Tham gia của phụ nữ trong đánh giá tác động môi trường còn hạn chế

ThienNhien.Net – Thực tế, việc tham gia của cộng đồng trong Đánh giá tác động môi trường của các dự án hiện nay chưa được thực hiện tốt, đến khi có sự cố xảy ra thì người dân mới biết thông tin, đơn cử như vụ việc công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải trái phép gây cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung vừa qua là một ví dụ.

Đó là thông tin từ bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tại Lễ giới thiệu Sổ tay hướng dẫn sự tham gia của phụ nữ trong Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ngày 24/2, tại Hà Nội.

Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là công cụ pháp lý và kỹ thuật quan trọng để xem xét, dự báo tác động môi trường của các dự án. Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã quy định tham vấn cộng đồng là bắt buộc trong quá trình thực hiện ĐTM. Tuy nhiên, việc thực hiện báo cáo ĐTM ở Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém và còn nặng tính hình thức. Cùng với đó, cho dù được nêu rõ trong Luật Bình đẳng giới thì sự tham gia của phụ nữ vẫn chưa được thực hiện đầy đủ trong ĐTM.

Ngư dân Quảng Bình cùng lực lượng biên phòng thu gom, chôn lấp cá chết dạt vào bờ khi xảy ra sự cố Formosa xả thải gây cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. Ảnh: Võ Dung/TTXVN

“Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn và thảo luận người dân, cục thẩm định ĐTM của Bộ TN&MT, cùng những người liên quan đến hoạt động của hai dự án: Thủy điện Trung Sơn (Thanh Hóa) và Bãi chôn lấp rác Hòa Phú (Buôn Ma Thuột). Đại diện CECR cho biết, trong các cuộc phỏng vấn với cộng đồng bị ảnh hưởng cho thấy phụ nữ có mối quan tâm rất cụ thể về vấn đề sinh kế và môi trường, trong khi đó, những người đàn ông lại có mối quan tâm khác như giao thông, bồi thường và nhà ở. Do đó, đa số lượng tham gia của nam giới trong cuộc họp về đất đai và bồi thường cao hơn phụ nữ, kết quả là các cuộc tham vấn mà nam giới chi phối này, vấn đề môi trường phần lớn bị bỏ qua.

Bà Nguyễn Ngọc Lý dẫn chứng, tại dự án bãi chôn lấp chất thải rắn tại xã Hòa Phú (Buôn Ma Thuột), cả người ảnh hưởng cũng như chính quyền địa phương đều không được thông báo đầy đủ về dự án. Các thông tin về dự án đã được đăng tại văn phòng UBND xã tuy nhiên phần lớn các thông tin đều về kế hoạch xây dựng dự án, quy chế khiếu nại. Đại diện UBND xã cho biết, UBND không được tham gia trong đánh giá tác động với vai trò dự kiến của họ là điều phối việc thu hồi đất và tái định cư. Việc thiếu thông tin về dự án dẫn đến sự đồng thuận vô thức hoặc thiếu thông tin phản hồi trong tham vấn. Phụ nữ tại khu vực này đang phàn nàn về bụi, ô nhiễm nước và mùi hôi thối phát thải từ bãi chôn lấp.

Tuy nhiên, bà Lý cũng cho biết thêm, tại một số dự án, việc lắng nghe ý kiến của phụ nữ trong thực hiện ĐTM dự án đã đem lại hiệu quả tốt. Tại dự án thủy điện Trung Sơn, sự tham gia tích cực của phụ nữ đã tạo nên kết quả đáng kể. Phụ nữ thông Tà Bán (xã Trung Sơn, Thanh Hóa) với kiến thức của mình về môi trường địa phương và sinh thái, thực vật, nguồn nước đã tham vấn coojgn đồng một cách có ý nghĩa và góp phần quan trọng để xác định các khu tái định cư phù hợp hơn những khu ban đầu do chủ dự án đề xuất. Điều này dẫn đến việc thay đổi vị trí khu tái định cư để đảm bảo đời sống tốt hơn cho bà con.

Rõ ràng, vai trò của phụ nữ trong thực hiện ĐTM đóng vai trò quan trọng nhưng đến nay vẫn chưa được chú ý. Nguyên nhân được cho là hạn chế về nhận thức và kỹ năng của chủ dự án, các nhà đầu tư và quan chức địa phương về tham vấn cộng đồng và tầm quan trọng của sự tham gia của phụ nữ. Đồng thời, việc tiếp cận thông tin, rào cản ngôn ngữ, định kiến về vị trí và kiến thức của phụ nữ… khiến phụ nữ chưa có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình.

Trước thực tế đó, CECR khuyến nghị, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành cần quy định đánh giá tác động xã hội và giới trong phạm vi của ĐTM và đánh giá môi trường chiến lược. Hiện nay, Luật chỉ mới tập trung vào việc đánh giá tác động dự án đến môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học mà bỏ qua tác động của biến đổi môi trường lên an sinh, văn hóa và sinh kế cộng đồng bị ảnh hưởng. Do đó, Luật cần quy định sự cần thiết xem xét đến các tác động về giới trong ĐTM.

Đồng thời, cần có hướng dẫn chi tiết hơn về quá trình ĐTM cần được xây dựng để đảm bảo phụ nữ và người dân tộc thiểu số có thể tiếp cận và hiểu đầy đủ thông tin của dự án và những tác động, giúp họ góp tiếng nói. Đặc biệt, cần nâng cao vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong ĐTM và tham vấn cộng đồng…

Sổ tay hướng dẫn sự tham gia của phụ nữ trong đánh giá tác động môi trường gồm 4 phần giúp người sử dụng có thể xác định các bên liên quan tùy hoàn cảnh cụ thể tại địa phương, từng dự án mà xây dựng kế hoạch ngay từ bước đầu tiên của ĐTM. Đồng thời mục tiêu tối thượng là sự tham gia của phụ nữ vào các bước ĐTM giúp họ phát huy tiềm năng và sự hiểu biết của mình, tạo ra các giá trị gia tăng chi ĐTM, giúp dự án đạt hiệu quả về kinh tế, dân sinh và môi trường.