Ký kết Hiệp định VIFTA: Ngành nào của Việt Nam hưởng lợi từ thị trường Israel?

Ngày 25/7, Bộ trưởng Công Thương  Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA).

Hiệp định VIFTA được khởi động đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế – thương mại.

Theo đánh giá của các chuyên gia, VIFTA có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh không chỉ sang Israel mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu.

PGS – TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, Israel là quốc gia có trình độ công nghệ rất phát triển bao gồm: công nghệ sản xuất, chế biến công nghiệp; công nghệ mới; trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ nông sản xuất nông nghiệp…Họ cũng là quốc gia đang cần rất nhiều các sản phẩm làm nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh cũng như lương thực phẩm, thực phẩm. Trong khi đó Việt Nam là nước sản xuất chính các sản phẩm nông nghiệp.

“Việc ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Trong đó, về phía Việt Nam, Hiệp định VIFTA hứa hẹn mang lại nhiều chuyển biến cho cả ngành sản xuất cũng như kinh doanh của Việt Nam”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.

Việt Nam và Israel ký kết Hiệp định thương mại tự do. (Ảnh: Bộ Công Thương)

Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định, Israel là thị trường không đông dân nhưng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng rất lớn, một năm vào khoảng 25 tỷ USD. Đây là tiềm năng rất lớn bởi nhiều mặt hàng Israel có nhu cầu thì Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, thủy hải sản…Ngoài ra, hai nước có thể hỗ trợ nhau vấn đề hàng hóa, đầu tư công nghệ cao, những lĩnh vực mà Israel rất có thế mạnh.

“Đặc biệt, tiềm năng xuất nhập khẩu của Việt Nam – Israel còn rất lớn. Hiện xuất nhập khẩu giữa hai nước chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD và ta đang nhập siêu. Cho nên FTA Việt Nam – Israel là cơ hội để gia tăng kim ngạch thương mại và cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên. Nếu đạt được mục tiêu, dự kiến 5 năm tới, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước có thể tăng lên và đạt từ 4-6 tỷ USD”, ông Phú lạc quan.

Còn chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, Israel và Việt Nam đã có quan hệ thương mại từ năm 1994. Qua quá trình đó mối quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển. Israel là một đất nước nhỏ nhưng lại có một nền kinh tế và hoạt động ngoại thương rất mạnh. Dân số Israel chỉ bằng 1/10 của nước ta, có nghĩa vào khoảng gần 10 triệu dân, nhưng thu nhập bình quân đầu người của họ lại rất cao, vào khoảng 55 nghìn USD/năm.

“Bên cạnh đó, hoạt động thương mại của Israel bình quân hàng năm khoảng trên 173 tỷ USD, trong đó nhập siêu là chủ yếu, riêng mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu khoảng 35 tỷ USD. Theo tình hình quan hệ thương mại từ hai chiều, điều này có lợi cho hoạt động kinh tế của Việt Nam. Cơ hội lớn cho Việt Nam không chỉ về hoạt động thương mại và cả hoạt động đầu tư. VIFTA là cơ hội rất lớn, mở ra “cánh cửa” cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt là nếu doanh nghiệp Việt biết tận dụng thế mạnh, tôi nghĩ là sẽ nâng tầm vị thế của Việt Nam trong hoạt động kinh tế quốc tế”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.

Cùng chung nhận định này, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, việc ký kết Hiệp định VIFTA thời điểm này có ý nghĩa lớn với doanh nghiệp thủy sản.

“Israel là thị trường có sức mua, khả năng thanh toán cao. Bên cạnh đó, Israel là nước không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động trong nước hạn chế, dù là nước nhỏ nhưng nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Bởi vậy, thị trường này còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể khai thác hiệu quả”, ông Hoè nói.

Ông Hoè cho biết, hàng năm, Israel thuộc trong top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu qua thị trường này gồm tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra…Trong đó, năm 2022 xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ, Canada và Nhật Bản); xuất khẩu mực đông lạnh sang thị trường này đạt 23,22 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,7% xuất khẩu mặt hàng này của cả nước và Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam; xuất khẩu tôm đông lạnh sang Israel đạt khoảng 21 triệu USD và Israel đứng thứ 20.

“Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam tại Israel hiện đã có chỗ đứng ổn định và được người tiêu dùng quốc gia này ưa chuộng, đánh giá cao. Chính vì thế theo lộ trình giảm thuế mà hiệp định này đưa ra sẽ tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản”, ông Hòe cho biết thêm.

Ông Trần Quốc Mạnh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn đánh giá cao thị trường Isarel, bởi đây là quốc gia có nhiều tương đồng với Việt Nam, trong đó điển hình là nước này vẫn còn mô hình của các hợp tác xã.

“Isarel là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến mà chúng ta có thể học hỏi nhiều. Riêng với ngành gỗ, mặc dù hiện tại lượng sản phẩm nội thất xuất khẩu qua Isarel chưa nhiều song với FTA VIFTA sẽ mở thêm cơ hội cho các doanh nghiệp gỗ trong tương lai gần để tiếp cận thị trường này”, ông Mạnh nói.

Trong khi đó, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký hiệp hội Rau quả Việt Nam lại rất kỳ vọng trong tương lai sẽ là thị trường top 10 của xuất khẩu rau quả, bởi Israel là thị trường mạnh về nông nghiệp và có đời sống cao.

“Hiện nay, với rau quả Israel vẫn là thị trường nhỏ, chưa có thống kê riêng. Song chúng tôi kỳ vọng, thị trường này có thể đạt top 15 , top 10 thị trường xuất khẩu rau quả trong thời gian tới”, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết.