Làng nghề “bức tử” môi trường

ThienNhien.Net – Xã Yên Tiến (Ý Yên – Nam Định) vốn nổi tiếng với nghề mây, tre đan xuất khẩu. Nhiều sản phẩm của làng đã chu du khắp các thị trường lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…, mang lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, phía sau thành công đó, Yên Tiến cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà đến nay các cấp chính quyền vẫn chưa tìm được giải pháp khắc phục.

“Bức tử” môi trường, gây hại sức khỏe

Từ nhiều năm nay, Yên Tiến là một trong những xã điểm của tỉnh Nam Định trong phát triển kinh tế với hơn 2.000 hộ gia đình (trong tổng số 3.200 hộ) tham gia sản xuất mây tre, nứa và khoảng 30 doanh nghiệp sản xuất với quy mô lớn. Nhờ phát triển nghề thủ công mỹ nghệ mà những năm qua đời sống kinh tế của người dân trong xã được nâng cao, nhiều gia đình giàu lên nhanh chóng. Tuy nhiên, do phát triển không theo quy hoạch, không chú trọng các giải pháp bảo vệ môi trường nên môi trường sống ở đây đang bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của hơn 13.000 người dân trong xã cũng như vùng lân cận.

Theo ghi nhận của chúng tôi, toàn bộ hệ thống ao hồ, kênh mương trên địa bàn xã và gần 7km hệ thống kênh tưới tiêu S40, S48 chảy qua đều bị các hộ dân trong làng chiếm dụng để ngâm tre, nứa nguyên liệu phục vụ sản xuất. Theo thống kê, bình quân mỗi ngày người dân Yên Tiến sử dụng 150 – 200 tấn nguyên liệu sản xuất. Mỗi năm, xã sử dụng khoảng 70.000 tấn tre, nứa. Để sản xuất ra thành phẩm, số lượng nguyên liệu này bắt buộc phải xử lý thô bằng công đoạn ngâm trong nước 2-3 tháng. Đây chính là lý do khiến cho môi trường nước ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Dương Bá Lợi, một người dân trong xã, bức xúc: “Từ nhiều năm nay, ngày nào chúng tôi cũng phải ngửi mùi của nước ngâm tre, nứa bốc lên từ các ao hồ, kênh mương trong làng. Vào những ngày hè, chúng tôi phải đóng kín tất cả các cửa, nếu không thì không thể nào chịu nổi mùi hôi thối xộc vào nhà. Hai con kênh tưới tiêu chính trong xã là S40 và S48 quanh năm đều có tre, nứa ngâm kín dòng chảy, vào mùa mưa, nước không thoát đi được, ứ đọng bốc mùi nồng nặc”.

Không chỉ bốc mùi, nguồn nước mặt nơi đây cũng không thể sử dụng cho bất kỳ mục đích nào, kể cả sản xuất nông nghiệp. Do bị ô nhiễm trong thời gian dài nên đến nay hệ thống nước ngầm trong vùng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Phần lớn giếng đào, giếng khoan của các gia đình ở Yên Tiến đều có màu sẫm, vẩn đục và có mùi hôi tanh, vô cùng khó chịu. Trong khi đó, nguồn nước sạch từ Nhà máy nước Ý Yên chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng của hơn 50% số hộ trong xã, số còn lại vẫn phải dùng nước mưa, nước giếng lọc để sinh hoạt.

Người dân ngâm tre, nứa xuống các kênh khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng (Ảnh: Kinh tế Nông thôn)
Người dân ngâm tre, nứa xuống các kênh khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng (Ảnh: Kinh tế Nông thôn)

Ông Bùi Sỹ Đăng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Tiến, cho biết: Do tác động của ô nhiễm môi trường nên những năm gần đây, tỷ lệ người mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, bệnh ngoài da và bệnh mắt ở xã tăng cao, tỷ lệ đau mắt hột hoạt tính trong học sinh là 1,28%, đáng lo nhất là năm nào xã cũng có vài trường hợp tử vong vì ung thư.

Loay hoay tìm giải pháp

Số liệu khảo sát của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định) cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề Yên Tiến đã đến mức báo động, hàm lượng các chất độc hại thải ra môi trường đều vượt quá quy định cho phép, cụ thể như: hàm lượng COD trong nước vượt tiêu chuẩn Việt Nam cho phép 1,1-2,3 lần; thông số BOD5 vượt 1,24 – 1,68 lần; chất rắn lơ lửng vượt 1,07 lần; thông số NH3 vượt 1,5-6,2 lần; Coliform vượt 1,96-3,3 lần… Bên cạnh đó, các chỉ số về bụi, tiếng ồn ở Yên Tiến cũng đều vượt quá mức cho phép.

Mặc dù tình trạng ô nhiễm kéo dài nhiều năm, khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng, chính quyền các cấp cũng thấy rõ mức độ ô nhiễm nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra được giải pháp để khắc phục hiệu quả. Mọi biện pháp xử lý mới chỉ dừng lại ở tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình.

Ông Phạm Văn Hưng, Phó trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ý Yên, cho biết: “Ô nhiễm môi trường ở làng nghề Yên Tiến đang là vấn đề được huyện quan tâm và tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, do còn khó khăn về vốn nên việc xử lý tình trạng ô nhiễm cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền. Trước đây, huyện hỗ trợ một phần kinh phí để nạo vét, khơi thông dòng chảy cho hệ thống kênh rạch quanh xã, đồng thời đầu tư xây dựng một số hồ để ngâm tre, nứa… nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất ngày càng lớn của các hộ làm nghề”.

Cũng theo ông Hưng, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND huyện phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường đến từng gia đình bằng nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, lập đề án triển khai xây dựng những khu, điểm sản xuất công nghiệp xa khu dân cư để quy hoạch các hộ làm nghề vào sản xuất tập trung. Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, kinh phí xây dựng…

Không biết hàng nghìn hộ dân đang phải chịu ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm môi trường ở Yên Tiến phải chờ đến bao giờ, khi các giải pháp vẫn chủ yếu nằm trên giấy?