Đục khoét sông Cạn

ThienNhien.Net  – Được “bật đèn xanh”, từ năm 2015, hàng loạt doanh nghiệp ồ ạt đục khoét, tận thu cát bồi lắng ở lòng sông Cạn (đoạn chảy qua xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh). Hậu quả nhãn tiền: Sạt lở hoành hành, dân bức xúc, chính quyền địa phương không đồng tình. Các doanh nghiệp khai thác cát vẫn đang tiếp tục được tỉnh “tạo điều kiện” cho thu lợi.

Cát sau khi hút được doanh nghiệp tập kết giữa lòng sông Cạn (Ảnh: Nhiệt Băng)

Tan tành sông

Có mặt tại hạ lưu sông Cạn (đoạn qua thôn Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông), chúng tôi chứng kiến vòi hút, xe múc… hoạt động rầm rộ. Cát sau khi được hút lên được tập kết thành từng đống lớn trên bờ lẫn lòng sông, chờ xe tải đến “ăn”, đưa đi tiêu thụ. 3 năm nay, kể từ khi các doanh nghiệp gồm: Công ty CP Đầu tư và PTTM-DV Trung Hậu, Công ty THHH TMDV Đại Cát và Công ty ĐT-DV Cát Khánh được cấp phép tận thu cát, dòng sông hiền hòa này biến thành “chiếc áo rách”.

Cần nhắc lại, quyết định cấp phép cho các doanh nghiệp này lúc đó đều do nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng ký. Các “hố bom” chạy dọc bờ sông cứ thế hình thành, con dê, con bò rơi xuống cũng lìa đời. Dừa là loại cây có độ bám rất chặt, thế mà cũng bật gốc nằm dài từ trên bờ xuống nước.

Mấy chục năm “cắm dùi” bên sông Cạn trồng rau, ớt, dừa… mưu sinh, ông Đoàn Quan Đang (49 tuổi, thôn Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông) nói, dòng sông Cạn khi xưa thoai thoải, rất đẹp. Mưa gió bao nhiêu, nước chảy thế nào, đất đai vẫn còn đó. Người dân cứ thế mà làm ăn. Nhưng từ khi các doanh nghiệp đến đục khoét lòng sông lấy cát bán, tình trạng sạt lở diễn ra với tốc độ “không phanh”.

“Chú thấy đấy, sạt lở kéo dài hàng cây số. Họ đục khoét thế mà, sông nào chịu nổi. Ngay cả ông Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN xã còn bức xúc, huống hồ gì dân chúng tôi” – ông Đang nói, rồi chỉ tay xuống mảnh đất ông đang trồng ớt bị sạt lở theo phương thẳng đứng. “Khoảng 3m đất sản xuất của tôi đã trôi sông, nay mai đây, vài mét đất nữa sẽ ra đi cho coi, nhất là mùa mưa này” – ông Đang buồn bã.

Sạt lở hoành hành, dừa bật gốc nằm chỏng chơ bên bờ sông Cạn.

Không thể nào kiểm soát được…

Ông Lê Văn Trung – Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN xã Cam Thịnh Đông nói: “Chúng tôi chịu thua, giờ chỉ biết ngồi chờ cấp trên và báo chí can thiệp dùm cho địa phương”, rồi chỉ 5 cây xoài ven bờ sông Cạn ông trồng từ năm 1982. Gốc xoài rất to, rễ bám rất chặt, thế mà vẫn “ra đi” vì hút cát. “Hồi đó sông Cạn nhỏ lắm, không rộng như bây giờ, nhưng do hút cát quá dữ, 2 bên bờ sụp lún, mất đất. Mảnh đất của tôi trồng xoài đã bị sông nuốt cả 10m rồi, và không biết bao nhiều cây nữa sẽ trôi xuống sông. Khơi thông dòng chảy gì mà thiệt hại cho dân như thế” – ông Trung bức xúc.

Theo ông Trung, từ năm 2016 đến nay, không biết bao lần, các đoàn chức năng về kiểm tra, lập biên bản nhưng… rồi cũng chịu vì các doanh nghiệp này do tỉnh cấp phép. Điều ông Trung lo nhất, hiện nay đoạn sông gần cầu sông Cạn bắc qua QL 1A (gần một doanh nghiệp thủy sản) đang bị đục khoét lấy cát. “Nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục hút cát, cây cầu này sẽ bị hỏng chân và không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra đối với các phương tiện hằng ngày lưu thông qua đây” – ông Trung nói.

Hoạt động khai thác cát diễn ra rầm rộ, băm nát dòng sông Cạn (Ảnh: Nhiệt Băng)

Phó chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Đông (TP Cam Ranh) Bạch Văn Sửu đầy tâm trạng khi nhắc đến thực tế sạt lở dòng sông Cạn: “Tôi nói thật, xã không được lợi gì từ việc hút cát đó, có chăng là cung cấp cát xây dựng cho người dân địa phương, còn doanh nghiệp lấy cát đi bán thì họ được lợi thôi. Dân thì cứ kêu cứu chính quyền”. Đánh giá tác động môi trường về việc hút cát theo ông Sửu là có, còn công tác đó được thực hiện như thế nào là việc của cấp trên.

“Chúng tôi chỉ biết họ càng hút, bờ sông, đất nông nghiệp của người dân càng sạt lở” – ông Sửu buồn bã. Theo ông Sửu, nói là giám sát việc khai thác cát của các doanh nghiệp, nhưng thực chất xã không có khoản chi nào để đi kiểm tra được việc đó. Ông Sửu cho rằng, không có nạo vét, tận thu cát thì nước sông Cạn vẫn thoát bình thường.

Một báo cáo của UBND xã Cam Thịnh Đông vào năm 2017 nêu: Quá trình thực hiện nạo vét lòng sông, suối, khai thác tận thu cát của các doanh nghiệp, do không thực hiện đúng quy định về thời gian nạo vét, vị trí và độ sâu nên đã làm sạt lở dọc theo bờ sông, bờ suối Sông Cạn, ảnh hưởng đến đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của các hộ dân. Vị trí thi công nạo vét của Công ty ĐT-DV Cát Khánh đã gây sạt lở, làm ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại đến diện tích đìa sản xuất, nuôi trồng thủy sản của 8 hộ dân. Vị trí ạo vét của Công ty TNHH TMDV và XD Đại Cát đã gây sạt lở nghiêm trọng đất của trại dừa do Công ty Yến Sào quản lý.

Theo biên bản kiểm tra ngày 17.5.2016 của Sở TNMT: Cty TNHH TM-DV và Xây dựng Đại Cát đã thực hiện nạo vét ngoài khu vực được UBND tỉnh cho phép. Cụ thể: Công ty này đã sử dụng máy bơm hút trực tiếp cát từ suối sông Cạn lên bãi tập kết có kích thước 25m x 20m x 3m. Vị trí hút cát đã để lại một “hồ nước” có chiều dài khoảng 40-50m, rộng khoảng 15-20m, độ sâu từ 5-7m. Việc khai thác này vượt ra ngoài phạm vi đến 10% tổng diện tích hoặc tổng độ cao của khu vực được phép khai thác khoáng sản.

“Sau khi kiểm tra, UBND xã Cam Thịnh Đông đã đề xuất xử phạt. Thế nhưng, doanh nghiệp này vẫn không bị xử phạt mà còn tiếp tục được phép hoạt động khai thác cát, trong khi quan điểm của địa phương là không đồng tình việc cho phép các doanh nghiệp khai thác cát nữa” – ông Sửu nói.

Tiếp nhận kiến nghị của người dân, chính quyền các xã Cam Thịnh Đông, ngày 20.3, bà Võ Thị Kim Thoa – Phó chủ tịch HĐND TP. Cam Ranh đã ký văn bản đề nghị UBND TP. Cam Ranh chỉ đạo phòng TNMT thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các đơn vị khai thác khoáng sản không đúng với quy định được cấp; yêu cầu các công ty thực hiện nạo vét lòng sông Cạn, thực hiện việc gia cố các đoạn bờ sông, bờ suối đã bị sạt lở…

“Chiều” theo đề xuất của doanh nghiệp, hoạt động hút cát trên sông Cạn đều do Sở TNMT làm tờ trình, đề xuất tỉnh ký quyết định, cấp phép. Những ngày cuối tháng 5 này PV Lao Động đã nhiều lần liên lạc với ông Võ Tấn Thái – GĐ Sở TNMT, nhưng ông liên tục bảo “bận họp”. Ngày 25.5, ông nói với PV: “Mày đến Sở TNMT đi”. Khi PV đến phòng làm việc của ông Thái, ông không ở trong phòng. PV gọi điện, ông không nghe máy, rồi nhắn tin lại một chữ “họp”.
Tại xã Cam Thành Nam, qua khảo sát tại khu vực Hố Thượng (thôn Quảng Phúc) vào đầu năm 2017, chính quyền xã này phát hiện nhiều hộ dân đã tự ý chuyển nhượng đất sản xuất dọc theo bờ suối cho một số doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp đã tiến hành nạo, vét khai thác đất, cát trái phép để kinh doanh vật liệu xây dựng làm sạt lở lòng suối. Quá trình vận chuyển gây ảnh hưởng đến môi trường và giao thông đi lại của các hộ dân có đất sản xuất, canh tác.