Ác mộng nhiệt điện than (Kỳ 3): “Bom nổ chậm” đe dọa Trung Quốc

ThienNhien.Net – Theo ước tính gần đây của các chuyên gia ngành công nghiệp năng lượng, chưa đầy 2 thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ phải nếm trải vấn đề tồi tệ nhất thế giới liên quan đến các tấm năng lượng mặt trời lão hóa.

Hình ảnh thủ đô Bắc Kinh chìm trong sương mù và hàng triệu người bịt kín khẩu trang mới có thể hít thở là bằng chứng khó có thể sống động hơn về thảm họa ô nhiễm không khí ở mức báo động do tình trạng công nghiệp hóa quá đà.

Đặt cược lớn

Trung Quốc (TQ) bắt đầu dần quay lưng với sản xuất công nghiệp và chuyển hướng sang dịch vụ, đồng thời tập trung tìm kiếm các “phương thuốc” để tìm lại bầu trời xanh cho thủ đô Bắc Kinh.

TQ đang quyết tâm thay đổi hình ảnh “mịt mù” của nền kinh tế số 2 thế giới trong bối cảnh nước này nhắm tới vai trò lãnh đạo của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu. Thế nên, không có gì bất ngờ khi truyền thông TQ đưa tin rầm rộ về trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới hoàn thành hồi tháng 6 ở nước này, không lâu sau khi hơn 100 dự án xây dựng nhà máy điện than bị đình chỉ.

Cơ sở năng lượng mặt trời có công suất lên tới 40 GW nêu trên nằm một thị trấn mỏ ngập nước thuộc tỉnh An Huy, phía Đông TQ, được xem là minh chứng cho sự nghiêm túc của đại lục trong mục tiêu chuyển đổi từ sản xuất điện “bẩn” bằng than sang các loại năng lượng sạch. Theo giới chức trách địa phương, bề mặt ngập nước sẽ làm tăng hiệu suất phát điện của trang trại.

Đây cũng là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh trong những kế hoạch phát triển năng lượng xanh. Trước đó, hồi đầu năm, TQ tuyên bố sẽ chi 361 tỉ USD để mở rộng năng lượng tái tạo tới năm 2020. Đến năm 2022, TQ muốn có 320 GW điện gió, mặt trời và 340 GW từ thủy điện. Đến năm 2030, TQ đặt mục tiêu 1/5 nguồn điện được dùng có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết TQ hiện có số nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, với tổng năng suất lên tới 80 GW, gấp đôi Mỹ (số liệu năm 2016). Theo tạp chí National Geographic, riêng năm 2016, TQ đã lắp đặt 35 GW công suất phát điện mặt trời, tương đương tổng sản lượng năng lượng mặt trời của Đức. Trang Business Insider (Mỹ) đánh giá Bắc Kinh đang đặt cược lớn vào năng lượng mặt trời với mục tiêu chuyển từ một nước gây ô nhiễm nhất thế giới sang nước năng nổ chống BĐKH nhất.

Một cơ sở năng lượng mặt trời ở Cam Túc – Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo ngành công nghiệp năng lượng mặt trời là một quả bom nổ chậm vô cùng nguy hiểm. Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) hôm 30-7 cho biết theo ước tính gần đây của các chuyên gia ngành công nghiệp năng lượng, chưa đầy 2 thập kỷ tới, TQ sẽ phải nếm trải vấn đề tồi tệ nhất thế giới liên quan đến các tấm năng lượng mặt trời lão hóa.

Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng tái tạo TQ Lu Fang phân tích: Đến năm 2034, các tấm năng lượng đến tuổi “về hưu” của TQ sẽ lên đến 70 GW – gấp 3 lần quy mô của đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất thế giới. Dự kiến tới năm 2050, số tấm năng lượng mặt trời phế thải sẽ chồng chất tới 20 triệu tấn, tức gấp 2.000 lần khối lượng tháp Eiffel.

Trong khi đó, các trang trại năng lượng mặt trời vẫn không ngừng mọc lên ở TQ. Ước tính, các cơ sở mới hoàn thành trong năm nay của nước này sẽ vượt quá kỷ lục năm 2016, theo Bloomberg. Tuy nhiên, tuổi thọ của các nhà máy năng lượng mặt trời tương đối ngắn trong khi chính quyền vẫn chưa có bất cứ kế hoạch cụ thể nào để xử lý khi chúng hết hạn sử dụng.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, tuổi thọ của mỗi tấm năng lượng mặt trời là 20-30 năm, phụ thuộc vào môi trường mà chúng được sử dụng. Nhiệt độ cao có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa, trong khi các yếu tố tiêu cực khác, như bão tuyết hay bụi, cũng khiến chúng giảm dần năng suất.

Bài toán khó giải

Nhấn mạnh ngành công nghiệp năng lượng mặt trời là “quả bom nổ chậm”, ông Tian Min, Tổng Giám đốc Nanjing Fangrun Materials – một công ty tái chế ở tỉnh Giang Tô chuyên thu thập các tấm pin mặt trời đã hết hạn sử dụng, nhận định rằng “quả bom” này sẽ bùng nổ trong 2-3 thập kỷ tới và hủy hoại môi trường. “Chúng sẽ tạo ra một lượng chất thải lớn, không dễ tái chế” – ông Tian lo ngại.

Bảng năng lượng mặt trời chứa các kim loại như chì, đồng và khung nhôm. Các tế bào năng lượng mặt trời được cấu tạo từ silic tinh thể kết tinh dưới một lớp màng nhựa dày để bảo vệ. Ở châu Âu, một số công ty đã phát triển những công nghệ tinh vi để thu hồi hơn 90% nguyên vật liệu từ các tấm năng lượng mặt trời chết. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy TQ bỏ tiền sẽ mua công nghệ đắt đỏ này của phương Tây.

“Nếu một nhà máy tái chế tiến hành từng bước theo quy trình để đạt được mức thải ít ô nhiễm, các sản phẩm sau quá trình tái chế có thể đắt hơn nguyên liệu thô” – ông Tian chỉ rõ. Giá mỗi ký tinh thể silic, nguyên liệu chính của các tấm pin năng lượng mặt trời, hiện khoảng 13 USD. Theo ước tính của giới chức ngành công nghiệp năng lượng mặt trời, mức giá này dự kiến sẽ giảm 30% trong thập kỷ tới. Điều đó có nghĩa silic tái chế sẽ ngày càng khó bán hơn.

Tuy nhiên, một quan chức quản lý công ty tái chế năng lượng mặt trời của TQ tin tưởng rằng những tấm năng lượng mặt trời lão hóa không hẳn là vô phương cứu chữa. “Chúng ta có thể bán chúng tới Trung Đông” – vị này kỳ vọng. Theo ông, khách hàng ở thị trường này không cần những tấm năng lượng mới tinh hay hoàn hảo mà quan tâm hàng đầu của họ là giá rẻ.

Tốn kém, ô nhiễm

Các nhà máy điện mặt trời của TQ phần lớn đặt ở những khu vực xa xôi, nghèo nàn như vùng Gobi ở Nội Mông. Trong khi đó, đa số nền công nghiệp tái chế của nước này nằm ở các khu vực phát triển dọc bờ biển Thái Bình Dương. Vận chuyển “núi” bảng năng lượng mặt trời cồng kềnh hết “đát” quãng đường xa như vậy rõ ràng là cực kỳ tốn kém, chưa kể vô số chi phí khác như tách và tẩy rửa các chất thải. Đây một quá trình công nghiệp không chỉ đòi hỏi nhiều lao động và điện năng đầu vào mà còn thải ra các hóa chất như axít có thể đe dọa môi trường.