Giảm thiểu sạt lở bằng đô thị sinh thái

ThienNhien.Net – Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, quanh vấn đề đang nóng hiện nay là tình trạng sạt lở ở ĐBSCL.

Cuối tuần qua, tại TP.HCM, Hội Thủy lợi Việt Nam và Hội KHKT Thủy lợi TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Lũ lụt, ngập úng và sạt lở đất ở ĐBSCL – Thực trạng và giải pháp”. 

GS.TS Đào Xuân Học

Thưa GS, sạt lở là vấn đề nóng ở ĐBSCL trong nhiểu năm qua. Đâu là những nguyên nhân của thực trạng này?

Bản chất cơ bản của vấn đề sạt lở là sự mất cân bằng rất lớn về phù sa. Với 144 hồ chứa thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong, theo dự báo của nhiều chuyên gia, khoảng 60-70% lượng phù sa và bùn cát sẽ lắng đọng ở lòng các hồ. Do đó, theo tính toán (chưa chính xác hoàn toàn) của chúng tôi, lượng phù sa về ĐBSCL hiện chưa tới 30 triệu tấn. Trong khi đó, lượng cát được cấp phép khai thác ở ĐBSCL lại lớn hơn tổng lượng phù sa về nói trên.

Khai thác cát cho xây dựng, cho san nền là một nhu cầu chính đáng và phù hợp với quy luật phát triển. Không phải chỉ ở Việt Nam, tất cả các nước trên thế giới đều như vậy. Tôi đọc tài liệu của châu Âu, cũng có thời kỳ như thế. Lúc đang phát triển, để đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh, họ xây dựng những hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn. Những hồ này giữ lại phần lớn bùn cát. Trong khi dưới hạ lưu lại cần bùn cát để san nền, xây dựng nên phải khai thác nhiều lên. Do đó, gây ra sự thiếu hụt nghiêm trọng bùn cát ở hạ lưu các con sông và ven biển. Sau giai đoạn phát triển, thì mới ổn định trở lại.

Như tôi đã nói, hiện nay, lượng cát được cấp phép khai thác lớn hơn lượng phù sa về ĐBSCL. Mà chỉ một phần nhỏ phù sa lắng xuống dòng sông, còn phần lớn đi ra biển. Thành ra, lượng cát được cấp phép khai thác đang lớn hơn rất nhiều so với lượng phù sa lắng xuống sông. Đây là vấn đề lớn, là nguyên nhân chính gây xói lở.

Hồ chứa ở thượng nguồn tạo ra sự thay đổi chế độ dòng chảy. 144 hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn chiếm tới khoảng 26% tổng lượng dòng chảy nhiều năm của sông Mekong. Điều này làm cho lưu lượng dòng chảy trung bình mùa lũ giảm, những năm lũ trung bình và lũ nhỏ sẽ gần như không còn lũ, lưu lượng dòng chảy trung bình mùa kiệt sẽ tăng. Nhưng cực đoan về mùa lũ không giảm, cực đoan về mùa kiệt không tăng. Mỗi một dòng sông sẽ tạo ra một cân bằng mới. Những cân bằng mới lại đang bị tác động bởi yếu tố con người, nên việc tạo ra một cân bằng mới không đơn giản.

Ngoài ra, mỗi một dòng sông đều có cân bằng động. Mùa lũ, lưu lượng tăng dần, vận tốc trong sông cũng tăng dần và xói cũng tăng dần lên để đáp ứng nhu cầu chuyển tải lớn hơn. Lượng phù sa về nhiều thì lưu lượng cho phép gây xói cũng lại tăng lên và nó vẫn xói nhưng không quá mức. Mùa kiệt thì ngược lại, lưu lượng giảm dần, vận tốc giảm dần, phù sa vẫn còn và bồi lấp lại những chỗ đã xói. Đây chính là cân bằng động. Mỗi con sông đều như vậy và tạo ra sự cân bằng tương đối trong nhiều năm. Nhưng bây giờ sông không còn nhiều phù sa nữa, nên không bồi lấp được các chỗ đã gây xói ra, dần dần những chỗ đó càng ngày càng sâu tạo ra sạt lở. Cái này trong diễn biến của các dòng sông tương đối rõ.

Bên cạnh đó, ĐBSCL là một đồng bằng trẻ, đất mềm yếu, kết cấu đất và nền móng lỏng lẻo rất dễ gây xói lở, tạo ra các thủy vực và sạt lở. Sóng cơ học từ các tàu, thuyền máy chạy với mật độ và tốc độ cao gây tác động vào bờ. Mặt khác, do lỗi từ quản lý nhà nước, để dân sinh sống ở bờ sông vốn đã nguy hiểm, lại còn cho xây dựng nhà cao tầng trên ấy, trong khi bản thân đất ở ĐBSCL không chịu được tải nặng. Những yếu tố ấy góp phần gây nên sạt lở.

Như vậy, nguyên nhân chính là lượng cát cần khai thác đang lớn hơn rất nhiều so với lượng phù sa lắng xuống sông. Chúng ta cần làm gì để hạn chế khai thác cát mà vẫn đảm bảo cho sự phát triển các khu đô thị ở ĐBSCL?

Nhiều nước trên thế giới đã đầu tư chỉnh trị các con sông. Ở Việt Nam, việc đó không dễ dàng vì nguồn lực có hạn, chiều dài sông quá lớn, các sông ở đồng bằng lại quá sâu. Đặc biệt, kết cấu đất của ĐBSCL rất mềm yếu, để khắc phục những thủy vực sâu tới 40-50 m trong điều kiện chế độ dòng chảy và bùn đất đang thay đổi nghiêm trọng là việc rất tốn kém và không bền vững. Ngoài ra, thiếu hụt bùn cát còn gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển. Vì vậy phải tìm giải pháp phi công trình để giảm thiểu sự mất cân bằng bùn cát của con sông.

Theo tính toán của chúng tôi, ở ĐBSCL, bùn cát phục vụ san nền chiếm tới trên 85%, phần nhỏ còn lại là cát cho xây dựng, bởi vì ở khu vực này xây dựng nhà chưa cao tầng lắm. Nếu tính bình quân một khu đô thị, xây dựng nhà 5-7 tầng chiếm 30% diện tích thì cát san nền chỉ còn chiếm 80%. Nếu bây giờ có cơ chế để không phải lấy cát san nền thì tự nhiên giảm ngay áp lực khai thác cát tới 80%.

Để giảm mạnh áp lực khai thác cát, chúng tôi đã đề xuất mô hình đô thị sinh thái. Theo đó, mỗi một khu đô thị phải dành đất để xây hồ. Nếu mỗi khu đô thị để ra 10% diện tích xây hồ, đào sâu xuống 5-6 m, đã có đất nâng cao nền 60-70 cm mà gần như không cần lấy thêm cát từ sông. Những hồ chứa nước là những hồ sinh thái, cải tạo vi khí hậu cho đô thị đó.

Hồ còn góp phần quan trọng giải quyết tình trạng ngập úng do mưa ở các đô thị ĐBSCL. Nếu diện tích ao hồ là 10% thì những trận mưa lớn 90-120 mm/giờ, sau khi thấm chảy toàn bộ vào hồ, mực nước hồ cũng chỉ dâng lên thêm khoảng 1m, không thể gây ngập úng cho khu vực đô thị. Mà khi các khu đô thị không còn bị ngập úng, thì sẽ không còn nhu cầu nâng nền cao mãi lên, không còn chuyện đua nhau đô thị sau cao hơn đô thị trước. Đồng thời, nhờ các hồ chứa, chúng ta sẽ hoàn toàn chủ động cấp nước sinh hoạt cho các đô thị, qua đó làm giảm hẳn tình trạng khai thác nước ngầm đang quá mức như hiện nay tại ĐBSCL.

Xin cảm ơn GS!