Kiên Giang tiếp tục giao khoán rừng phòng hộ ven biển

ThienNhien.Net – UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành quyết định về việc trồng rừng, bảo vệ rừng và sử dụng rừng phòng hộ ven biển theo hình thức giao khoán, thay thế cho quyết định về trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển được ban hành từ cuối năm 2005.

Rừng phòng hộ ven biển Kiên Giang sẽ tiếp tục được giao khoán cho các hộ trồng và quản lý bảo vệ (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Phạm vi áp dụng là toàn bộ diện tích rừng và đất rừng phòng hộ ven biển tỉnh Kiên Giang với tổng chiều dài 198km, từ điểm giáp biên giới Việt Nam – Campuchia qua thị xã Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh, và phần giáp ranh với tỉnh Cà Mau.

So với quyết định năm 2005, quyết định mới vẫn giữ nguyên một số nội dung chính như: việc giao khoán đất cho hộ dân để trồng rừng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng được thực hiện theo tỷ lệ 70% diện tích đất trồng rừng và 30% diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản; Thời hạn giao khoán trong vòng 50 năm; Mọi hoạt động trồng rừng, khai thác chọn, tỉa thưa, nạo vét mương nuôi phải có kế hoạch, được sự chấp thuận của Sở NN&PTNT, đồng thời chịu sự giám sát của Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển, chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm địa bàn.

Đối với những diện tích rừng bị phá đi để nuôi tôm trước đây, nếu chưa đủ 70% rừng trên đất nhận khoán thì các hộ phải tự trồng để đảm bảo trồng đủ tỷ lệ 70% diện tích rừng. Bên nhận khoán được phép sử dụng 200m2 đất nhận khoán làm nhà cấp 4 để ở, trông coi và quản lý rừng.

Việc giao khoán rừng và đất rừng phòng hộ ven biển là một chủ trương đúng đắn của tỉnh Kiên Giang nhằm giúp người dân vừa tham gia bảo vệ rừng, vừa cải thiện, nâng cao sinh kế. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian thực hiện từ năm 2005, không ít địa phương đã để xảy ra tình trạng rừng và đất rừng bị xâm hại nghiêm trọng để phục vụ mục đích nuôi trồng thủy sản, khiến diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp.

Để thực hiện hiệu quả chủ trương giao khoán này, thời gian tới, các ban ngành của tỉnh Kiên Giang cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm; đồng thời thường xuyên tổ chức đánh giá tình hình quản lý, sử dụng rừng trên diện tích rừng và đất rừng đã được giao; tuyên truyền lợi ích từ rừng mang lại để người dân hiểu và đồng lòng tham gia trồng, quản lý bảo vệ rừng.