Lũ quét tan hoang, người dân oằn mình: Vì đâu nên nỗi?

Những năm gần đây, lũ quét đang có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn, khó lường và để lại hậu quả khốc liệt hơn.

Mấy ngày qua, cả nước đang hướng về Hà Giang, Lai Châu… nơi người dân địa phương đang phải gồng mình chống chọi với  những cơn lũ quét đáng sợ, khó lường, sẵn sàng cướp đi tính mạng, tài sản của bất kỳ ai.

Trong những năm gần đây, lũ quét đang có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn, khó lường và để lại hậu quả khốc liệt hơn. Thống kê cho thấy trong giai đoạn 2000 – 2015, trung bình hàng năm cả nước xảy ra khoảng 18 trận lũ quét và sạt lở đất, làm chết và mất tích 47 người. Riêng trong năm 2017, trận lũ quét vào rạng sáng 3/8 tại Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu làm chết và mất tích 41 người. Hai tháng sau đó, vụ sạt lở đất tại Tân Lạc, Hòa Bình rạng sáng 12/10, cũng đã khiến 18 người bị vùi lấp và thiệt mạng.

Những nguyên nhân cốt lõi khiến cho loại hình thiên tai này trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên tại các tỉnh miền núi nước ta là hệ lụy mang nặng dấu ấn từ các hoạt động khai thác tài nguyên thái quá trong suốt thời gian dài. Trong đó không thể không nhắc tới nạn chặt phá rừng và khaithác khoáng sản bừa bãi.

Tan hoang vì lũ quét. Ảnh: VOV

Mất rừng và suy giảm chất lượng rừng

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, hiện tại độ che phủ rừng của nước ta năm 2017 là 41,45% diện tích lãnh thổ, tương đương với 14,2 triệu ha (bao gồm 10,1 triệu ha rừng tự nhiên và 4,1 triệu ha rừng trồng).

Ngoài việc giảm sút diện tích, chất lượng rừng cũng bị suy giảm – các khu vực có trữ lượng giàu và trung bình bị giảm mạnh trong khi diện tích rừng nghèo và tái sinh lại tăng lên nhanh chóng. Năm 1990, diện tích các loại rừng nghèo và tái sinh vào khoảng 7.000.000 ha, nhưng đến năm 2005 đã tăng lên 10,2 triệu ha, chiếm 80% tổng diện tích rừng ở Việt Nam.

Mặc dù tổng diện tích rừng không giảm nhiều trong 50 năm qua, nhưng có sự suy giảm rõ rệt về diện tích rừng tự nhiên cũng như chất lượng rừng tự nhiên. Hiện nay chỉ có 8,7% diện tích rừng tự nhiên là rừng giàu. Nhiều diện tích vẫn được gọi là rừng tự nhiên, nhưng trong thực tế chỉ là cây bụi và cây gỗ tái sinh nên tán che phủ là không đáng kể, thảm thực vật không dày và khả năng giữ nước giúp ổn định dòng chảy là không đáng kể.

Sự suy giảm về diện tích và độ dày của lớp thảm thực vật đã làm (i) giảm độ kết dính của đất khi bị bão hòa nước nhanh chóng và phá vỡ sự liên kết giữa các lớp đất (do thiếu hoặc ít rễ cây) – gây sạt/ trượt lở đất/ lũ ống và (ii) giảm độ thô, nhám bề mặt (độ cản nước), gia tăng tốc độ dòng chảy, khiến một lượng lớn nước dồn về quá nhanh trong quãng thời gian ngắn, bằng mực nước các khe suối dâng cao với nguồn năng lượng lớn, cuốn phăng tất cả đất đá và vật liệu trên đường đi của nước, gây ra lũ quét.

Khai thác khoáng sản bừa bãi

Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đã và đang xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi (cả có phép và không phép). Thiếu hay yếu kém trong quy hoạch khai thác khoáng sản ở các địa phương đã và đang khiến cho rừng bị tàn phá, đồi núi bị đào khoét nham nhở và nhiều sông suối bị bồi lấp. Nhiều đơn vị khai thác khoáng chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt nên đã liên tục đào, khoét sâu và lòng núi và để lại nhiều hang động nhân tạo với nguy cơ đổ sập rất cao.

Tại những nơi có cấu tạo địa chất yếu, những hang núi nhân tạo này có thể bị sập bất cứ khi nào trong mùa mưa lũ, tạo nên những trận lũ ống lũ quét kinh hoàng. Nghiêm trọng hơn, nhiều doanh nghiệp do muốn tiết kiếm chi phí nên sẵn sàng xả thải hay đổ chất thải rắn tại chỗ xuống sông suối gây ách tắc dòng chảy. Khi gặp lũ lớn, một lượng lớn đất đá bị dòng nước lũ cuốn phăng xuống hạ lưu làm bồi lấp nhà cửa và đất canh tác của người dân sinh sống gần sông suối.

Quy hoạch dân cư

Do sức ép về tăng trưởng dân số, hiện nay nhiều địa phương khu vực miền núi đang bị thiếu đất ở khiến nhiều hộ dân phải mạo hiểm dựng nhà tại những nơi có nguy cơ cao về sạt lở như chân núi hay sườn đồi. Một số hộ khác khi xây dựng nhà cửa đã vô tình chặn mất dòng chảy hoặc hạn chế khả năng thoát lũ tự nhiên của sông suối.

Ở hầu hết các tỉnh, chính quyền địa phương đã xác định được các rủi ro này và phần lớn đã lên được danh sách các điểm cần di dời hay tái định cư. Tuy nhiên do thiếu quỹ đất và vốn hỗ trợ (theo quy định, ngân sách nhà nước chỉ có thể hỗ trợ số tiền 20 triệu/ hộ để di dời ra khỏi vùng nguy hiểm) nên phần lớn nguy cơ vẫn còn đó cho hàng ngàn hộ dân tại mỗi tỉnh.

Cần những giải pháp căn bản, kịp thời

Trước hết là các giải pháp mang tính căn bản liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Bộ NN & PTNT cũng như chính quyền địa phương cần ban hành và triển khai các biện pháp kịp thời nhằm hạn chế và chấm dứt việc mất rừng hiện nay do chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành các dự án khác. Việc này chiếm đến 67% nguyên nhân suy giảm diện tích rừng giai đoạn 2011 – 2016, bên cạnh hai nguyên nhân khác là phá rừng trái phép (11%) và cháy rừng (22%).

Thứ 2 là các giải pháp chuyên môn về phòng chống thiên tai. Áp dụng các biện pháp công trình như kè, gia cố những địa điểm dễ gây sạt lở, khơi thông dòng chảy, xác định và lắp đặt các biển cảnh báo tại những khu vực nhạy cảm về thiên tai, nhanh chóng hỗ trợ di dời nhà cửa cho người dân đang sống tại những khu vực có nguy cơ cao.

Song hành với đó là các biện pháp phi công trình, như nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, tăng cường nhận thức cộng đồng trong phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai & biến đổi khí hậu, và xây dựng cộng đồng chủ động chống chịu thiên tai, v.v.

Quan trọng hơn, cần thể chế hóa và quy định “đánh giá rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu” như một yêu cầu bắt buộc đối với bất kỳ dự án can thiệp nào – như cách mà chúng ta vẫn áp dụng đối với “đánh giá tác động môi trường” lâu nay.