Hiểm họa từ chất thải Vedan

ThienNhien.Net – Vedan phải trả giá cho hành vi và những hậu quả mà họ đã gây ra. Tuy nhiên những gì mà báo chí mà các cơ quan chức năng đã làm sáng tỏ liệu đã nói hết được những hậu quả mà công ty này đã gây ra đối với môi trường?

Vedan không chỉ có nhà máy sản xuất bột ngọt mà bên cạnh đó còn có hàng loạt nhà máy khác. Nhưng nhà máy sản xuất Xút – Clo là đối tượng mà chúng ta cần nhắc tới trong bài viết này.

Trong tất cả các nội dung mà chúng ta được biết về Vedan thì chúng ta chưa thấy thông tin nào cho biết Vedan sử dụng công nghệ nào trong sản xuất Xút – Clo, trước đây trong nghành này chỉ sử dụng 2 công nghệ phổ biến là điện phân dùng điện cực Hg hoặc dùng màng ngăn Amiăng. Cả 2 công nghệ này đã bị cấm hoàn toàn ở Việt Nam vì những tác động nguy hại của chúng đối với môi trường và sức khỏe con người.

Trong quá trình sản xuất bột ngọt từ rỉ đường và tinh bột đều phải cần đến HCL trong quá trình lên men, để có HCl, Vedan đã cho xây dựng nhà máy Xút – Clo để điện phân muối ăn. Ở trong nước Clo có khả năng kết hợp với các hợp chất hữu cơ để tạo ra các hợp chất Clo hữu cơ, là nhóm các hợp chất hữu cơ bền vững (POPs).

Nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất mì chính của Vedan là tinh bột sắn, rỉ đường. Nên có thể khẳng định rằng trong nước thải của Vedan là một tập hợp các chất hữu cơ tự nhiên, có khả năng phả ứng mạnh với Clo ngay cả ở điều kiện thường. Do vậy mà nguy cơ sông Thị Vải nhiễm POPs là rất cao.

Tác hại của POPs

Các chất POPs là những chất cực kỳ có hại cho môi trường và sức khoẻ con người. POPs có độc tính cao, tồn lưu trong một thời gian dài, tích luỹ trong mô mỡ của những sinh vật sống, là chất có khả năng gây ung thư.

Ngoài ra những chất này có thể bay hơi và phát tán đi xa theo không khí hoặc nước nên có khả năng gây hại cao cho con người và động vật. Theo một số nghiên cứu khoa học, do tính chất dễ liên kết với các mô mỡ nên một số chất POPs có khả năng tích luỹ dần trong sinh vật trên cạn hoặc dưới nước của chuỗi thức ăn và đạt tới nồng độ cao gấp hàng ngàn lần ở cuối chuỗi thức ăn trong đó có con người.

Thế giới bắt tay loại bỏ POPs

Ý thức được những tác hại mà các chất POPs, Ngày 22/07/2002, Việt Nam đă trở thành quốc gia thứ 14 trên thế giới phê chuẩn Công ước Stockholm – Công ước về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy

Theo Công ước Stockholm, các quốc gia nên chấm dứt việc sản xuất, buôn bán và sử dụng các hóa chất độc hại, thường có trong hỗn hợp diệt muỗi, mối và các loại côn trùng khác gây hại cho cây trồng. Đến nay, 172 quốc gia đã tham gia Công ước Stockholm với mục đích loại bỏ các chất hữu cơ khó phân huỷ nhằm bảo vệ cuộc sống cộng đồng và môi trường thiên nhiên.

Mặc dù đây là chất ô nhiễm có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hế sinh thái và sức khỏe con người. Nhưng nó lại không được chúng ta đề cập đến trong trường hợp của Vedan. Mặc dù cho đến nay những tác hại mà chất này gây ra cho người dân quang lưu vực sông Thị Vải chưa được đề cập. Nhưng chúng ta cần phải có những nghiên cứu cụ thể về nội dung này, nếu chúng ta không muốn một “Minamata” tại Việt Nam.