Hòa Bình: Đại công trường khai thác cát trên sông Đà

ThienNhien.Net – Hàng chục con tàu hút, tàu quốc neo đậu thành “làng” giữa sông Đà. Đêm, cả đoạn sông như “thành phố”, đèn điện rực sáng, tiếng máy đinh tai nhức óc. Người dân xóm Độc Lập, Tân Lập, xã Hợp Thịnh, xóm Thông, xã Hợp Thành (Kỳ Sơn, Hòa Bình) bị tra tấn suốt đêm.

Hàng chục con tàu quốc neo đậu “nghỉ” lấy sức để đêm hoạt động (Ảnh: HB)

Thực trạng trên diễn ra liên tục từ cuối tháng 4 đến nay. Nguyên nhân là do Công ty TNHH Xây dựng Hùng Yến (Cty Hùng Yến) và Công ty Cổ phần Khai khoáng Sahara (Cty Sahara) khai thác cát gây nên.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) cho biết: Cty Hùng Yến (trụ sở tại phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình) đã được UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo Quyết định số 51/QĐ-UBND ngày 11/12/2013, trong đó cho phép khai thác cát lòng sông Đà làm vật liệu xây dựng thông thường tại địa bàn xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn, thời gian khai thác 24 năm, công suất tối đa cho phép là 27.000m3/năm.

Tàu quốc cỡ lớn, thuyền hút cát cỡ nhỏ đều “sung trận”. (Ảnh: HB)

Cty Sahara (trụ sở tại khu 5, thị trấn Kỳ Sơn) được UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 21/4/2015. Theo đó, Cty Sahara được khai thác cát lòng sông Đà làm vật liệu xây dựng thông thường, trên đoạn sông thuộc địa bàn xóm Thông, xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, thời gian khai thác 24 năm, công suất tối đa cho phép là 230.000m3/năm.

Từ khi được cấp phép khai thác cát, Cty Hùng Yến và Cty Sahara chỉ có 2 – 3 tàu thuyền hoạt động khai thác. Nhưng, từ trung tuần tháng 4/2017 đến nay (12/5), Cty Hùng Yến đã huy động trên 10 tàu quốc, hút; Cty Sahara có trên 20 tàu quốc, hút với công suất lớn, ngày đêm khai thác cát trên đoạn sông Đà, thuộc địa bàn xã Hợp Thành và xóm Thông, xã Hợp Thịnh.

Với số lượng tàu, thuyền trên, thì cả hai Cty Hùng Yến và Sahara sẽ khai thác số lượng cát vượt rất nhiều so với công suất cho phép khai thác trong năm. Nguy hại hơn là việc tổ chức khai thác rầm rộ như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến bờ sông và cuộc sống của nhân dân.

Một giờ đồng hồ, một con tàu quốc khai thác được gần 200m3 cát (Ảnh: HB )

Ông Tuấn cho biết: Ngay sau khi nhận được phản ánh của nhân dân và chính quyền hai xã, được UBND huyện Kỳ Sơn chỉ đạo, Phòng TN&MT đã phối hợp với UBND hai xã Hợp Thành, Hợp Thịnh, đại diện xóm Độc Lập, Tân Lập, Thông, tiến hành làm việc với Cty Hùng Yến và Cty Sahara. Đồng thời báo cáo Phòng Khoáng sản – Sở TN&MT tình hình khai thác cát của hai công ty.

Ngày 4/5/2017, Phòng Khoáng sản, Sở TN&MT chủ trì phối hợp với Phòng Điều tra 4CH9 – Công an tỉnh Hòa Bình, Phòng TN&MT huyện Kỳ Sơn, UBND xã Hợp Thịnh, Hợp Thành làm việc với Cty Hùng Yến, Cty Sahara, đánh giá thực trạng hoạt động khai thác cát của hai công ty.

Tuy nhiên, sau hai lần làm việc, tình hình khai thác cát của hai công ty vẫn không thay đổi.

Người dân hai xã, mà trực tiếp là người dân ba xóm Độc Lập, Tân Lập, Thông vẫn ngày đêm bị “tra tấn” bởi tiếng ồn của máy tàu quốc, tàu hút. Người dân xóm Độc Lập, xã Hợp Thịnh băn khoăn: Không biết vì sao, ban ngày phần nhiều tàu quốc, hút lại nghỉ. Đêm mới làm. Cả một đoạn sông chỉ gần 100ha mặt nước, như một thành phố nổi, đèn điện các loại sáng rực, lòng sông cứ sôi lên. Đúng là một đại công trường.

Dưới sông là tàu hút, trên bờ là “núi” cát. (Ảnh: HB)

Ông Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Ngày 10/5, lãnh đạo UBND huyện đã trực tiếp kiểm tra việc khai thác cát tại địa bàn xã Hợp Thành, Hợp Thịnh. Ngay sau đó đã ban hành văn bản gửi Cty Hùng Yến và Cty Sahara yêu cầu chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và quy định trong cấp phép khai thác cát tại khu vực mỏ được cấp phép. Nghiêm cấm việc hoạt động khai thác vào ban đêm (từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau). Giao UBND 2 xã giám sát thời gian hoạt động khai thác cát của hai công ty. Đồng thời kiểm tra, xử lý một số điểm khai thác cát, bãi cát không phép mới phát sinh.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay tình hình hoạt động khai thác cát tại địa bàn xã Hợp Thành, Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn vẫn không giảm. Số lượng tàu thuyền, cường độ khai thác có chiều hướng tăng, rầm rộ hơn. Liệu bờ sông, đoạn qua địa bàn hai xã nằm trong “vùng mỏ” cát được cấp phép sẽ chịu đựng được bao lâu?