Có công nghệ cao, chất thải… mất hút

ThienNhien.Net – Những năm gần đây, công tác thu gom chất thải tại khu vực nông thôn chưa thực sự được coi trọng, đặc biệt việc xử lý chất thải rắn đang là vấn đề rất bức xúc. Tuy nhiên, từ khi có mô hình ủ khô kỵ khí mọi chuyện đã khác.

Giải pháp “nuốt” rác thải nông thôn

Hiện tại, nhiều thôn, xã trong cả nước vẫn chưa có các đơn vị chuyên trách trong việc thu gom rác thải nông thôn. Theo báo cáo môi trường quốc gia 2014, có khoảng 60% số thôn hoặc xã tổ chức thu gom định kỳ, trên 40% thôn xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản. Tỷ lệ thu gom rác thải tại khu vực nông thôn chỉ đạt khoảng 40-55%. Do tỷ lệ thu gom chưa đáp ứng nhu cầu nên rác vẫn tràn ngập khắp nơi công cộng, ao hồ…

Đốt rác là khâu rất quan trọng trong quy trình xử lý chất thải rắn. Ảnh: H.C
Việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thu gom rác thải tại các địa phương vẫn chưa được chú trọng. Người dân vẫn còn giữ lối sinh hoạt cũ, tự phát, đổ rác bừa bãi, còn xem công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn nhà nước.

Đối với công tác xử lý chất thải nông thôn, nhiều địa phương chủ yếu xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đổ thải lộ thiên, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh môi trường. Một số địa phương khác sử dụng phương pháp ủ phân compost. Nhưng hai phương pháp này chưa thể áp dụng rộng rãi tại khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thu gom rác thải tại các địa phương vẫn chưa được chú trọng. Người dân vẫn còn giữ lối sinh hoạt cũ, tự phát, đổ rác bừa bãi, còn xem công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn nhà nước.

Từ năm 2014, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường (Tổng cục Môi trường) đã xây dựng xong và bàn giao mô hình xử lý rác thải nông thôn bằng công nghệ ủ khô kỵ khí dạng hầm ủ tại xã Hồi Ninh (huyện Kim Sơn, Ninh Bình). Công trình đã và đang vận hành ổn định, liên tục và mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế – xã hội và môi trường. Cụ thể, công trình đã xử lý tương đối triệt để lượng rác thải sinh hoạt, không gây ô nhiễm mùi, khí thải và nước rỉ rác. Các hạng mục xây dựng chính gồm: Nhà tiếp liệu, phân loại sơ bộ và ủ rác; nhà xử lý mùn, kho tổng hợp; nhà đốt rác; nhà điều hành; nhà để xe và các công trình phụ trợ khác.

Quy trình xử lý chất thải rắn

Lò đốt rác tại xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) hoạt động hiệu quả trong xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.  Ảnh: Thế Hùng

Quy trình công nghệ của mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt Hồi Ninh bao gồm các công đoạn chính sau: Phân loại sơ bộ, đốt rác, chôn lấp hợp vệ sinh và xử lý ủ, sản xuất mùn hữu cơ:

Phân loại tại nguồn: Rác được phân loại ngay tại các gia đình trong xã, được phân làm 2 loại: Rác vô cơ/rác trơ, bao gồm: Mảnh sành sứ vỡ, bát vỡ, ấm chén vỡ, mảnh kính vỡ, cốc chén, chai lọ vỡ… Rác các loại khác, bao gồm rác có thể đốt (nylon, giẻ lau, gỗ, cành cây, giày dép hỏng…). Loại thứ 2 là rác giàu hữu cơ (rác thải nhà bếp, rác quét sân vườn). Loại rác trơ trên được đựng vào túi riêng trước khi chuyển ra xe thu gom vận chuyển ra công trình xử lý.

Tập kết rác: Rác vận chuyển từ trong khu dân cư ra công trình xử lý được tập kết 2 lần/tuần (thứ 5 và Chủ nhật) tại khu nhà phân loại và ủ rác. Rác được lưu giữ tại đây một tuần trước khi tiến hành xử lý theo quy trình. Hàng ngày rác được phun chế phẩm để khử mùi và chống ruồi muỗi.

Xử lý sơ bộ: Rác trước khi tiến hành ủ sẽ được xử lý sơ bộ tại công đoạn này. Phần rác nhiều hữu cơ này được phối trộn đều với chế phẩm sinh học theo tỷ lệ hướng dẫn của dự án.

Tiến hành ủ tại hầm ủ: Hợp phần xử lý ủ rác sản xuất mùn hữu cơ nói chung và công đoạn ủ rác nói riêng là thật sự cần thiết. Thành phần rác được thực hiện ủ theo quy trình rác giàu hữu cơ (chiếm tỷ lệ gần 50%) do đã được tuyển chọn qua 2 bước phân loại sơ bộ và phân loại tại nguồn. Tính chất của rác ủ này thường có độ ẩm khá cao (40-50%) nên nếu đốt trực tiếp loại rác này trên lò đốt rác công suất nhỏ và vừa sẽ gặp khó khăn, thông thường để đốt được phải phơi giảm ẩm hoặc sấy trước khi đốt. Mặt khác nếu đốt cả loại rác giàu hữu cơ này sẽ gây lãng phí một phần tài nguyên là lượng mùn hữu cơ (hoặc phân hữu cơ) rất tốt cho canh tác.

Quá trình phân hủy kỵ khí diễn ra rất phức tạp liên hệ đến hàng trăm phản ứng và các loại sản phẩm trung gian. Tuy nhiên trong xử lý rác hữu cơ, quá trình ủ này được coi là quá trình ổn định sinh hóa các chất hữu cơ để thành các chất mùn, với thao tác sản xuất và có kiểm soát một cách khoa học, tạo môi trường tối ưu (nhiệt độ: 40-55 độ C; độ ẩm: 50-52%), quá trình ủ cũng tự tạo ra nhiệt riêng nhờ sự oxy hóa các chất thối rữa. Các chủng vi sinh sử dụng là vi khuẩn lactobacillus và saccaromyces, nhằm mục đích phân giải các hợp chất hữu cơ, qua đó rút ngắn thời gian ủ xuống còn khoảng 30 ngày.

Tổ hợp công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt đã được vận hành thành công với cả 3 hợp phần xử lý: Chế biến mùn hữu cơ, đốt rác và chôn lấp rác vô cơ, sản phẩm mùn hữu cơ được sản xuất với chất lượng tốt. Kết quả thực hiện dự án đã đưa ra được công nghệ xử lý rác nông thôn tương đối phù hợp với điều kiện Việt Nam, có thể nhân rộng mô hình trên các địa phương trên toàn quốc.