Ông Võ Kim Cự: “Không có Bộ nào không đồng ý chọn Formosa cả…”

ThienNhien.Net – Ông Võ Kim Cự, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nói như vậy với Lao Động bên lề Quốc hội sáng 25.7, về việc Cty Formosa Hà Tĩnh xả nước thải khiến hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung thời gian qua.

Ông Võ Kim Cự trả lời phỏng vấn của Lao Động sáng 25.7 (Ảnh: T.Chung)
Ông Võ Kim Cự trả lời phỏng vấn của Lao Động sáng 25.7 (Ảnh: T.Chung)

Ông Võ Kim Cự cho biết: Sự việc xảy ra là rất đáng tiếc, tôi rất trăn trở khi sự việc xảy ra. Đây cũng là việc đột ngột, ngoài ý muốn, để lại những hậu quả lớn cho bà con nhân dân, đời sống khó khăn, tâm tư, tình cảm bị ảnh hưởng. Với mong muốn đưa tập đoàn lớn như Formosa vào sẽ thay đổi được một vùng khó khăn, dân nghèo khổ, mong có một nguồn lực lớn cho dân có việc làm để thoát nghèo, phải có một cú hích, có công nghiệp làm nền tảng, chấm dứt cảnh sản xuất manh mún. Mình cứ nghĩ nó sẽ diễn ra theo chiều hướng tích cực, không ngờ xảy ra những cái đáng tiếc như thế. Thời gian đó, tôi cũng có trách nhiệm liên đới trong quá trình làm, nên tôi trăn trở, và tôi nghĩ kể cả những người không phải trong cuộc cũng trăn trở vì đó là đồng bào của mình, chỉ có điều động cơ của chúng ta là động cơ tích cực chứ không phải tiêu cực, những cái mà Formosa để xảy ra đã vi phạm cam kết luật môi trường của chúng ta. Còn việc cấp giấy chứng nhận đầu tư là đúng theo trình tự, đúng theo luật.

Có ý kiến cho rằng sai phạm do Formosa gây ra do thiếu sự thanh kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương?

Tôi có nhận được thông tin từ Sở tài nguyên và môi trường, họ đã kiểm tra vài lần và báo cáo cùng với Tổng cục môi trường và cơ quan cấp phép, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tôi có hỏi lại anh em và an h em nói đã qua vài lần kiểm tra nhưng chưa phát hiện được. Sau đó có ý kiến nói có vấn đề về kỹ thuật. Nhưng chắc chắn địa phương có trách nhiệm ở đây. Vấn đề ở đây do kỹ thuật chứ không phải do con người.

Trước khi chọn Formosa đã có 1 nhà đầu tư Ấn Độ vào tham gia đầu tư  nhưng không được chọn, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Thực ra có đến 2 nhà đầu tư, nhưng phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, phải chấm điểm những nhà đầu tư nào cao điểm hơn, về kinh tế, về quy mô và liên quan đến mỏ khoáng sản thì chúng ta chọn.

Formosa có tiền sử đi đến đâu gây ô nhiễm môi trường đến đó nhưng tại sao vẫn được chọn?

Chúng tôi đang lưu giữ văn bản liên quan đến Formosa, tất cả các Bộ không có Bộ nào không đồng ý chọn Formosa cả, cũng không Bộ nào nói việc Formosa gây vấn đề này khác ở các nước, hoàn toàn không có, hồ sơ còn nguyên.

Quá trình cấp phép phải qua nhiều bước, nhiều cơ quan, vậy tại sao với dự án lớn như Formosa mà chỉ trong vài tháng đã hoàn thành xong việc cấp phép. Liệu có sự ưu ái đặc biệt nào cho Formosa?

Không thể có sự ưu ái đặc biệt nào, phải làm đúng luật, đúng trình tự, đúng bước đi theo quy định của pháp luật chứ không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào. Làm đúng Nghị định 108, đúng Luật đầu tư, đúng theo quy định của Chính phủ. Có ý kiến lại bảo kéo dài quá cũng có vấn đề, chúng ta đang cải cách mạnh mẽ nền hành chính. Chúng ta không rút ngắn thời gian, không bỏ qua, các trình tự vẫn đủ ý kiến của các Bộ, ngành liên quan. Sau khi có đầy đủ ý kiến theo quy định của Luật thì Thủ tướng có ý kiến đồng ý.

Chỉ 6 tháng mà hoàn thành việc cấp phép cho 1 dự án lớn như Formosa có quá nhanh và vội vàng?

Không. Nhanh hay không còn phụ thuộc vào chất lượng của hội đồng thẩm định, có khi người ta làm việc tăng thời gian, tăng năng suất, có phương pháp làm việc tốt hơn nên đảm bảo điều kiện. Bộ Khoa học và công nghệ nói chỉ có ý kiến ban đầu chung chung chứ không biết Formosa sử dụng công nghệ gì, cái đó do Bộ Công thương quyết định mới dẫn đến tình trạng công nghệ lạc hậu?

Mới đây dư luận lại bức xúc khi phát hiện hàng loạt chất thải của Formosa được chôn lấp, phải chăng việc này do chính quyền địa phương chưa làm tròn trách nhiệm? 

Trước hết có phần của Formosa vì quy định là có phần xử lý thải riêng, còn có thêm vài yếu tố như tự ý thu gom, tự ý chôn lấp trong trang trại, phải xử lý nghiêm. Cũng có phần trách nhiệm của ngay chính quyền cấp xã, cấp huyện, cả cấp tỉnh. Nghe thông tin ấy tôi rất bức xúc. Đổ mấy trăm tấn chất thải là không thể chấp nhận được, tôi đề nghị xử lý nghiêm những hành vi này và tiếp tục rà soát xem còn ở đâu không, nếu vi phạm tiếp thì không dừng lại ở xử lý hậu quả mà phải xử lý nghiêm hơn, để đảm bảo phát triển bền vững chứ không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá.

Từng là Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, sự cố xảy ra từ tháng 4.2016 nhưng tại sao đến bây giờ ông mới gặp gỡ trả lời báo chí?

Trước đó có vài anh em có gọi điện, khoảng ngày 16-19.7, lúc đó chúng tôi đang tập trung cho Đại hội Liên minh HTX Việt Nam, tôi không né tránh, không đùn đẩy gì cả, không ai yêu cầu tôi gặp báo chí cả, bản thân tôi rất muốn gặp chứ không phải sau chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội. Kể cả ngày nghỉ anh em báo chí gặp, tôi cũng sẵn sàng. Chủ tịch Quốc hội cũng chưa gọi cho tôi. Tôi cũng muốn gặp báo chí để thông tin đầy đủ. Né tránh để bưng bít thông tin là không được.

Vừa qua có một số phóng viên bị hành hung khi điều tra làm rõ sai phạm trong việc chôn lấp chất thải của Formosa, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Bất kỳ ai gây cản trở, hành hung, tạo khó khăn cho anh em báo chí tác nghiệp, khi đang thực hiện nhiêm vụ quan trọng, làm ảnh hưởng thì phải xử lý nghiêm để giữ nghiêm kỷ cương.

Xin cảm ơn ông!