Quảng Ninh: Tài nguyên chảy máu, xử lý cho có?

ThienNhien.Net – Mặc dù Công ty CP Xi măng Thăng Long khai thác tài nguyên ngoài phạm vi trong một thời gian dài, nhưng dường như UBND xã Lê Lợi và UBND huyện Hoành Bồ không hay biết?. Chỉ đến khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cùng với các cơ quan liên ngành vào cuộc thanh tra mới phát hiện hàng loạt sai phạm. Tuy nhiên, việc xử lý đối với những sai phạm này lại chỉ để… cho có?

Tài nguyên bị “chảy máu” chính quyền không biết?

Theo phản ánh của người dân thôn Yên Mỹ, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, từ khoảng những năm 2009, Công ty CP Xi măng Thăng Long đưa máy móc về địa phương khai thác tài nguyên đất sét.

Do thiếu nước nên ruộng đồng của người dân đa phần bị bỏ hoang hoặc phát triểm chậm.

“Đầu tiên, công ty về đây mua đất của người dân với giá rẻ mạt, ngay sau đó là đưa máy móc về đây khai thác tài nguyên sét một cách rầm rộ. Khiến đời sống người dân nơi đây bị ảnh hưởng nặng nề khi đường sá bị xuống cấp, bụi bay mù mịt. Đặc biệt, những tại những moong, sét được tận thu một cách triệt để, tạo thành hố sâu hàng chục mét, đường dẫn nước vào ruộng bị ngăn nên cả chục hộ dân đành phải bỏ hoang vì không thể sản xuất”, ông Nguyễn Văn T., người dân thôn Yên Mỹ bức xúc.

Từ phản ánh của người dân, phóng viên đã có mặt tại khu vực khai thác tài nguyên sét của Công ty CP Xi măng Thăng Long. Đập vào mắt chúng tôi về mỏ sét là một khu vực rộng lớn, sâu hàng chục mét, nham nhở và không có hàng rào chắn hay biển cảnh báo nguy hiểm. Cạnh đó, khu đồi cũng bị đào khoét nham nhở, lộ ra mỏ sét rất lớn.

“Công ty xi măng Thăng Long đã khai thác đất sét được gần một chục năm nay, tại khu vực K1 và K2 họ đã khai thác xong, có đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định. Tuy nhiên, khi chuyển sang khu vực K3 khai thác được một thời gian thì bị tạm dừng vì thiếu thủ tục”, ông Bùi Văn Bình, Phó chủ tịch UBND xã Lê Lợi cho biết.

Cả một quả đồi bị khai thác sét trái phép trong một thời gian dài mà chính quyền địa phương không biết?

Khi được đề nghị cung cấp hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc khai thác tài nguyên sét của Công ty CP Xi măng Thăng Long trên địa bàn thì ông Bình viện lý do cán bộ quản lý hồ sơ đi vắng. Liên quan đến việc vì sao Công ty CP Xi măng Thăng Long khai thác khi chưa đủ thủ tục, ra ngoài phạm vi cho phép thì ông Bình lại thoái thác với lý do mới về nên không nắm được.

Đặc biệt, khi phóng viên hỏi sao không yêu cầu công ty cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại K1 và K2 khi đã khai thác xong thì ông Bình ngụy biện: “Trước đây công ty có cắm biển cảnh báo bằng sắt, tuy nhiên có thể bị lấy trộm mất nên họ cắm biển bằng gỗ, có thể do mưa, gió nên biển cảnh báo bị đổ rồi”.

Không tiếp cận được hồ sơ từ UBND xã Lê Lợi, nhóm phóng viên đành lên huyện, tuy nhiên phải qua năm lần bảy lượt gặp trực tiếp, liên lạc qua điện thoại, chúng tôi mới được ông Phạm Văn Luyến, Chánh văn phòng huyện Hoành Bồ cung cấp cho một bộ tài liệu còn thiếu nhiều văn bản quan trọng qua… gmail.

Xử lý sai phạm kiểu “giơ cao đánh khẽ”?

Theo tài liệu do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cung cấp cho Dân Việt, ngày 28.8.2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp giấy phép số 1687/GP –BTNMT cho Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long khai thác sét bằng phương pháp lộ thiên đến cốt cao -10m tại mỏ sét Yên Mỹ, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh; diện tích khu vực khai thác 101 ha; trữ lượng khai thác 15.297.280 tấn; công suất 516.800 tấn/năm; thời hạn khai thác 30 năm với 12 khu vực được ký hiệu từ K1 – K12.

Đến ngày 12.2.2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Quyết định số 372/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt Đề án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án khai thác mỏ sét Yên Mỹ tại xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh.

Dù có những quyết định rõ ràng như vậy, tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, tại K1 và K2, tài nguyên sét bị lấy có dấu hiệu bị vượt quá so với quy định. Thể hiện ở chỗ có những điểm sâu đến gần 30 – 40m. Không biết, việc quản lý khai thác sét được các cơ quan chức năng quản lý ra sao. Đó còn là chưa kể, mặc dù đã có quyết định về việc phê duyệt đề án cải tạo, phục hồi môi trường từ năm 2015, việc khai thác tại K1 và K2 cũng đã xong từ lâu, tuy nhiên đến nay công ty vẫn chưa thực hiện theo quyết định. Liệu rằng có phải việc Công ty CP Xi măng Thăng Long chỉ chú trọng việc khai thác tài nguyên, còn vấn đề hoàn nguyên và cải tạo môi trường thì xem nhẹ?


Dù đã khai thác xong từ lâu, nhưng đến nay tại K1 và K2 vẫn chưa được hoàn nguyên.

Liên quan đến việc khi Công ty CP Xi măng Thăng Long đang khai thác tại khu vực K3 thì bị tạm dừng, phía Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết: Ngày 28.3.2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Xây dựng, UBND huyện Hoành Bồ tiến hành buổi làm việc, kiểm tra thực địa khu vực mỏ sét Yên Mỹ của Công ty CP Xi măng Thăng Long ghi nhận công ty đã tổ chức khai thác khoáng sản vượt ra ngoài phạm vi của khu vực được cấp phép khai thác theo quy định với diện tích 1,3 ha; Sử dụng đất khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất vào mục đích khai thác sét…

Từ những sai phạm này, đoàn thanh tra đã yêu cầu Công ty CP Xi măng Thăng Long phải tạm dừng khai thác ngay việc khai thác để hoàn thiện hồ sơ, đồng thời ra quyết định xử phạt 178 triệu đồng, cũng như buộc công ty phải cải tạo phục hồi môi trường đối với phần đất khai thác sét ngoài ranh giới.

Theo Luật sư Nguyễn Quốc Việt, GĐ Công ty luật Khánh Việt: “Tại Điều 172 Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc có giấy phép không đúng với nội dung giấy phép gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 50 triệu  – 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng – 3 năm.

Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì ngoài bị phạt tiền còn bị phạt tù từ 2 năm đến 10 năm tù giam”.

Như vậy, đối chiếu với quy định, việc Công ty CP Xi măng Thăng Long khai thác trái phép 1,3ha tài nguyên sét nhưng chỉ bị xử phạt 178 triệu đồng liệu đã hợp lý? Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cần vào cuộc, xác định rõ vi phạm để đưa ra hình thức xử lý theo đúng pháp luật.