Trung Quốc tăng cường chuyển dịch sản xuất sang Đông Nam Á

ThienNhien.Net – Các nguồn đầu tư của Trung Quốc đang chuyển dịch sang các quốc gia nhỏ láng giềng ở Đông Nam Á nhiều hơn bao giờ hết. Hiện ba quốc gia Campuchia, Lào và Myanmar là các điểm đến đầu tư lớn nhất của Trung Quốc.

Hoạt động này vừa thúc đẩy phát triển kinh tế của Trung Quốc vừa cung cấp cho các công ty Trung Quốc những lựa chọn thay thế với chi phí thấp khi đang nỗ lực đầu tư ngoài biên giới. Nhìn bề ngoài, hoạt động này cũng có thể giúp nền kinh tế lớn nhất châu Á này và các quốc gia trong khu vực thích ứng với bối cảnh kinh tế quốc tế mới trong mối quan hệ hợp tác với Mỹ dưới thời kỳ Tổng thống đắc cử Donald Trump với những chính sách điều hành hướng nội của ông.

“Trung Quốc chắc chắn là nhắm vào các quốc gia trong khu vực tiềm năng để bán các sản phẩm và thu được lợi ích từ các khoản đầu tư của mình. Trung Quốc tự trở nên đắt đỏ với chính những doanh nghiệp của mình và điều đó càng củng cố cho cho xu hướng này”- Ông Edward Lee, chuyên gia kinh tế của Standard Chartered Plc tại Singapore bình luận.

Trung Quốc đang đầu tư vào tất cả mọi lĩnh vực từ đường sắt đến bất động sản tại Campuchia, Lào và Myanmar – những nền kinh tế thị trường sơ khai của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đầu tháng 12 này, Tập đoàn Đầu tư Minsheng và LYP Group của Trung Quốc đã ký một thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD cho dự án xây dựng một thành phố 2.000 ha gần thủ đô Phnom Penh (Campuchia) với một trung tâm hội nghị, khách sạn, sân golf, khu vui chơi giải trí. Khoản đầu tư bằng gần 1/10 tổng giá trị sản phẩm quốc nội của quốc gia này (15,9 tỷ USD).

Khu công nghiệp của Trung Quốc ở PhlomPenh (Campuchia) (Ảnh: Bloomberg)

Một vành đai, một con đường

Dự án đường sắt Trung Quốc – Lào kéo dài 414km từ biên giới Trung Quốc tới thủ đô Viêng Chăn đã được khởi công vào đầu năm ngoái. Dự án là một phần trong Sáng kiến ”Một vành đai, một con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trị giá 5,4 tỉ USD. Đầu tháng này, Thủ tướng Lào đã có cuộc gặp với Chủ tịch Tập tại Thủ đô Bắc Kinh trong chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông nhằm thắt chặt quan hệ hai bên.

Theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Myanmar, quốc gia đang ngày càng tự do hóa về kinh tế với những cải cách thị trường , sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng 8,1% trong năm nay, nhanh thứ hai thế giới sau Iraq. Nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi của quốc gia này đã nhanh chóng kết nối với Trung Quốc kể từ khi nhậm chức vào năm ngoái và bà cũng đã có chuyến viếng thăm Bắc Kinh ngay sau đó. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm khoảng 40% của tổng giá trị thương mại năm ngoái của Myanmar, đang xây dựng đặc khu kinh tế, nhà máy điện và cảng biển nước sâu ở nước này.

Quan hệ Trung Quốc – Campuchia cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thương mại hai chiều đã tăng lên mức 4,8 tỉ USD vào năm ngoái. Con số này tăng hơn gấp đôi so với năm 2012, khi Campuchia lên tiếng chống lại những quyết định của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông trong một cuộc họp ở Phnom Penh.

Ông Derek Scissors, kinh tế trưởng của China Beige Book International có trụ sở tại Washington, chuyên gia về đầu tư nước ngoài bình luận: Hầu hết tiền của Trung Quốc đầu tư vào Campuchia, Lào, và Myanmar là cho vay theo hình thức ưu đãi xây dựng cho các công ty Trung Quốc, đặc biệt là tại Lào.

Theo ông Derek, ngành điện ở Lào về cơ bản là do Trung Quốc xây dựng. Trung Quốc đã đưa điện tới cho phần lớn người dân Lào và đang có kế hoạch xây dựng thêm một số nhà máy để tăng sản lượng điện. Trung Quốc cũng có những kế hoạch lớn ở Myanmar, chủ yếu là trong lĩnh vực năng lượng và khai mỏ.

Hàng dệt mặc, giày dép

Campuchia, Lào và Myanmar đang tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa của Trung Quốc. Trung Quốc trở thành đối tượng trung gian tiêu thụ các loại hàng hóa (như dệt may, giày dép) từ các nhà máy của chính các công ty Trung Quốc hoặc do Trung Quốc đầu tư. Theo số liệu của IMF, nhập khẩu của Trung Quốc từ ba quốc gia Đông Nam Á này đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua.

Việc phụ thuộc vào Trung Quốc không phải là không có rủi ro. Trung Quốc giữ vị trí là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Campuchia và chiếm giữ 43% khoản nợ trái phiếu của nước này, chủ yếu là các khoản vay của chính phủ Campuchia từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Tương tự như vậy, khoản đầu tư đường sắt của Trung Quốc tại Lào chiếm khoảng một nửa của GDP năm 2015 của nước ngày (10,5 tỷ USD).

Theo một báo cáo gần đây của IMF: “Sự phụ thuộc vào đối tượng sản xuất và xuất khẩu hẹp có nhiều nhược điểm. Phần lớn các nhà máy may mặc Campuchia tập trung vào quá trình cắt may, hoạt động nằm ở dưới cùng của chuỗi giá trị và cũng là phần đơn giản nhất trong quy trình sản xuất của ngành dệt may. Kết quả là, các doanh nghiệp tại Campuchia bị hạn chế về sức bật và sự tự chủ”.

Ngoài ra, một nguy cơ lớn khác đối với các nền kinh tế thị trường sơ khai này của ASEAN là các dòng đầu vào của Trung Quốc lại tạo ra các tầng lớp quyền lực, những nhóm lợi ích, theo bình luận của ông Song Seng Wun, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Tư nhân CIMB, Singapore.

Bích Ngọc (Theo Bloomberg)