Buông lỏng quản lý rừng đèo Tô Na bị xẻ thịt, ai chịu trách nhiệm?

ThienNhien.Net – Để sấy thuốc lá, đa số người dân hai huyện Krông Pa và Ayun Pa (Gia Lai) lên khu vực rừng đèo Tô Na (vùng giáp ranh giữa hai huyện này) chặt cây lấy gỗ. Những cánh rừng nơi đây đang bị đe dọa nghiêm trọng khi mỗi ngày hàng chục cây gỗ đủ các loại bị đốn hạ.

Vào thời điểm này, những cánh đồng thuốc lá tại khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai, trong đó chủ yếu là ở 2 huyện Krông Pa và Ayun Pa đang vào thời kỳ thu hoạch. Vùng này người dân thường xây dựng lò sấy bên cạnh các cánh đồng thuốc lá. Với số lượng hàng ngàn tấn thuốc lá mỗi vụ thì nhu cầu chất đốt để sấy là rất lớn.

Những cây gỗ đủ các loại có đường kính từ 20-30cm bị đốn hạ

Các chất đốt thường được chủ lò sấy sử dụng là than, trấu, củi điều và củi tự nhiên. Trong đó than có giá thành cao nên rất ít được sử dụng. Trấu chỉ được dùng trong giai đoạn cuối khi yêu cầu lượng nhiệt nhỏ để đủ vàng lá thuốc. Củi điều thì có giá thành rẻ hơn nhưng cũng có giới hạn.

Do đó, gỗ rừng vẫn là chất đốt được người sấy thuốc lá ưa chuộng sử dụng nhất. Cứ như thế, vào mùa vụ thuốc lá, người dân bản địa lại đua nhau lên rừng chặt gỗ về để bán cho các chủ lò sấy.

Vì rừng khu vực đèo Tô Na nằm ở vị trí thuận lơi, gần tuyến đường giao thông trên quốc lộ 25, lại vẫn còn nguồn gỗ dồi dào nên nơi đây là khu vực lý tưởng để người dân địa phương đến chặt phá.

Theo ghi nhận của PV, mỗi ngày có gần chục chiếc xe máy độ chế của bà con đồng bào dân tộc thiểu số sống xung quanh mang theo cưa xẻ vào rừng. Tình trạng này diễn ra thường xuyên đến mức tại đây đã hình thành một con đường mòn dẫn vào rất sâu để lấy gỗ.  Men theo đường mòn này, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều điểm tập kết gỗ. Tuy nhiên, gỗ chặt thường được vận chuyển về trong ngày nên những bãi tập kết này còn lại đa phần là vỏ cây và các cành nhỏ. Một số bãi gỗ khác chưa kịp vận chuyển thì sót lại vài khúc gỗ đường kính từ 20- 30cm như gỗ dầu, bằng lăng, cà chít, căm xe…

Để thuận lợi cho việc vận chuyển bằng xe máy, các cây gỗ sau khi bị khai thác sẽ được cưa thành từng khúc dài từ 1,5-2m. Theo người dân đi lấy gỗ thì mỗi ngày họ có thể chở được 2-3 xe để về bán lại cho các chủ lò sấy thuốc lá với giá 200.000/xe.

Gỗ sau khi khai thác được cưa thành từng khúc ngắn để vận chuyển bằng xe máy

Qua thống kê của các Hạt Kiểm lâm Ayun Pa và Krông Pa, tại mỗi xã đều có trên 100 lò sấy thuốc lá vẫn hoạt động theo mùa vụ. Mỗi lò đều sấy khoảng trên 10 tấn thuốc lá. Như vậy, số lượng gỗ làm chất đốt không hề nhỏ. Không kịp thời có biện pháp ngăn chặn thì trong một ngày không xa, những cánh rừng nơi đây sẽ không còn nữa.

Ông Tống Hoài Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ayun Pa cho biết: “Chúng tôi cũng cử lực lượng chức năng đi kiểm tra nhưng các đối tượng đi chặt gỗ có người báo tin nên không bắt và xử lý được. Bên cạnh đó, các lò sấy hầu hết đều sử dụng củi điều chất thành từng đống bên lò để nghi binh.

Họ để củi điều đó thôi nhưng không dùng tới. Củi tự nhiên thì họ thông đồng với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số giấu dưới sàn hoặc cất ở nơi kín đáo, khi không có lực lượng chức năng thì tranh thủ bốc củi bỏ vào trong lò đốt nên rất khó khi kiểm tra”.