Làm gì khi hạt gạo mất đi thị trường truyền thống?

ThienNhien.Net – GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, bởi đi đâu cũng “chạm mặt” gạo Thái Lan nên gạo Việt Nam phải “đẹp và sạch” thì mới chen vào được các thị trường khác.

Nguy cơ mất thị trường truyền thống

Nếu như năm 2016 vừa qua đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới với con số giảm tương ứng là 25,5% và 20,5% so với năm 2015 thì tình hình tiếp tục lặp lại trong 3 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo ước đạt 1,28 triệu tấn và 566 triệu USD, giảm 18,1% về khối lượng và giảm 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Xét về thị trường, báo cáo xuất nhập khẩu năm 2016 của Bộ Công Thương nêu rõ, xuất khẩu gạo trong năm vừa qua sụt giảm đáng kể tại các thị trường truyền thống trọng điểm như: Trung Quốc giảm 8,6%; Philippines giảm 64,1%, Malaysia giảm 45,5%, Indonesia giảm 51,8% và Bờ biển Ngà giảm 21,1%. Tuy nhiên, sự sụt giảm này được nhận định là bức tranh chung của thương mại gạo thế giới trong năm 2016.

Đầu năm 2017, lãnh đạo Bộ Công Thương dự báo, hoạt động thương mại gạo trong năm 2017 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu tăng cao tại các trường châu Á và Trung Đông. Trong đó, vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu vẫn là Ấn Độ. Xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ phục hồi và xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng được dự báo tăng, nhưng cũng khó có thể đạt được mức của những năm trước.

Theo Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính, đầu năm 2017, ngành gạo đón tin mừng khi Philippines đã mua hơn 53.000 tấn gạo từ Thái Lan và Việt Nam, nhằm gia tăng khối lượng dự trữ. Trong đó, Thái Lan đã trúng thầu 41.464 tấn gạo và Việt Nam trúng thầu 11.580 tấn. Còn Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) thì cho biết, bản thỏa thuận thương mại gạo giữa Việt Nam và Philippines năm 2010 đã chính thức được gia hạn tới năm 2018. Theo đó, Việt Nam sẽ cung cấp tới 1,5 triệu tấn gạo/năm cho Philippines.

Tuy nhiên, mới đây, theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), qua các phương tiện truyền thông chính thức của Philippines, Tổng thống nước này thông báo sẽ tạm dừng nhập khẩu gạo do lo ngại gạo nhập khẩu sẽ cạnh tranh với sản lượng gạo của nông dân nước này đang vào vụ thu hoạch.

Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA cho biết, không chỉ riêng Philippines, nhiều thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á đang dần thay đổi cơ chế điều hành nhập khẩu gạo, từ việc Chính phủ nhập khẩu chuyển dần sang giao cho doanh nghiệp tư nhân đấu thầu hạn ngạch hoặc tự do hóa hoàn toàn thương mại gạo.

Muốn xuất khẩu, gạo Việt Nam phải “đẹp và sạch”

GS. Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp) cho biết Philippines đã nhập khẩu gạo của Việt Nam từ những năm 1940. Đến năm 1968, Việt Nam dừng xuất khẩu gạo và mới bắt đầu xuất khẩu lại từ năm 1989. Trong khoảng thời gian đó, Philippines đã tìm nơi nhập khẩu gạo khác là Thái Lan. Từ đó, hạt gạo của Việt Nam phải cạnh tranh với gạo Thái Lan tại thị trường này.

Cũng theo GS. Võ Tòng Xuân, Philippines cũng là một nước trồng lúa với diện tích khá rộng nên việc Chính phủ nước này dừng nhập khẩu gạo để bảo vệ nền sản xuất trong nước cũng là điều có thể dự đoán được. Tuy vậy, đây là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 24,8% thị phần, việc mất đi thị trường này sẽ khiến ngành gạo gặp khó trong thời gian tới. Vì vậy, theo GS. Xuân, đã đến lúc ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam phải từ bỏ mục tiêu sản lượng để tập trung nâng cao chất lượng, hình thành các chuỗi sản xuất và xây dựng thương hiệu.

Bộ NN&PTNT đã đặt mục tiêu đến năm 2020, bảo đảm lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% tổng thu trở lên, đồng thời giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 8%. Đặc biệt, có 20-30% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 25-30% lượng gạo xuất khẩu thuộc nhóm gạo thơm và đặc sản.

GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, bởi đi đâu cũng “chạm mặt” gạo Thái Lan nên gạo Việt Nam phải “đẹp và sạch” thì mới chen vào được các thị trường khác.

Trước tình hình ngành lúa gạo đối mặt với nguy cơ tiếp tục sụt giảm trong năm 2017, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo theo mục tiêu, phương hướng điều hành xuất khẩu gạo năm 2017 đã đề ra.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2017.