Khai thác tận diệt, biển “chết” dần

ThienNhien.Net – Ngư dân sử dụng các dụng cụ mang tính “tận diệt” như chất nổ, xung điện, kích điện và lưới mắt nhỏ để khai thác tôm cá diễn ra phổ biến khiến nhiều loài thủy sản đang mất dần.

Tại những vùng biển ở các xã Bình Châu, Bình Hải, Bình Chánh (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) hay ven đảo Lý Sơn, rất nhiều tàu giã cào công suất lớn từ tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên đang hoạt động. Đây là hình thức đánh bắt bằng cách giăng lưới mành có lỗ rất nhỏ dàn hàng ngang, gom tất cả các loài thủy hải sản.

Không loài nào sống sót

Những lúc trời tối, ở các vùng biển ven bờ Bình Châu, cả chục tàu giã cào dàn hàng ngang “quét” tất cả sinh vật dưới biển. Với cách đánh bắt này, cá, tôm dù nhỏ nhất cũng không thoát được, các rạn san hô ngầm bị tàn phá.

“Tàu giã cào hoạt động hết sức ngang ngược. Lưới câu hay các lồng nuôi cá của người dân địa phương cũng bị tàu giã cào “quét” sạch. Ai phản ứng thì bị dọa giết, đánh thuốc nổ” – ngư dân Nguyễn Văn Bảy (ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn) bức xúc.

Phá Tam Giang – Cầu Hai đi qua 5 huyện, thị xã của tỉnh Thừa Thiên – Huế có diện tích hơn 22.000 ha. Khu vực này có nguồn lợi thủy sản dồi dào. Nơi đây có trên 15.000 người sinh sống trực tiếp bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Người dân dùng lờ khai thác thủy sản ở đầm Thủy Triều (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) (Ảnh: Kỳ Nam)

Anh Trương Viết Phương chuyên sống bằng nghề chài rớ trên phá Tam Giang (đoạn cửa biển Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Theo anh Phương, trước đây, cá ở khu vực này rất nhiều, việc đánh bắt khá dễ dàng. Những năm trở lại đây, lượng cá, cua rất ít. Mỗi ngày, anh chỉ đánh bắt được vài ký cá.

Trong khi đó, tại khu vực đầm phá đi qua các xã Quảng An, Quảng Phước, Quảng Lợi (huyện Quảng Điền), xã Điền Hải (huyện Phong Điền), “thủy tặc” thường xuyên sử dụng xung điện đánh bắt cá trái phép. Ông Đặng Viết Nước, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng An, cho hay khoảng tháng 9-10 hằng năm, các đối tượng này thường sử dụng đò máy với công suất lớn quần thảo ở các khu vực đầm phá. Công cụ đánh bắt thủy sản là xung điện lên đến 500 V. Ngay cả con trìa dưới đất bị gí điện cũng không thể sống.

Những người này đều là dân sông nước đã lên bờ tái định cư ở thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang và TP Huế, thường tổ chức đánh bắt theo nhóm. “Những khu vực nuôi trồng của người dân nếu lơ là bảo vệ là họ đánh bắt ngay. Chỉ 15 phút thì cua, cá bị đánh bắt hết. Chúng tôi có đội bảo vệ nhưng rất khó xử lý vì các đối tượng manh động” – ông Nước lo ngại.

Việc đánh bắt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khai thác hải sản của ngư dân bản địa và làm môi trường ô nhiễm. Ông Phạm Tăng Đoàn, Chủ tịch UBND xã Phú Diên, khẳng định những chiếc tàu giã cào công suất trên 400 CV này hoạt động cả trên vùng biển gần bờ, trong khi quy định chỉ được đánh bắt ở ngoài khơi. Các đối tượng hoạt động tinh vi, sử dụng lưới có chì nhấn chìm dưới đáy biển. Quá bức xúc, trong khi địa phương không đủ năng lực xử lý, mới đây, UBND xã Phú Diên đã gửi đơn “cầu cứu” lên ngành nông nghiệp, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Tại các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa…, tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện, kích điện và lưới mắt nhỏ để khai thác thủy sản cũng diễn ra khá phổ biến.

Theo các ngư dân ở phường Cẩm An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, mỗi ngày họ chỉ thả lưới khoảng 10 giờ và trong tâm trạng nơm nớp lo sợ các cặp tàu giã cào lớn tràn vào đánh bắt, kéo cả lưới lẫn thúng chai thì hư hỏng ngư cụ hoặc “mất cả chì lẫn chài”, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Bắt không xuể

Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, Đồn Biên phòng Trà Cổ (tỉnh Quảng Ninh) đã phát hiện, bắt giữ 18 vụ sử dụng kích điện, thuốc nổ, đồ lặn và lồng bát quái để khai thác nguồn lợi thủy sản mang tính hủy diệt.

Theo thống kê trong 2 năm 2015-2016, các tàu kiểm ngư của tỉnh Nghệ An đã phát hiện 746 tàu vi phạm khi đánh bắt trên biển, xử phạt gần 1 tỉ đồng, thu số lượng lớn xung điện, lồng bát quái, mìn, dây cháy chậm.


Phát hiện tàu giã cào tận diệt thủy sản tại Thừa Thiên – Huế. (Ảnh: Quang Nhật)

Nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ của tỉnh Thanh Hóa cũng ngày càng cạn do ngư dân đánh bắt kiểu hủy diệt như trên. Theo ông Lê Bá Lực, Trưởng Phòng Quản lý tàu cá – Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thanh Hóa – từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị này thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra việc khai thác thủy sản của ngư dân. Qua đó, nhiều trường hợp tàu cá đánh bắt sai luồng tuyến, dùng kích điện, xung điện để đánh bắt bị phát hiện.

Ngày 13-8, ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Từ khi được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát các hoạt động đánh bắt thủy sản trái phép vào tháng 3-2017, chi cục đã kiểm tra xử lý hơn 100 tàu giã cào các loại. Mới đây, chi cục đã tiêu hủy 46 chiếc giã cào sò ở TP Cam Ranh.

Theo ông Én, tình trạng ngư dân khai thác bằng phương tiện trái phép đang nóng ở vịnh Cam Ranh, đầm Nha Phu, vịnh Vân Phong. Chi cục đã huy động 3-4 tàu tuần tra liên tục để xử lý. Tuy nhiên, đa số các tàu giã cào hoạt động ban đêm, nhiều đối tượng khi thấy tàu tuần tra liền đánh đắm tàu của mình để phi tang… Ở TP Cam Ranh, chi cục phát hiện 52 tàu cào sò nhưng chỉ xử lý được 46 chiếc, số còn lại bị đánh đắm hoặc lẩn trốn. Ngoài ra, việc xử lý các đối tượng này gặp nhiều khó khăn vì đa số đều có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cũng than phiền việc rất nhiều tàu giã cào đã bị xử lý nhưng vẫn còn nhiều chiếc lén lút hoạt động. Các tàu này ban ngày neo đậu ngoài khơi để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, tối đến lén lút thả lưới càn quét hải sản ven bờ khiến công tác truy bắt gặp nhiều khó khăn.

Ngừng phát triển đội tàu giã cào

Trước tình trạng này, ông Ngô Văn Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, khẳng định UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu tạm ngừng phát triển đội tàu giã cào.

“Chúng tôi cũng không cấp phép khai thác thủy sản nghề lưới kéo cho bất kỳ phương tiện nào, trừ trường hợp gia hạn. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý những tàu giã cào hoạt động trái quy định” – ông Hưng nói.

Trong khi đó, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng lực lượng thanh tra thủy sản của tỉnh hiện có 7 biên chế nhưng chỉ 4 thành viên túc trực trên tàu kiểm ngư có công suất 385 CV và 1 canô có công suất máy 85 CV kèm theo để tuần tra, xử lý sai phạm trong nghề cá. Lực lượng ít, phương tiện không đủ, Quảng Nam lại có đến 2 cửa biển là Cửa Đại (Hội An) và An Hòa (Núi Thành) cách nhau quá xa nên khó xử lý kịp thời.

“Từ Núi Thành đến Hội An hay ngược lại phải mất ít nhất 5 giờ nên khi chúng tôi điều tàu đến thì đối tượng đã tẩu thoát rồi. Tỉnh cũng chỉ cho phép chúng tôi thực hiện 10 chuyến tuần tra, kiểm soát trong 1 năm nên nhiều khi không bao quát được hết nạn hủy diệt thủy hải sản ven bờ” – một cán bộ Chi cục Thủy sản Quảng Nam than thở.

Tỉnh Quảng Nam đang hỗ trợ các ngư dân chuyển đổi nghề, ngư trường. Ngoài ra, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi ký kết ranh giới phân vùng quản lý khai thác hải sản cho mỗi địa phương.

Ông Nguyễn Hải Thụy, Phó trưởng Phòng Thanh tra – Pháp chế Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết các tàu giã cào đều mang số hiệu các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… Việc xử lý rất khó khăn vì tàu này hoạt động ban đêm, công suất lớn, trong khi lực lượng chức năng chỉ có một tàu tuần tra, thiếu nhân lực.

“Khi mình đưa tàu ra thì họ đã thu lưới giã cào lại hoặc cắt lưới bỏ chạy nên khó có cơ sở để đấu tranh với các đối tượng vi phạm. Mỗi lần tuần tra thì vùng biển “lặng sóng” vì nhiều tư thương thu mua hải sản, móc nối làm cảnh giới cho loại tàu này hoạt động trái phép. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt còn thấp nên không đủ sức răn đe bởi lợi nhuận của nghề này mang lại khá cao” – ông Thụy nhìn nhận.

Cấm khai thác thủy sản trong vùng lõi vịnh

Chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã mở chiến dịch nhằm ngăn chặn, xử lý triệt để những phương tiện vi phạm trong việc khai thác, đánh bắt thủy sản. Đích thân ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đi kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên khu vực vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long và một số địa phương khác. Đoàn công tác đã phát hiện rất nhiều chủ phương tiện đánh bắt gần bờ sử dụng các dụng cụ cấm trong khai thác thủy sản.

Theo báo cáo, chỉ riêng các loại cá con mà ngư dân đánh bắt tận diệt để bán cho các cơ sở nuôi cá trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long mỗi năm đã lên tới khoảng 140 tấn. Hiện trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, thậm chí ở những vùng xa hơn nữa, theo ngư dân, nhiều loại thủy sản không còn xuất hiện.

“Nếu cứ đánh bắt kiểu này, con cháu sẽ mất nghề biển, hệ sinh thái biển sẽ bị tàn phá nghiêm trọng. Vì thế, yêu cầu cấm đánh bắt, khai thác thủy sản bằng mọi hình thức trong vùng lõi vịnh Hạ Long ngay lập tức, tiến tới từng bước chấm dứt hẳn các hoạt động khai thác thủy sản cả ở vùng đệm vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long nhằm bảo vệ, gìn giữ nguồn lợi thủy hải sản” – ông Đọc khẳng định.