Đánh giá rủi ro môi trường

ThienNhien.Net – Rủi ro môi trường là các mối đe dọa thực tế hoặc tiềm ẩn tác động lên các sinh vật sống và môi trường thông qua nguồn nước thải, khí thải, chất thải, hoặc gây suy giảm tài nguyên v.v… do hoạt động của một đơn vị (Crawford & Company, 2016). Rủi ro môi trường luôn hiện hữu cùng với sự phát triển kinh tế xã hội và luôn không chắc chắn. Để có một cách nhìn khách quan về các sự cố môi trường, từ đó có các biện pháp ứng phó phù hợp, cần phải hiểu rõ bản chất của các rủi ro môi trường và các phương pháp đánh giá rủi ro, cũng như đưa ra một mô hình đánh giá phù hợp.

Các rủi ro môi trường và mô hình đánh giá

Ở các nước phát triển, yêu cầu đánh giá rủi ro đã được thực hiện bài bản theo các phương pháp nhất quán có lồng ghép với các giải pháp quản lý để hạn chế sự cố và ứng phó kịp thời khi sự cố xảy ra. Các phương pháp luận chung đánh giá rủi ro môi trường (ADB, 1997), tại Canada năm 2000 (Ministry of Environment, 2000), tại Anh năm 2011 (Crandfield University, 2011), tại Úc năm 2011 (National Environment Protection Council, 2011) hầu như không có sự khác biệt về phương pháp luận chung dù theo thời gian có sự khác nhau về tính ưu tiên trong đánh giá. Theo đó, sự truyền đạt thông tin được coi là thành phần cơ bản của quá trình ra quyết định; sự phát triển về hiểu biết và thông tin khoa học sẽ trợ giúp cho đánh giá rủi ro và tính xác đáng của đánh giá rủi ro sẽ được cải thiện qua các trường hợp nghiên cứu điển hình.

Đánh giá rủi ro được thực hiện thông qua việc phân tích các hậu quả và khả năng xảy ra của một nguy cơ. Cơ sở đánh giá rủi ro về nguyên tắc được thể hiện trên hình 1 (Crandfield University, 2011). Theo đó, vùng rủi ro thấp được coi là chấp nhận được và chỉ cần yêu cầu quan trắc. Ngược lại, các vùng rủi ro cao được coi là không thể chấp nhận được và phải quản lý rủi ro nghiêm ngặt. Các vùng rủi ro trung bình cần được đánh giá rủi ro để hiểu kỹ hơn những khía cạnh tạo điều kiện nhiều nhất cho rủi ro (Crandfield University, 2011). Hình 2 mô tả các thành phần chính của giai đoạn nhận dạng chính xác vấn đề (Crandfield University, 2011).

Hình 1. Cơ sở đánh giá rủi ro (phỏng theo Crandfield University, 2011)
Hình 2. Các thành phần của giai đoạn xác định chính xác vấn đề (phỏng theo Crandfield University, 2011)

Giai đoạn xác định chính xác vấn đề sẽ cho thấy có cần thiết thực hiện đánh giá rủi ro chi tiết hay không và nếu cần thiết sẽ được thực hiện theo hướng nào. Ví dụ về phát triển một mô hình nhận thức Nguồn – Con đường tác động – Nơi tiếp nhận (S-P-R) thể hiện quan hệ nhân quả. Nguồn gốc gây rủi ro (ví dụ phát thải chất ô nhiễm) và các mối quan hệ nhân quả với con đường tác động và nơi tiếp nhận cần phải được nhận dạng rõ ràng để tiếp tục đánh giá rủi ro. Các nghiên cứu phát triển mô hình nhận thức đã đề xuất phương pháp xây dựng các kịch bản đánh giá các nhân tố chính kiểm soát nguy hiểm và đề xuất các chiến lược và chính sách quản lý trong tương lai.

Các giai đoạn cơ bản đánh giá rủi ro môi trường được tóm tắt trên hình 3 (Crandfield University, 2011). Quản lý rủi ro được thực hiện trên cơ sở đặc tính hóa tương đối chính xác rủi ro và phân tích tính không chắc chắn. Phần quản lý này bao gồm cả định giá các biện pháp quản lý rủi ro, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.

Hình 3. Các giai đoạn cơ bản đánh giá rủi ro môi trường – Mỗi giai đoạn đều có tính không chắc chắn (phỏng theo Crandfield University, 2011)

Việc đưa ra các biện pháp quản lý rủi ro chỉ thực sự hiệu quả khi các giai đoạn đánh giá được thực hiện đầy đủ, chi tiết với các phương pháp đánh giá có độ tin cậy cao. Mô hình cây sự kiện, cây sự cố (ADB, 1997) mô tả phương pháp luận đánh giá xác suất xảy ra sự cố. Tuy nhiên, để phương pháp chính xác, các xác suất thành phần cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng và đánh giá các hiệu ứng tích lũy của nhiều nguồn. Các thông số của mô hình đánh giá này phải được hiệu chỉnh và kiểm chứng qua các sự kiện đã xảy ra trong thực tế.

Việc một số mô hình đánh giá xác suất xảy ra được phát triển cho các trường hợp điển hình và được chấp nhận tại một số quốc gia đã làm cho đánh giá rủi ro môi trường được tiếp cận một cách bài bản và hệ thống.

Sau đánh giá, dựa trên cơ sở các nhân tố kỹ thuật, kinh tế, an toàn môi trường, các vấn đề xã hội và các khả năng tổ chức, các chiến lược quản lý rủi ro được lựa chọn theo một trong 5 hướng sau (Crandfield University, 2011): 1. Kết thúc: loại bỏ nguồn ô nhiễm; 2. Giảm thiểu: phòng ngừa, hiệu chỉnh và hướng dẫn; 3. Chuyển nhượng thông qua bảo hiểm, hợp đồng chuyển nhượng và hỗn hợp; 4. Khai thác: thăm dò các cơ hội trong tiếp cận rủi ro; 5. Chấp nhận rủi ro.

Các trường hợp ở Việt Nam và hướng áp dụng mô hình đánh giá rủi ro

Tại Việt Nam, công việc đánh giá rủi ro môi trường chưa thực sự được quan tâm đúng mức và chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu tiếp cận theo các mô hình đánh giá rủi ro của các nước phát triển. Tuy nhiên, trong hầu hết các nghiên cứu, các đánh giá định lượng thường chỉ dựa trên đánh giá bằng cảm nhận của chuyên gia nên khó có thể chính xác, đặc biệt trong các trường hợp khi nguyên nhân chính của rủi ro là sự cố của hệ thống công nghệ sản xuất làm các nguồn phát thải chất ô nhiễm tăng đột biến. Trong khi đó, việc dự báo định lượng chính xác các rủi ro lớn tiềm ẩn là cần thiết để có ngay các biện pháp phòng ngừa hợp lý và khi sự cố xảy ra sẽ có ngay các biện pháp ứng phó để giảm thiểu các thiệt hại.

Chính vì vậy, bài viết này đề xuất hướng áp dụng mô hình đánh giá rủi ro sinh thái theo những nét chính của hướng dẫn đánh giá rủi ro sinh thái được áp dụng tại Úc năm 2011 (National Environment Protection Council, 2011). Quy trình tóm tắt đánh giá rủi ro sinh thái được thể hiện trên hình 4 với đánh giá rủi ro sơ bộ và đánh giá rủi ro chính thức. Những thành phần chính của đánh giá rủi ro sinh thái gồm: 1. Nhận dạng vấn đề: thiết lập các mục tiêu và các dữ liệu cần thiết; 2. Nhận dạng bộ thu nhận: tìm ra loài nào có thể bị nguy hiểm, loài nào cần bảo vệ và mức rủi ro chấp nhận được; 3. Đánh giá phơi nhiễm: chỉ ra con đường phơi nhiễm, tính toán thời gian, liều lượng; 4. Đánh giá độc tính: ước tính ngưỡng giới hạn độc tính; 5. Đặc tính hóa rủi ro: tìm được xác suất xảy ra và mức độ thiệt hại khi sự cố xảy ra.

Hình 4. Quy trình tóm tắt đánh giá rủi ro sinh thái (phỏng theo National Environment Protection Council)

Dựa trên kết quả đặc tính hóa rủi ro, một trong ba quyết định quản lý rủi ro được thực hiện như được trình bày trên hình 4. Trong trường hợp đánh giá rủi ro chính thức, bắt buộc phải sử dụng nhiều dữ liệu thực với việc sử dụng các mô hình được tinh luyện và hiệu chỉnh các thông số để đánh giá chi tiết, chính xác phơi nhiễm nhằm đặc tính hóa rủi ro. Một báo cáo chi tiết phân tích các vấn đề và tính không chắc chắn cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để người ra quyết định cân nhắc theo ba hướng đã nêu.

Ảnh minh họa: PanNature

Sức chịu tải môi trường trong đánh giá rủi ro

Khái niệm sức chịu tải môi trường (environmental carrying capacity) là khái niệm phải được chấp nhận đúng và hiểu rõ trước khi thực hiện các đánh giá, tính toán phục vụ quy hoạch và quản lý môi trường. Theo Luật BVMT 2014, ”Sức chịu tải của môi trường là giới hạn chịu đựng của môi trường đối với các tác nhân tác động để môi trường có thể tự phục hồi”. Dù chấp nhận định nghĩa này, vẫn cần thiết phải làm rõ hai vấn đề để có thể đưa khái niệm sức chịu tải môi trường áp dụng trong quy hoạch và quản lý môi trường.

Trước tiên, cần xác định đúng được “trạng thái giới hạn” mà môi trường có thể tự phục hồi cho một khu vực. Sau đó, cần đánh giá đúng thải lượng lớn nhất các chất ô nhiễm chính đưa vào khu vực để không làm vượt quá trạng thái giới hạn được xác định. Như vậy, để có thể đánh giá sức chịu tải môi trường tại một khu vực với một mục đích nhất định (ví dụ với môi trường nước để bảo tồn động thực vật thủy sinh), cần xác định đúng các chất cần quan tâm và các giới hạn: nồng độ lớn nhất của các chất ô nhiễm này tại khu vực và lượng thải tối đa của từng chất ô nhiễm đưa vào khu vực.

Tại Việt Nam, cả hai vấn đề này chưa được thực sự quan tâm đúng mức về khía cạnh pháp lý. Ví dụ, QCVN 08-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước mặt và QCVN 10-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước biển có phần áp dụng để bảo vệ động thực vật thủy sinh nhưng không có nồng độ cho phép đối với clo dư và tổng sunfit. Trong khi đó, một nghiên cứu về ảnh hưởng của clo dư đối với cá chỉ ra nồng độ gây độc cấp tính (LC50-96 h) của clo đối với cá rô phi là 0,7 mg Cl/l (Trần Cẩm Tú, Trương Quốc Phú và Đỗ Thanh Hương, 2011). Mặt khác, QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp không có tiêu chuẩn thải cho sunfit. Như vậy, những ngành công nghiệp có tiềm năng thải ra một lượng lớn sunfit sẽ không bị kiểm soát cả về lượng thải và chất lượng nguồn tiếp nhận (nước mặt hoặc nước biển). Ngoài ra, công việc đánh giá cụ thể lượng thải tối đa đưa vào khu vực đòi hỏi phải đủ dữ liệu chính xác và công cụ mô hình hóa tiên tiến nhưng việc áp dụng các mô hình này vẫn dừng ở mức độ nghiên cứu.

Việc đánh giá được sức chịu tải môi trường là điều kiện cần thiết để có thể đánh giá rủi ro sinh thái. Một hoạt động cụ thể nào đó chỉ có thể gây ra rủi ro sinh thái khi hoạt động đó làm cho nồng độ chất ô nhiễm cần quan tâm tại khu vực vượt ngưỡng cho phép (tương ứng với lượng thải vượt ngưỡng tối đa cho phép). Tuy nhiên, tại một khu vực thường có nhiều nguồn thải đồng thời nên cơ quan quản lý môi trường phải xác định được các chất ô nhiễm chính cần quan tâm và tính được chính xác thải lượng tối đa cho phép của các chất ô nhiễm này. Việc dự báo được lượng thải tiềm năng của một chất ô nhiễm khi xảy ra sự cố của một số cơ sở sản xuất là cơ sở để đánh giá rủi ro môi trường tại khu vực. Khi lượng thải các chất ô nhiễm này lớn hơn lượng thải tối đa cho phép, cần phải đánh giá rủi ro môi trường. Công việc đánh giá này liên hệ rất chặt chẽ với lượng thải và tần suất xảy ra sự cố của các cơ sở sản xuất trong khu vực cần quan tâm.

Khuyến nghị trong quản lý rủi ro môi trường ở Việt Nam

Đánh giá rủi ro môi trường cần được tiếp cận một cách hệ thống theo phương pháp của các nước tiên tiến trên thế giới và đưa ra được hướng dẫn đánh giá rủi ro ở tầm cỡ quốc gia. Sơ đồ quy trình đánh giá rủi ro sinh thái của Úc (National Environment Protection Council, 1999&2011) như đã trình bày có thể được áp dụng trong đó chú ý một số điểm chính sau đây:

Trong từng khu vực, trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội, cần rà soát lại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhận dạng đúng được các rủi ro phát sinh và cần kiểm soát được các nguồn thải tiềm năng gây ra sự cố môi trường.

Cần có đánh giá và đánh giá đúng sức chịu tải môi trường của các khu vực có tiềm năng ô nhiễm lớn.

Từng bước đưa ra các yêu cầu cải thiện chất lượng các mô hình đánh giá định lượng để đặc tính hóa chính xác rủi ro.

Cải thiện quá trình ra quyết định trên cơ sở truyền đạt thông tin, hiểu biết khoa học và cải thiện tính xác đáng của đánh giá rủi ro.

Trong thời gian tới, việc quản lý quy hoạch phát triển kinh tế xã hội cần hướng tới giảm thiểu các rủi ro gây thiệt hại môi trường trên cơ sở cải thiện chất lượng đánh giá rủi ro môi trường.

Trịnh Thành – Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội


Tài liệu tham khảo:

  1. ADB (1997). Environmental Impact Assessment for Developing Countries in Asia, Volume 1 – Overview, ADB 1997.
  2. Bộ TN&MT. QCVN 40:2011/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Nước thải công nghiệp; QCVN 08-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng nước mặt; QCVN 10-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng nước biển.
  3. Crandfield University (2011). Guidelines for Environmental Risk Assessment and Management, Green Leaves III.
  4. Crawford & Company (2016). Environmental Risk: Defined. Nguồn: http://bit.ly/btcs00471
  5. Luật BVMT 2014 số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014.
  6. Ministry of Environment, Lands and Parks (2000). Environmental Risk Assessment (ERA): An Approach for Assessing and Reporting Environmental Condition, Habitat Branch Technical Bulletin 1.
  7. National Environment Protection Council, Guideline on Ecological Risk Assessment, Measure version 2011 and version 1999 (Australia).
  8. Trần Cẩm Tú, Trương Quốc Phú và Đỗ Thanh Hương (2011). Ảnh hưởng của clorine đến sự hình thành hợp chất chloramine và methemoglobine trong máu cá rô phi (Orochromis Niloticus). Tạp chí khoa học 2011:18b, trang 1-9, Trường Đại học Cần Thơ.