Trang trại gió nổi đầu tiên trên thế giới ra khơi Scotland

ThienNhien.Net – Trang trại gió nổi đầu tiên trên thế giới đã được đưa ra biển thành công–một công nghệ vốn tưởng rằng chỉ nằm trên giấy và bản vẽ nay đã mở ra tiềm năng mở rộng không gian cho năng lượng tái tạo ra toàn biển lớn.

Hai trong số các tuabin nổi sẵn sàng ra khơi tại Na Uy đến Scotland. (Ảnh: Bloomberg/Getty)

Sau khi hai tuabin được đưa ra biển vào hồi cuối tháng 6, năm tuabin khác đang chờ đợi bên bờ vịnh phía Tây Na Uy, sẵn sàng được đưa qua Biển Bắc đến vùng biển phía Đông Bắc Scotland.

Dự án điện gió nổi Hywind trị giá 200 triệu Bảng Anh không chỉ khác biệt bởi công nghệ được sử dụng, với tấm dằn cao 78 mét chìm dưới nước và 3 mỏ neo gắn xuống đáy biển để giữ tuabin đứng thẳng. Dự án còn đáng chú ý bởi đơn vị phát triển không phải là một doanh nghiệp chuyên về năng lượng tái tạo, mà là Công ty Statoil (Na Uy) – một doanh nghiệp năng lượng hướng tới các giải pháp năng lượng carbon thấp.

Bà Irene Rummelhoff tại Statoil khẳng định, công nghệ mới có thể khai thác được nguồn năng lượng vô hạn. Trang trại gió nổi có thể khai thác năng lượng trên các vùng biển có độ sâu từ 100-700m và trong tương lai rất có thể còn đáp ứng được các độ sâu khác.

Mô hình tuabin trang trại gió nổi. (Nguồn: Hywind, Siemens)

Cho đến nay, trang trại gió vẫn đang tồn tại ngoài khơi Biển Bắc bởi mặt nước tại đây đủ nông để các tuabin có thể được cố định bằng khung thép gắn với đáy biển. Tuy nhiên, dạng tuabin gắn cố định với đáy biển này chỉ có thể áp dụng với các vùng biển có độ sâu 40m, trong khi trên thế giới có rất ít nơi phù hợp, đặc biệt là các khu vực có bờ biển dốc như Biển tây Mỹ hay Nhật Bản. Vì vậy, trang trại gió nổi được ra đời.

Không chỉ hướng tới những khu vực mới như Đại Tây Dương hay Địa Trung Hải, trang trại gió nổi nằm xa khơi hơn còn có thể tránh đượcnhững phản đối về mặt thẩm mỹ, vốn từng góp phần “nhấn chìm” một trang trại gió trị giá 3,5 tỷ Bảng Anh ngoài khơi Dorset.

Mặc dù Dự án Hywind chỉ có thể cấp năng lượng cho 20.000 hộ gia đình, so với 800.000 hộ gia đình hưởng lợi từ dự án đang được tiến hành ngoài khơi Yorkshire, các chuyên gia cho rằng trang trại gió nổi sẽ dần thay thế những tuabin cố định trong dài hạn. Ideol, một công ty năng lượng tại Pháp đang lên kế hoạch xây dựng trang trại gió nổi tại Nhật Bản, Pháp và nhiều nơi khác, hướng tới một cuộc bùng nổ vào năm 2030-2035. Trang trại gió nổi được Pháp coi như một cơ hội vươn lên trở thành quốc gia đứng đầu thị trường năng lượng tái tạo, cạnh tranh với Anh Quốc và Đức.

Còn với Statoil, tham vọng không chỉ dừng lại ở thị trấn Peterhead, nơi Hywind được neo đậu và sẽ bắt đầu cung cấp điện muộn nhất vào tháng 10. Bà Rummelhoff bày tỏ mong muốn chiếm lĩnh những nơi xây dựng trang trại gió truyền thống, bởi các quốc gia như Anh Quốc đã không còn khu vực nước nông phù hợp. Đồng thời, Statoil đang làm việc với chính quyền Hawaii và California để tìm kiếm cơ hội hợp tác, cũng như để mắt tới Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cũng giống như nhiều công nghệ mới khác, thách thức lớn nhất nằm ở chi phí. Đằng sau những tuabin gió nổi tại Na Uy là những con tầu cẩu hàng khổng lồ vốn được sử dụng trong ngành dầu khí, với giá thành thuê cực đắt đỏ để đưa ra khỏi bến cảng và dựng nổi những chiếc tuabin. Đi kèm với đó là một chuỗi cung cấp vô cùng phức tạp với 15 nhà thầu chính.

Mặc dù Statoil khẳng định trang trại gió nổi có chi phí tương đương với trang trại gió truyền thống cho đến năm 2030, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng giá thành chỉ tương đương tại thời điểm 1 thập kỷ trước. Các chuyên gia tiết lộ với công suất tương đương, Hywind sẽ có giá thành cao gấp đôi.

Minh Anh (Theo The Guardian)