Doanh nghiệp chưa quan tâm, tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường: Phạt nghiêm để thay đổi nhận thức

ThienNhien.Net – Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự quan tâm tới bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất; thậm chí còn vi phạm quy định về xả thải ra môi trường. Để doanh nghiệp thay đổi nhận thức, coi việc bảo vệ môi trường là chiến lược trọng tâm, các chuyên gia đề nghị tăng chế tài xử phạt, rà soát “lỗ hổng” trong các văn bản luật, đồng thời có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi, đầu tư vào lĩnh vực thân thiện với môi trường và bền vững hơn…

Nước thải từ cụm CN Hoàng Gia, huyện Đức Hòa, Long An. (Ảnh: PanNature)

30% doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho thấy, hiện đa số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp cả nước) vẫn chưa gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường. Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết, có tới 50% doanh nghiệp mắc lỗi thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp này chưa quan tâm đến việc chấp hành hay thực thi pháp luật bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, gần 30% doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn cho phép. Trong số này, có những doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, xử lý môi trường không bảo đảm, có doanh nghiệp chấp hành chưa nghiêm quy định, cố tình xả thải trộm ra môi trường…

Theo Viện trưởng Viện Khoa học môi trường Phạm Văn Lợi, các quy định pháp luật hiện nay yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ môi trường, như phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, xây dựng kế hoạch, cam kết bảo vệ môi trường, cùng với đó là trách nhiệm trong quản lý chất thải phát sinh, phòng ngừa, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường…

Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật về môi trường của một số doanh nghiệp trên thực tế chưa cao. Nguyên nhân là các doanh nghiệp vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận nên cũng cắt bỏ tối đa chi phí, kể cả chi phí liên quan đến bảo vệ môi trường. Trong khi dù có hàng trăm văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường ở nhiều cấp khác nhau, song hệ thống này vẫn còn “lỗ hổng”, để doanh nghiệp lợi dụng cố tình lách luật, không thực hiện đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Tăng xử phạt

Rõ ràng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp chưa ý thức bảo vệ môi trường, lách luật, vi phạm quy định về môi trường thì việc rà soát lỗ hổng trong các văn bản luật, tăng chế tài xử phạt là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, cùng với đó cần có thêm chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi từ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm sang lĩnh vực thân thiện với môi trường và bền vững hơn.

Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việc hoàn tất đàm phán, ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức, rủi ro không nhỏ, nhất là khi hàng hóa Việt không đáp ứng các tiêu chuẩn chung về môi trường. Hiện tại, pháp luật Việt Nam đã có nhiều ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để bảo vệ môi trường về vốn, thuế, phí, cơ sở hạ tầng và đất đai cũng như quyền được vay vốn Quỹ Bảo vệ môi trường. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải nắm bắt cơ hội để đầu tư và phát triển bền vững.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”. Theo đó, sản xuất xanh là yêu cầu tất yếu. Những doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường sẽ được khuyến khích, ưu tiên. Để phát triển bền vững, thời gian tới, Bộ TN-MT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đa dạng sinh học, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật về môi trường…