Chủ động ứng phó và khai thác lợi thế của lũ

ThienNhien.Net – Các tỉnh ĐBSCL vừa triển khai ứng phó với lũ, vừa tận dụng mùa lũ để sản xuất, nuôi trồng và khai thác thủy sản nhằm tăng thu nhập cho người dân…

Những ngày đầu tháng 8-2017, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm và lên theo triều. Tại Tân Châu, mực nước dao động khoảng 3,05m, tại Châu Đốc ở mức 2,35m. Theo dự báo đỉnh lũ năm 2017 xuất hiện khoảng nửa đầu tháng 10, khả năng ở mức báo động 2 đến báo động 3 (Tân Châu từ 4- 4,5m; Châu Đốc từ 3,5- 4m).

Hiện tại, các tỉnh ĐBSCL vừa triển khai ứng phó với lũ, vừa tận dụng mùa lũ để sản xuất, nuôi trồng và khai thác thủy sản nhằm tăng thu nhập cho người dân…

Bảo vệ sản xuất nông nghiệp

Tại các vùng đầu nguồn ĐBSCL, nước lũ đã tràn ngập nhiều nơi đe dọa hàng chục ngàn hécta lúa sắp tới ngày thu hoạch. Ở huyện Mộc Hóa có khoảng 5.000ha lúa hè thu bị đe dọa ảnh do hưởng lũ sớm, nguy cơ mất trắng hoặc giảm năng suất. UBND huyện đã huy động lực lượng chức năng cùng người dân dồn sức chống lũ, gia cố nhanh đê bao bảo vệ lúa.

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho hay: “Những ngày qua, nước lũ đã làm hơn 200ha lúa hè thu ở huyện biên giới Tân Hưng bị thiệt hại từ 30%-70%. Khoảng 20.000ha lúa khác ở các huyện Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Hưng, thị xã Kiến Tường… nằm trong vùng nguy hiểm, bởi nước lũ bao vây tứ phía.

Hiện tại, ngành nông nghiệp phối hợp cùng chính quyền triển khai hàng loạt giải pháp chống lũ, gia cố đê bao, cống bọng… bảo vệ lúa. Song song đó, khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín nhằm giảm thiểu thiệt hại; cố gắng đến khoảng 20-8 thu hoạch dứt điểm lúa hè thu”.

Ở An Giang, nước lũ đổ về khá mạnh. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh An Giang, đã có khoảng 145ha lúa ở huyện Châu Phú bị ngập do đê bao thấp, không an toàn.

Ngành chức năng đã gia cố, đồng thời thu hoạch nhanh diện tích lúa bị ngập sâu, chấp nhận giảm năng suất. Hàng chục ngàn hécta lúa ở các huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú, An Phú… được ngành nông nghiệp, hợp tác xã, nông dân… nâng cấp bờ bao bảo vệ, bơm nước liên tục ra ngoài, không để lũ làm thiệt hại.

Nông dân Long An thu hoạch lúa do ảnh hưởng mưa lũ gây ngập

Tại huyện biên giới Giang Thành (Kiên Giang), do ảnh hưởng mưa dầm nhiều ngày qua khiến hàng loạt diện tích lúa bị ngập nặng. Nông dân buộc phải thu hoạch sớm nên năng suất giảm và giá bán lúa bị ẩm ướt thấp, thiệt trăm bề.

Cùng với việc căng sức chống lũ bảo vệ lúa, những nông dân canh tác vườn cây ăn trái ở ĐBSCL cũng lo lắng nước lũ lên cao. Do vườn cây ăn trái đầu tư tốn kém nên ngành chức năng và nhiều nông dân các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang… rất chủ động chống lũ, bởi dự báo năm 2017 nước lũ cao hơn 4-5 năm trước.

Điều chỉnh sản xuất thích ứng với lũ

Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT-TKCN đã có công điện gửi các tỉnh ĐBSCL yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do lũ sớm gây ra. Do nước lũ cao hơn trung bình nhiều năm và diễn biến phức tạp, nên ngành chức năng, chính quyền địa phương cần thông tin rộng rãi cho người dân biết, phòng tránh. Cần lưu ý, những bà con sống ở nơi trũng thấp, ven sông rạch, ngoài đê bao, gần nơi sạt lở… phải có kế hoạch di dời đến chỗ an toàn. Khẩn trương gia cố đê bao bảo vệ lúa, hoa màu, cây ăn trái…

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp thông tin, nếu như những năm trước nông dân sản xuất hơn 150.000ha lúa thu đông thì dự kiến năm 2017 này giảm còn khoảng 70.000 – 80.000ha.

Chủ trương là những nơi đã sản xuất 3 vụ liên tục cần tận dụng lũ về nhiều để xả lũ lấy phù sa, đồng thời khai thác lợi thế của lũ để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, tăng thu nhập cho nông dân…

Ông Nguyễn Trạng Sư, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện đầu nguồn Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (từng có thâm niên hàng chục năm chống lũ) nhìn nhận: “Hầu hết các cao trình đều lấy mức báo động 3 ở Tân Châu làm chuẩn. Do đó, nếu như dự báo của ngành chuyên môn về đỉnh lũ năm 2017 ở mức từ báo động 2 đến báo động 3 là không quá lo ngại. Tuy nhiên, cần chủ động các giải pháp và tuyên truyền để người dân ý thức, tránh lơ là chủ quan”.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh An Giang, ngoài mấy trăm hécta lúa ở huyện Châu Phú bị ngập do không có đê bao thì những vùng khác vẫn an toàn. Riêng kế hoạch sản xuất 170.000ha lúa thu đông đều nằm trong khu vực đê bao vững chắc, cao trình đảm bảo nước lũ báo động 3.

Ông Vương Hữu Tiếng, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, nhận định: “Nước lũ dù về nhiều hơn vài năm gần đây nhưng vẫn trong vòng kiểm soát.

Tuy nhiên, do lũ mới bắt đầu và thời gian còn kéo dài nên ngành chức năng đang tập trung ứng phó. Đồng thời tuyên truyền đến người dân không chủ quan, bởi diễn biến thời tiết ngày càng khó lường; riêng 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn An Giang thiên tai làm thiệt hại tới 92 tỷ đồng”.

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết, năm nay tỉnh sẽ giảm mạnh diện tích lúa thu đông xuống khoảng 30.000ha ở các vùng đê bao đảm bảo thuộc huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng… Những diện tích còn lại được xả lũ, lấy phù sa, cải tạo đất, diệt trừ sâu bệnh nhằm chuẩn bị tốt cho vụ đông xuân 2018.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ lưu ý, nước lũ về ĐBSCL thường chịu tác động bởi thượng nguồn sông Mê Công; đồng thời ảnh hưởng tình hình mưa bão, áp thấp nhiệt đới trong nước.

Nếu gặp mưa bão liên tục thì mực nước lên nhanh, do đó các tỉnh cần theo dõi chặt diễn biến thời tiết để ứng phó và điều chỉnh sản xuất phù hợp. Về cơ bản, những vùng có đê bao chắc chắn, đất tốt… nên làm lúa trong điều kiện được giá.

Còn những nơi đê bao lửng, không an toàn, đất bạc màu… thì tính toán xả lũ lấy phù sa và áp dụng nuôi thủy sản hoặc trồng cây con khác sẽ hiệu quả hơn. Vấn đề là không cứng nhắc, mà phải linh động ứng phó theo diễn biến của lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại và khai thác triệt để lợi thế mùa lũ n

Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Trung ương, lũ ở thượng nguồn sông Mê Công đến sớm hơn trung bình nhiều năm, kéo theo những tiềm ẩn nguy cơ tác động đến khu vực ĐBSCL.

Nhiều khả năng đỉnh lũ năm 2017 ở đầu nguồn sông Cửu Long sẽ xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, khả năng ở mức báo động 2 đến báo động 3 (Tân Châu từ 4-4,5m; Châu Đốc từ 3,5-4m). Ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,3m.