Hy vọng mong manh về loài chuồn chuồn cực kỳ quý hiếm

ThienNhien.Net – Sự biến đổi của hệ sinh thái và môi trường sống tự nhiên thường gây nên những hậu quả to lớn, mà một trong số đó là sự suy giảm và biến mất của một số loài sinh vật đang sống tại khu vực đó. Loài chuồn chuồn cánh màu Echo maxima Martin, 1904 cũng không nằm ngoại lệ. Tuy nhiên, việc phát hiện và ghi nhận một số loài được mô tả cùng thời điểm với Echo maxima đang thắp lên niềm hy vọng mong manh về sự tồn tại của chúng trên hành tinh ngày càng chật hẹp.

Loài Echo maxima thuộc họ Chuồn chuồn kim cánh màu (Calopterygidae). Chúng được mô tả và công bố vào năm 1904 bởi nhà Côn trùng học người Pháp, René Martin trên mẫu vật được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris, Pháp.

Tuy nhiên, trước đó, loài này được thu thập bởi nhà Côn trùng học người Đức Hans Frushstorfer, và địa danh nơi ông thu thập được ghi chú là “Than-Moi, Tonkin”, nay là xã Than Muội, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Điều làm nên giá trị của loài Echo maxima ở chỗ đây là một trong những loài chuồn chuồn cánh màu có kích thước lớn nhất trên thế giới với chiều dài sải cánh xấp xỉ 120 mm và chiều dài cơ thể ước chừng lên tới gần 100 mm.

Mẫu vật con cái của loài Echo maxima Martin, 1904 (Ảnh chụp tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris, Pháp năm 2007 bởi TS. Matti Hämäläinen)

Hơn thế nữa, loài này hiện mới chỉ được thu thập và mô tả trên một mẫu con cái duy nhất mà không hề có thêm bất kỳ một thông tin nào về hình dạng con đực, tập tính, sinh thái học cũng như sự phân bố của chúng ngoài tự nhiên.

Với đặc tính nổi bật nêu trên, loài Echo maxima đã được Danh lục đỏ Các loài nguy cấp của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào diện Cực kỳ nguy cấp (Critically Endangered) và có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên cao.

Rất nhiều nhà nghiên cứu côn trùng trên thế giới đã nỗ lực tìm kiếm Echo maxima ở các vùng núi đá vôi thuộc miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là ở các khu vực xung quanh xã Than Muội, tuy nhiên nghi vấn về sự tồn tại của loài này ngoài tự nhiên cho đến nay vẫn còn là một ẩn số.

Theo phỏng đoán, vào thời điểm nhà sưu tập Hans Frushstorfer thu được loài này (trước năm 1904) thì toàn bộ khu vực huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng có lẽ vẫn được bao phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh trên vùng núi đá vôi thấp đặc trưng của khu vực này. Tuy nhiên, trải qua khoảng thời gian biến động kéo dài hơn một thế kỷ, hầu như các khu rừng ở xung quanh xã Than Muội đã không còn hoặc suy giảm mạnh, thay vào đó là làng mạc, khu dân cư, nhà máy…

Tia hy vọng chợt le lói xuất hiện khi tại các khu vực lân cận có kiểu hệ sinh thái tương tự như Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn hoặc xa hơn như Vườn quốc gia Xuân Sơn, Phú Thọ, Vườn quốc gia Ba Bể, Bắc Kạn…, các nhà côn trùng học đã phát hiện và ghi nhận lại một số loài chuồn chuồn được mô tả cùng thời điểm với loài Echo maxima như loài Burmagomphus tonkinensis, Onychothemis tonkinensis, Davidius fruhstorferi, Disphaea basitincta…, qua đó phỏng đoán rằng loài này có thể vẫn còn tồn tại đâu đó ngoài tự nhiên.

Theo các chuyên gia nghiên cứu, điều quan trọng hiện nay cần phải thực hiện gấp là tiến hành nhiều hơn nữa các cuộc điều tra, nghiên cứu quy mô nhằm làm sáng tỏ tình trạng của Echo maxima, một trong những loài chuồn chuồn cánh màu quý hiếm nhất trên thế giới hiện nay.