Chính sách phát triển rừng trồng gỗ lớn: Thách thức và khuyến nghị

ThienNhien.Net – Từ năm 2008, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất gỗ lớn theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg nhằm tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, đặc biệt là bà con đồng bào miền núi, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái. Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện, chính sách này vẫn tiếp tục được bổ sung, chỉnh sửa theo hướng tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư trồng các loài cây sản xuất gỗ lớn. Tuy nhiên, bên cạnh một số thuận lợi và những kết quả đạt được, việc thực thi chính sách cũng đối mặt với không ít khó khăn, bất cập.

Thuận lợi song hành thách thức

Các mô hình trồng rừng gỗ lớn nhận được nhiều sự ủng hộ từ các nhà quản lý và chuyên gia bởi xét về cả lý thuyết và thực tiễn áp dụng thì rừng gỗ lớn mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho các hộ gia đình, đồng thời giúp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Về chi phí đầu tư, trồng rừng gỗ lớn cũng có chi phí thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ do giai đoạn về sau chủ yếu là chi phí bảo vệ rừng thay vì phải tái đầu tư chi phí giống, công trồng, chăm sóc. Mặt khác, nhu cầu gỗ lớn cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước ngày càng gia tăng nên càng tạo điều kiện, môi trường cho các mô hình trồng rừng gỗ lớn phát triển.

Dù vậy, các mô hình trồng rừng gỗ lớn vẫn chưa tạo được hiệu quả thực sự do gặp nhiều khó khăn trong khi triển khai. Vướng mắc đầu tiên là vấn đề quy hoạch quỹ đất để trồng rừng sản xuất còn khá hạn chế, manh mún, thậm chí đan xen giữa các chủ rừng nhà nước và hộ gia đình cũng như giữa các loại rừng với nhau. Điểm bất lợi thứ hai là trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài trong khi thủ tục vay vốn từ các ngân hàng còn khó khăn, thời gian cho vay ngắn, khó tiếp cận, do đó, các doanh nghiệp và hộ gia đình thường trồng rừng gỗ nhỏ để xoay vòng vốn nhanh. Khó khăn tiếp theo là vấn đề cơ sở hạ tầng lâm nghiệp và quản lý giống. Hiện Việt Nam chưa xây dựng được các vùng cung cấp nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến gỗ cũng như hệ thống đường lâm nghiệp và các cơ sở hạ tầng khác phục vụ cho các vùng chuyên canh trồng rừng. Vấn đề quản lý giống và quy trình kỹ thuật cũng chưa tốt. Tuy đã có nhiều giống mới được Bộ NN&PTNT công nhận nhưng mới trong giai đoạn khảo nghiệm mà chưa được nhân giống để chuyển giao, cung cấp cho sản xuất quy mô lớn cũng như chưa có giống và nguồn giống phù hợp cho trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng gỗ nhỏ theo từng vùng, từng điều kiện lập địa. Dù vậy, điểm đáng quan ngại nhất vẫn là tâm lý các hộ trồng rừng chưa thực sự mong muốn trồng rừng gỗ lớn, các chủ rừng cho rằng trồng rừng gỗ nhỏ (5 – 7 năm) có hiệu quả kinh tế cao hơn do có nguồn thu nhanh hơn, có thể sớm quay vòng đầu tư tiếp thay vì chỉ nhận một lần thu nhập nếu phát triển gỗ lớn. Mặt khác, sức ép về dân số và phát triển kinh tế vùng núi cũng khiến công tác bảo vệ rừng, nhất là đối với rừng sản xuất là rừng trồng gỗ lớn gặp khó khăn hơn. Đó là chưa kể tới những rủi ro về thiên tai, cháy rừng xảy ra trong khi nhà nước chưa có chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng, trong đó có rừng trồng gỗ lớn.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Khi chính sách chưa tạo động lực phát triển 

Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015 được xem là chính sách đầu tiên khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất gỗ lớn, tuy nhiên, chính sách này chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy người dân tham gia. Cụ thể, Điều 5 Quyết định 147 quy định điều kiện nhận hỗ trợ đầu tư trồng rừng là “đối với chủ rừng thì phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đối với doanh nghiệp nhà nước phải là đất trồng rừng sản xuất đã được giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng ổn định lâu dài (50 năm)” – điều này khiến các hộ rất khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Thêm vào đó, mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ha cho trồng rừng gỗ lớn và 2 triệu đồng/ha cho trồng rừng gỗ nhỏ là quá thấp, thủ tục phức tạp nên không hấp dẫn các hộ gia đình.

Năm 2011, Chính phủ ban hành Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung Quyết định 147/2007/QĐ-TTg theo hướng nâng mức hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn lên 4,5 triệu đồng/ha. Riêng với các hộ gia đình thuộc 63 huyện nghèo, mức hỗ trợ được nâng từ 5 triệu đến 10 triệu đồng/ha (theo Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31/12/2012), tuy nhiên những định mức này cũng chưa thực sự khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn. Theo đơn giá trồng rừng hiện nay (ở khu vực khó khăn trung bình), các hộ phải bỏ ra tổng chi phí 25 – 30 triệu đồng/ha/7 năm (đối với cây chu kỳ kinh doanh ngắn), bao gồm: chi phí chuẩn bị hiện trường trồng rừng, giống, phân bón, nhân công, tiền chăm sóc cho 3 năm đầu, tiền bảo vệ rừng cho các năm tiếp theo đến khi khai thác. Đối với khu vực khó khăn như vùng dân tộc, miền núi, chi phí trồng rừng còn cao hơn rất nhiều. Do đó, phần kinh phí còn thiếu để trồng rừng, các hộ gia đình phải đi vay để bù vào, mặc dù được vay ưu đãi, song khoản chi phí này vẫn là gánh nặng cho các hộ nghèo, đặc biệt đối với các hộ trồng rừng có chu kỳ kinh doanh dài với nhiều rủi ro. Thậm chí, theo Dự thảo sửa đổi Quyết định 147, việc tăng hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn lên mức 8 triệu đồng/ha cũng chưa khuyến khích các hộ tham gia đầu tư.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực lâm nghiệp, Chính phủ cũng ban hành một số quyết định như: Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đầu tư xây dựng công trình lâm sinh, Quyết định 147/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg; Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng……

Tuy nhiên, các quy định về đầu tư bộc lộ một số điểm tồn tại, hạn chế như: chưa quy định, hướng dẫn quản lý theo chuỗi; quy định về dự án lâm sinh chưa rõ ràng, đặc biệt chưa thể hiện tính đặc thù của dự án lâm sinh; quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu còn chưa phù hợp với thực tế (hầu hết các dự án quy mô nhỏ, chủ đầu tư có năng lực tự tổ chức thực hiện); đầu tư dàn trải cho rất nhiều hạng mục và quy định tỷ lệ % đối với các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng trên tổng mức đầu tư của các hạng mục lâm sinh trong dự án lâm sinh dẫn đến đầu tư quy mô nhỏ, manh mún…

Về chính sách tín dụng đối với trồng rừng sản xuất, theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010, hộ gia đình được vay tối đa tới 50 triệu đồng để sản xuất lâm nghiệp, tuy nhiên lãi suất cho vay được thực hiện theo cơ chế tín dụng thương mại hiện hành. Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo thì Nhà nước có các chính sách riêng cho từng đối tượng, thời hạn cho vay theo thỏa thuận và phù hợp với khả năng trả nợ của hộ gia đình, mức lãi suất hiện hành là 7,2%/năm đối với người nghèo. Đối với hộ nghèo thuộc 63 huyện nghèo (Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP), Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay ưu đãi bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo. Như vậy, ở địa bàn các xã thuộc khu vực khó khăn, ngoài số tiền được Nhà nước hỗ trợ khi trồng rừng sản xuất (tối đa 4,5 triệu đồng/ha), phần còn thiếu (khoảng 20 triệu đồng/ha) các hộ gia đình phải vay từ ngân hàng tối thiểu với lãi suất 7,2%/năm – đây là số tiền lãi khá lớn phải trả đối với hộ gia đình khi có sản phẩm thu hoạch. Điều này cũng có nghĩa là tối thiểu trong 7 năm, hộ gia đình mới trả được nợ vay ngân hàng đối với trồng rừng. Mặt khác, vay vốn từ các ngân hàng thương mại thường có lãi suất cao, điều kiện vay và thủ tục vay hết sức khó khăn (phải có tài sản thế chấp, nhưng các ngân hàng chưa chấp nhận thế chấp tài sản là rừng trồng), thời gian cho vay ngắn nên các doanh nghiệp và hộ gia đình khó tiếp cận được nguồn vốn. Hơn nữa, trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài và rủi ro cao, vì vậy các ngân hàng cũng không ưu tiên cho các khoản vay này, vì vậy các hộ gia đình và cá nhân càng khó có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng để trồng rừng. Nếu được vay vốn, ngân hàng cũng chỉ cho vay tối đa khoảng 50% giá trị đầu tư với lãi suất thương mại cao nên sau khi trừ chi phí, giá trị thu được thường rất thấp.

Về vấn đề tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu, Nghị định số 75/2011/NĐ-CP quy định danh mục các dự án được vay tín dụng đầu tư của nhà nước không đề cập đến các dự án liên quan đến lâm nghiệp. Văn bản này cũng quy định chỉ có tổ chức, doanh nghiệp mới được vay tín dụng đầu tư. Về tín dụng xuất khẩu, Nghị định cũng quy định sản phẩm hàng mây tre đan, đồ gỗ xuất khẩu thuộc danh mục mặt hàng được vay vốn tín dụng xuất khẩu, còn các hoạt động chế biến lâm sản khác và trồng rừng gỗ lớn không thuộc danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước.

Với chính sách cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài, Nghị định số 78/2010/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ; Quyết định số 29/2011/QĐ-TTg 01/06/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục ngành, lĩnh vực được hưởng mức lãi suất ưu đãi khi vay lại nguồn vốn vay ODA của Chính phủ không quy định hoạt động trồng rừng, chăm sóc rừng, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, chế biến MDF từ gỗ rừng trồng trong nước thuộc danh mục lĩnh vực được hưởng mức lãi suất ưu đãi khi vay lại nguồn vốn vay ODA của Chính phủ.

Về chính sách sử dụng thuế tài nguyên rừng cũng chưa có chính sách quy định thuế tài nguyên rừng được đầu tư trực tiếp để tái tạo lại rừng nên việc sử dụng tiền thuế tài nguyên không thống nhất, nhiều địa phương sử dụng vào mục đích khác mà không đầu tư tái tạo lại rừng.

Riêng với chính sách đất đai, Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, dự án đầu tư trồng rừng, bảo vệ rừng sản xuất phát triển cây giống lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong lâm nghiệp, chế biến bảo quản lâm sản, sản xuất giấy, ván nhân tạo, dịch vụ tư vấn đầu tư, khoa học kỹ thuật về sản xuất lâm nghiệp thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn được miễn giảm 70% tiền sử dụng đất, nếu thuê đất được miễn tiền thuê đất 15 năm đầu; nhà đầu tư có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư nếu thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư đó thì được Nhà nước hỗ trợ 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định này cho 5 năm đầu tiên. Tuy nhiên, quỹ đất lâm nghiệp tập trung quy mô lớn để trồng mới rừng sản xuất không còn, những nơi có điều kiện thuận lợi thì đã trồng rừng; diện tích chưa trồng phần lớn là ở vùng cao, xa, điều kiện đi lại khó khăn, nên đầu tư kém hiệu quả. Quy mô diện tích đất lâm nghiệp của mỗi hộ gia đình nhỏ lẻ (tuyệt đai đa số các  hộ gia đình chỉ có 1-2ha/ hộ), số hộ có diện tích đất lâm nghiệp trên 5 ha rất ít. Các hộ gia đình vùng miền núi đời sống khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên trồng rừng quảng canh, chu kỳ ngắn để nhanh có sản phẩm và thu nhập. Công tác giao đất lâm nghiệp cho các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở một số địa phương còn chậm. Nhiều chủ rừng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để có thể vay vốn sản xuất kinh doanh rừng.

Khuyến nghị và giải pháp

Trước tiên, cần quy hoạch diện tích rừng trồng gỗ lớn với vài trăm ha và bao gồm đất của các công ty lâm nghiệp và các hộ gia đình mong muốn trồng rừng gỗ lớn theo lộ trình cho từng giai đoạn, có thể điều chỉnh tăng dần hướng tới diện tích lớn hơn và ổn định diện tích trồng rừng hàng năm. Bên cạnh đó, cần đưa vào Luật Bảo vệ phát triển rừng sửa đổi quy định việc chuyển đổi rừng trồng sản xuất gỗ lớn cho các mục đích phi lâm nghiệp phải theo quy định cho rừng đặc dụng để tránh chuyển đổi mục đích sử dụng tràn lan.

Thứ hai, cần nghiên cứu chọn tạo giống có chất lượng cao kể cả mua công nghệ nước ngoài để chuyển giao nhanh giống chất lượng cao, các kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho các địa phương. Trước mắt cần khuyến khích các công ty lâm nghiệp nhà nước và chủ trang trại rừng quy mô lớn thử nghiệm và nhân rộng trồng rừng gỗ lớn để người dân thấy rõ hiệu quả và tự nhân rộng.

Thứ ba, cần xây dựng hướng dẫn kỹ thuật điều tra lập địa và trồng rừng thâm canh, chuyển hóa rừng trồng cung cấp nguyên liệu gỗ lớn; miễn hoặc giảm tiền thuê đất và thuế sử dụng đất đối những diện tích trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn; thí điểm chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng kinh doanh gỗ lớn để người trồng rừng yên tâm đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, cần sửa đổi các chính sách hiện hành về vay vốn tín dụng ưu đãi, thuận tiện cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ lớn. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí cho giống, khuyến lâm và cơ sở hạ tầng, không nên hỗ trợ vốn cho không để trồng rừng sản xuất mà nên chuyển sang hình thức cho vay ưu đãi để trồng rừng gỗ lớn. Thí dụ sau năm thứ năm, nhà nước sẽ cho vay ưu đãi lãi suất thấp hoặc hỗ trợ lãi suất để trồng rừng gỗ lớn và trả gốc và lãi khi khai thác chính.

Song song với vấn đề hỗ trợ, cần khảo sát, đánh giá sâu về thực trạng của ngành chế biến xuất khẩu gỗ rừng trồng  sản xuất ở Việt Nam, phân tích hoạt động của một số ngành hàng gỗ rừng trồng được lựa chọn để có đủ cơ sở đề xuất giải pháp và chính sách phát triển rừng trồng sản xuất; quy hoạch, bố trí hợp lý các nhà máy chế biến gỗ và lâm sản gắn với vùng nguyên liệu; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ liên kết với các hộ và công ty lâm nghiệp trồng rừng gỗ lớn và thương mại gỗ hợp pháp có sự bảo đảm pháp lý của Nhà nước, ví dụ vay vốn ưu đãi, giảm thuế cho doanh nghiệp và người trồng rừng, hỗ trợ khuyến lâm, đường lâm nghiệp, chứng chỉ rừng…

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần chú ý sửa đổi dự thảo về chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất gỗ lớn thay thế Quyết định số 147/2007/QĐ -TTg theo hình thức cho vay vốn ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất từ năm thứ sáu trở đi (nếu nguồn vốn hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn hạn chế) với mức vay tương ứng 30% giá trị đầu tư và ưu đãi trả gốc và lãi một lần vào thời điểm khai thác. Không nên áp dụng hình thức „cho không” đối với các hộ trồng rừng sản xuất; hình thức này chỉ nên sử dụng để hỗ trợ quy hoạch, tạo giống chất lượng cao, khuyến lâm và cơ sở hạ tầng lâm nghiệp.

Đoàn Diễm – Chuyên gia lâm nghiệp