn đang hết sức đáng quan ngại khi London dường như “bất lực” trong giải quyết vấn nạn này.

Theo báo cáo, thị trường Anh có thể trở thành “thiên đường” của các ngành “kinh doanh bẩn” và các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn của EU, đặc biệt sau Brexit. Báo cáo chỉ ra tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ đã gây hậu quả nặng nề. Thực tế, hơn 40.000 ca chết yểu mỗi năm tại quốc gia này được cho là có liên quan tới tình trạng ô nhiễm không khí.

Ngoài việc áp dụng thuế, Chính phủ Anh đang cân nhắc chính sách trợ giúp để người dân tăng cường sử dụng xe đạp và ô tô điện làm phương tiện giao thông của mình.

Thứ trưởng phụ trách đường bộ của Anh Jesse Norman cho biết việc khuyến khích mọi người sử dụng xe đạp điện là do Anh đang đối mặt với vấn đề sức khỏe do ô nhiễm môi trường và cuộc sống ít vận động gây nên. Ngoài ra Anh cũng đang cân nhắc sẽ sử dụng loại xe đạp điện chở hàng để vận chuyển các gói bưu kiện nhỏ thay vì chở bằng xe tải nhỏ như hiện nay.

Theo đề án hiện nay thì mọi người dân mua xe ô tô điện có thể nhận được trợ cấp tối đa là 4.500 bảng thông qua chương trình trợ cấp mua xe ô tô điện của chính phủ. Tuy nhiên, chính sách đối với xe đạp điện hiện chưa có.

Số người dùng xe đạp làm phương tiện đi lại tại Anh hiện nay thấp hơn rất nhiều so với các nước châu Âu khác. Anh đang có kế hoạch nâng chi phí đầu tư cho chiến lược đi bộ và xe đạp.

Không chỉ tại Anh, nhiều quốc gia châu Âu cũng đang thúc đẩy giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí khi mà Cơ quan Môi trường châu Âu cảnh báo, 85% người dân thành thị ở khu vực này đang phải hít thở bầu không khi ô nhiễm.

Thủ đô Paris của Pháp cũng đã từng phải hứng chịu đợt ô nhiễm không khí được xem là tồi tệ nhất trong vòng một thập kỷ.

Để đối phó với tình trạng này, chính quyền thành phố đã áp dụng chính sách lưu thông luân phiên biển số chẵn – lẻ. Vé tàu điện ngầm cũng đã được miễn phí để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Tại Ba Lan, các nhà khoa học đã phát triển một loại máy bay không người lái để kiểm tra mức độ ô nhiễm trong không khí. Thiết bị này có khả năng đo nồng độ của các chất gây ô nhiễm không khí nhỏ nhất mà không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Đầu năm nay, Bulgaria đã trở thành quốc gia thành viên đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) bị xét xử về ô nhiễm không khí. Bulgaria bị Tòa án châu Âu kết tội không tuân thủ các quy định về bảo đảm chất lượng không khí. Đây được xem là biện pháp mạnh của châu Âu nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí tại châu lục này.

Theo một nghiên cứu, ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính khiến gần 9 triệu người trên thế giới tử vong trong năm 2015.