Thi công thủy điện không phép ở Lai Châu: Chính quyền cơ sở thiếu trách nhiệm

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Giàng A Tính cho biết tỉnh đang đình chỉ thi công công trình nói trên và xử lý theo quy định pháp luật. Ông Tính cũng khẳng định các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở thiếu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm của các công trình thủy điện, để xảy ra tình trạng sai phạm kéo dài.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Giàng A Tính khẳng định chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của tỉnh đã thiếu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm kéo dài tại nhà máy thuỷ điện Mường Kim II – Ảnh: N.P


Chưa được giao đất, chủ đầu tư tự ý xây dựng công trình

Liên quan tới việc chủ đầu tư Dự án thủy điện Mường Kim II (địa bàn huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) triển khai thi công với nhiều vi phạm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Giàng A Tính đã trả lời những vấn đề liên quan.

Trả lời báo chí về những sai phạm của chủ đầu tư Dự án Nhà máy thủy điện Mường Kim II do Công ty CP thủy điện Than Uyên làm chủ đầu tư mà các cơ quan báo chí phản ánh, ông Tính cho hay, ngày 12.7, UBND tỉnh Lai Châu đã thành lập đoàn công tác liên ngành do Sở Công Thương chủ trì để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong đầu tư thủy điện Mường Kim II.

Về sai phạm tại dự án, ông Tính khẳng định chủ đầu tư khi thi công công trình đã xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn giao thông khi chưa được phép; sử dụng trái phép đất giao thông đường bộ làm nơi tập kết vật liệu, máy móc.

Chủ đầu tư thực hiện phá dỡ một số hạng mục đầu mối thủy lợi Phai Ngoa khi chưa được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền. Còn nội dung vi phạm đào hầm cửa vào và cửa ra của đường hầm dẫn nước xuyên quốc lộ 32 khi chưa có phép là do chủ đầu tư trước đã làm…

Về biện pháp xử lý, “cơ quan chức năng ra quyết định tạm dừng thi công các hạng mục vi phạm hành lang an toàn giao thông, yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả lại hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông và hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan.

Cho đến nay, chủ đầu tư Dự án thủy điện Mường Kim II đã xây dựng lại tuyến kênh thủy lợi đã dỡ bỏ, phải bàn giao đập và tuyến kênh thủy lợi cho Công ty Thủy nông quản lý; duy trì dòng chảy tối thiểu phục vụ sản xuất…”, ông Tính nói.

Ông Giàng A Tính cho biết đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh có báo cáo “Dự án thủy điện Mường Kim II thi công theo hồ sơ thiết kế được duyệt, các thủ tục pháp lý có liên quan cơ bản đầy đủ và được chủ đầu tư triển khai đúng quy định”.

Trả lời câu hỏi “Chủ đầu tư thi công công trình đã tiến hành nổ mìn khoan hầm dẫn nước làm nứt hơn 70 ngôi nhà của người dân, vẫn còn hai hộ không nhận tiền đền bù của chủ đầu tư, tỉnh Lai Châu sẽ xử lý thế nào?”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho hay: “Tôi không biết về sự việc này. Cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở cũng không báo cáo gì cả”.

Bên cạnh những vi phạm nói trên, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Mường Kim II còn vi phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai, khi đơn vị này chưa được cơ quan chức năng giao đất xây dựng dự án. Ông Giàng A Tính khẳng định “việc dự án thủy điện chưa được giao đất mà chủ đầu tư tự ý tiến hành xây dựng công trình như vậy là sai.

Tỉnh sẽ thành lập đoàn công tác để kiểm tra, xử lý đúng quy định. Nếu dự án chưa được giao đất mà xây dựng công trình thì phải đình chỉ thi công.

Vấn đề này cũng phải nói do trách nhiệm của chính quyền cơ sở, trên địa bàn mình xảy ra những sai phạm như vậy mà không phát hiện được hoặc phát hiện ra mà không báo cáo cấp trên là có lỗi che giấu”.

Tổng cục Đường bộ yêu cầu khôi phục ngay quốc lộ

Trong một diễn biến khác, ngay khi báo chí phản ánh những vi phạm tại Dự án thủy điện Mường Kim II, chủ đầu tư đã đào, khoan hầm xuyên qua quốc lộ 32 tại Km332+100 và KM334+180 khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thi công, ngày 11.7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã có công văn hỏa tốc gửi các cơ quan chức năng Lai Châu.

Tổng cục ĐBVN yêu cầu Sở Giao thông vận tải Lai Châu tiến hành ngay các thủ tục yêu cầu Công ty cổ phần thủy điện Than Uyên dừng ngay việc vi phạm; tổ chức khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra theo quy định tại Nghị định 46/2016NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; bằng mọi biện pháp đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.

Tổng cục ĐBVN yêu cầu Sở Giao thông vận tải Lai Châu rà soát, báo cáo quá trình vi phạm của chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Mường Kim II; quá trình kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm (nêu rõ các mức vi phạm tương ứng mức hành vi xử phạt).

Giao Sở Giao thông vận tải Lai Châu chủ trì, phối hợp với các bên có liên quan đề xuất hướng giải quyết để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, đảm bảo an toàn các công trình đường bộ trên quốc lộ 32.

Công văn của Tổng cục ĐBVN nêu rõ, căn cứ các nội dung trên, yêu cầu Sở Giao thông vận tải Lai Châu khẩn trương tổ chức thực hiện, báo cáo (kèm theo các hình ảnh, tài liệu liên quan đến xử lý vi phạm) về Tổng cục ĐBVN trước ngày 15.7.2019.

Tổng cục ĐBVN cũng đề nghị Sở Công Thương Lai Châu xem xét năng lực và việc chấp hành quy định về đầu tư xây dựng, môi trường, giao thông đường bộ để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND tỉnh xử lý về việc chấp hành quy định pháp luật của nhà đầu tư dự án.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của phóng viên tại dự án, đến ngày 20.7, Nhà máy thủy điện Mường Kim II đã phát điện, chủ đầu tư dự án này không có bất cứ hoạt động nào để trả lại hiện trạng ban đầu khi tiến hành khoan hầm xuyên qua quốc lộ 32; không tháo dỡ phần hạng mục của nhà máy và đập xây dựng vi phạm hành lang giao thông… UBND tỉnh Lai Châu cũng chưa giới hạn thời gian nhất định, để buộc chủ đầu tư Dự án thủy điện Mường Kim II phải thực hiện khắc phục sai phạm!

Thống kê của Sở Tài nguyên – Môi trường Lai Châu, tỉnh này có rất nhiều dự án thủy điện chưa được bàn giao đất vì một phần diện tích xâm hại đến rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Những dự án này muốn được triển khai thì phải điều chỉnh diện tích, hoặc được Chính phủ cho phép, vì địa phương thực hiện theo Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Một số dự án chưa được giao đất cụ thể như: Dự án thủy điện Nậm Củm 1 công suất 10MW của Công ty cổ phần Năng lượng Nậm Củm 1, có 1,52ha rừng sản xuất và 6,09ha rừng phòng hộ bị ảnh hưởng; Dự án thủy điện Nậm Củm 2 có công suất 13MW của Công ty cổ phần Phát triển điện Mường Tè, ảnh hưởng hơn 5ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ; Dự án thủy điện Nậm Củm 3 công suất 35MW của Công ty cổ phần Phát triển điện Mường Tè, có hơn 16ha rừng sản xuất bị ảnh hưởng; Dự án thủy điện Nậm Cuổi có công suất 11MW của Công ty cổ phần Thủy điện Nậm Cuổi, có hơn 13ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ bị ảnh hưởng; Dự án thủy điện Nậm Cấu có công suất 20MW của Công ty TNHH một thành viên Việt Anh Lai Châu có rừng tự nhiên bị ảnh hưởng….

Từ năm 2004 đến nay, Lai Châu quy hoạch phát triển 104 dự án thủy điện, trong đó hơn 70 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư (gồm 20 dự án đã hoàn thành và phát điện, còn lại đang tiến hành xây dựng công trình, hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai). Tỉnh Lai Châu cũng đang chủ trương cho cơ quan chuyên môn khảo sát những vị trí có thể xây dựng được dự án thủy điện, đưa vào quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế địa phương.

Trao đổi về vấn đề Lai Châu phát triển ồ ạt nhiều công trình thủy điện ảnh hưởng tới môi trường và gây biến đổi khí hậu không, ông Giàng A Tính – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định: “Lai Châu không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Phát triển công trình thủy điện có ảnh hưởng tới môi trường, gây biến đổi khí hậu ở mức nào thì chúng tôi không trả lời, vì chỉ có chuyên gia trong lĩnh vực này mới đánh giá xác thực được”.