Thu gom, tái chế phế liệu trong khu dân cư: Hiểm họa khó lường

Bài 1: “Thủ phủ phế liệu” chấp nhận… ô nhiễm?

ThienNhien.Net – Tại hầu khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố người ta dễ dàng tìm thấy những cửa hàng thu gom phế liệu, trong đó không ít cơ sở buôn bán mặt hàng “chết người” này nằm lọt thỏm giữa những khu dân cư (KDC) đông đúc. Tình trạng thiếu quy hoạch và sự thờ ơ, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương là những nguyên nhân chính khiến loại hình kinh doanh này xuất hiện ngày càng nhiều, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường.

Có nghề sản xuất hương đen, thế nhưng 6 – 7 năm trở lại đây, thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa), nổi lên như một “thủ phủ” của nghề thu gom, tái chế phế liệu lớn nhất, nhì Hà Nội. Ước tính mỗi ngày, lượng phế liệu được nhập về đây lên tới cả trăm tấn. Sau khi phân loại, chúng sẽ được đưa vào các xưởng tái chế. Và cũng từ “thủ phủ” này, mỗi ngày cũng có vài chục tấn nguyên liệu nhựa, sắt sau tái chế được phân phối đi khắp nơi.

Đường làng, ngõ xóm được các hộ dân thôn Xà Cầu “tận dụng” để tập kết phế liệu, gây ách tắc giao thông
Đường làng, ngõ xóm được các hộ dân thôn Xà Cầu “tận dụng” để tập kết phế liệu, gây ách tắc giao thông

Tràn lan điểm thu gom, tái chế phế liệu

Chúng tôi về làng Xà Cầu dưới cái nắng ngoài trời trên 40oC, cảm nhận đầu tiên là sự ngột ngạt của các loại mùi bốc lên từ những đống phế liệu tập kết ngổn ngang trong các hộ dân cũng như đường làng, ngõ xóm, bờ mương và đặc biệt mùi khét bốc lên từ các máy xay nhựa của các hộ tái chế. Phế liệu (chủ yếu là đồ nhựa như chai lọ, can, vỏ ti vi, tủ lạnh, ô tô, ni lông, ống nhựa hỏng) chất thành từng đống lớn ở khắp nơi, chiếm hết lối đi, gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Không ít hộ vì thiếu đất làm nghề đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để dựng lán xưởng, tập kết, tái chế phế liệu…

Đường từ thôn Xà Cầu vào xã Quảng Phú Cầu dài hơn một cây số, hầu hết các điểm thu gom và tái chế phế liệu đặt ngay trong KDC. Nhiều cơ sở để hàng ngoài trời, không có mái che, có hộ còn phơi lên cả nóc nhà. Phế liệu chủ yếu là các sản phẩm từ nhựa, ngoài ra có ni lông, giấy vụn, sắt, thép, thùng phuy… Một người dân thôn Xà Cầu quan ngại: Trời mưa, nước rỉ ra từ những đống phế liệu bốc mùi rất khó chịu. Khi trời nắng, chỉ cần một sự bất cẩn của người dân cũng có thể gây cháy, nổ bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Phúc Hựu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, xã có 6 làng thì cả 6 làng đều có nghề phụ, trong đó riêng Xà Cầu có nghề sản xuất hương đen đã được công nhận làng nghề truyền thống và nghề thu gom, tái chế phế liệu mới du nhập vào. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Hựu cho biết, trước đây Xà Cầu chỉ có vài chục hộ làm nghề thu gom, tái chế phế liệu, nhưng từ năm 2010 trở lại đây, số hộ làm nghề này tăng lên rất nhanh, nhất là từ khi một số địa phương như xã Tân Triều, huyện Thanh Trì bị hạn chế phát triển nghề này. Theo thống kê, Xà Cầu có gần 1.000 hộ dân, thì có tới 148 hộ làm nghề tái chế (chủ yếu tái chế nhựa, sắt tại nhà); khoảng 200 hộ thu gom và kinh doanh; gần 100% số hộ có lao động làm các việc liên quan đến phế liệu… Tuy nhiên, hầu hết cơ sở này hoạt động tự phát, không có giấy đăng ký kinh doanh và bất cứ giấy tờ gì liên quan.

Chấp nhận ô nhiễm!

Theo ước tính của lãnh đạo thôn Xà Cầu, bình quân mỗi ngày, lượng hàng phế liệu nhập về lên tới 70 tấn (chưa kể phế liệu là sắt thép, đồng, nhôm), trong đó lượng rác thải phát sinh từ nghề này lên lới 3,5-4 tấn/ngày. Hằng ngày, một lượng nước thải lớn phát sinh trong quá trình rửa các loại nhựa khi tái chế thải trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý. Thông tin một số người dân cung cấp, nhiều hộ sử dụng cả hóa chất để tẩy rửa, nước thải chứa chất độc hại xả thẳng ra hệ thống kênh mương chung.

Theo chân ông Nguyễn Bá Huê, Trưởng thôn Xà Cầu, chúng tôi tới thăm một xưởng tái chế, kinh doanh của hộ bà Đỗ Thị Cuối ở xóm 3. Ngay ở ngõ, đập vào mắt chúng tôi là đống phế liệu được chất cao vượt đầu người. Toàn bộ khoảng sân, hiên nhà bà Cuối được tận dụng để tập kết hàng, chủ yếu là ống nhựa, trần nhà hỏng và đặt một máy nghiền nhựa. Với lượng hàng tập kết về, ước khoảng 2 tấn, nhưng tổng diện tích đất ở của gia đình bà chỉ rộng 144m2. Bà Cuối cho biết, gia đình bà làm nghề thu gom, tái chế phế liệu từ năm 2013. Mặc dù thu nhập từ nghề này không cao, lại ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng vì mưu sinh nên gia đình bà và nhiều hộ dân trong thôn vẫn chấp nhận làm nghề. Khi được hỏi gia đình có được cấp giấy phép kinh doanh hay không, bà Cuối trả lời gọn lỏn “Chả có giấy tờ gì, cũng chẳng thấy chính quyền địa phương và cơ quan nào đến kiểm tra”. Nhiều hộ dân khác ở thôn Xà Cầu khi được hỏi về nghề đều cho rằng nghề này tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm rất cao, tuy nhiên vì “miếng cơm manh áo” nên người dân chấp nhận làm nghề, sống chung với ô nhiễm.

Thu gom, tái chế phế liệu là một trong những nghề kinh doanh góp phần làm sạch môi trường, tận dụng được các sản phẩm từ rác thải, tiết kiệm nguồn tài nguyên; đồng thời tạo việc làm cho không ít lao động của địa phương. Tuy nhiên, với cách làm manh mún của người dân, và việc thiếu một quy hoạch tổng thể của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương, khiến ngành nghề này trở thành “nguồn nguy hiểm”.

Nhằm từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm; đồng thời hạn chế những tai nạn đáng tiếc do nghề thu gom, tái chế phế liệu gây ra, những năm gần đây xã Quảng Phú Cầu đã áp dụng nhiều giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong thực hiện các biện pháp PCCC; khuyến cáo người dân chỉ mua những mặt hàng tái chế được, không chứa chất gây ô nhiễm, bom mìn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… Tuy nhiên ý thức chấp hành các quy định về PCCC, bảo vệ môi trường của người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, từ nhiều năm nay xã đã xây dựng một Cụm công nghiệp làng nghề Xà Cầu quy mô hơn 2ha, di dời thành công 26 hộ kinh doanh và tái chế phế liệu. Song trước tốc độ phát triển của nghề thu gom, tái chế phế liệu, nhu cầu thuê đất quá lớn, trong khi đó dự án mở rộng điểm công nghiệp làng nghề đang trong quá trình triển khai nên không tránh khỏi ô nhiễm.