Cần thay đổi triệt để thói quen ăn động vật hoang dã

“Thông qua dịch Covid-19 , chúng ta thấy rằng cẩn phải thay đổi thói quen triệt để như: dùng đũa để gắp thức ăn chung, dùng thớt chung cho thức ăn sạch và đồ sống, dùng chậu rửa mặt chung, ăn các loại động vật hoang dã và không rõ nguồn gốc…”, đây là những khuyến cáo được GS, TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia nhấn mạnh tại tọa đàm “Tăng sức đề kháng phòng, chống dịch Covid-19” do Báo Nhân Dân điện tử tổ chức.

GS, TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia.

Theo GS, TS Lê Danh Tuyên, hệ miễn dịch được chia thành miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch chủ động. Miễn dịch bẩm sinh tuy là nói không đặc hiệu và cơ chế hình thành không giống như cách các vaccine tạo ra hệ thống miễn dịch chủ động, nhưng cũng là hàng rào bảo vệ đầu tiên để tránh virus xâm nhập vào trong cơ thể.

GS Tuyên phân tích, hệ miễn dịch bẩm sinh cũng như hệ miễn dịch chủ động đều hình thành qua các tế bào lympho T, lympho B và đều cần có các nguyên liệu để nó phát triển. Mỗi người sinh ra nặng trung bình khoảng ba kg và nặng trung bình khoảng 52-53 kg khi lớn lên. Trọng lượng 50 kg tăng lên là do thức ăn, vitamin, chất khoáng, các protein được thu nạp trong quá trình trưởng thành. Cùng với quá trình lớn lên, hệ miễn dịch của con người cũng ngày càng hoàn chỉnh thông qua hấp thu các chất dinh dưỡng, qua tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh và tạo ra kháng thể. Ngoài ra, chúng ta cũng tiêm vaccine để tạo ra các miễn dịch chủ động của cơ thể. Như vậy, chế độ dinh dưỡng, ăn uống hợp lý là hết sức quan trọng.

Do đó, để tạo ra sức đề kháng thật tốt cho cơ thể, phải có dinh dưỡng hợp lý để có miễn dịch tốt. Chúng ta phải ăn uống đầy đủ chất theo như tháp dinh dưỡng, cố gắng dùng các thực phẩm được tăng cường các vi chất như Chính phủ đã quy định. Bên cạnh đó, phải bảo đảm đầy đủ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng phải uống nước đúng cách, mỗi ngày phải đủ từ 2,5-3 lít/người, chứ không nên chờ khi cổ họng khô khát mới uống.

GS Tuyên cũng nhấn mạnh, với các đối tượng đặc biệt, càng cần phải chú ý chế độ dinh dưỡng. Ở trong các bệnh viện, đối với từng loại bệnh khác nhau sẽ xây dựng thực đơn cho từng người, từng bệnh nhân. Còn ở gia đình, mọi người cần chú ý ăn uống đa dạng. “Chúng ta phải thực hiện các quy định về vệ sinh nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh. Tất cả thực phẩm mua về cố gắng biết rõ nguồn gốc càng tốt. Khi đi mua ngoài chợ, hạn chế tối đa thực phẩm không rõ nguồn gốc và không sử dụng động vật hoang dã”, GS Tuyên nói.

GS, TS Lê Danh Tuyên cũng khuyến cáo các bà nội trợ để tránh bị lây nhiễm chéo. Bình thường, đi chợ về chúng ta hay có thói quen để luôn túi nylon đồ sống vào tủ lạnh, virus có thể lây nhiễm từ tay người bán hàng, từ nhiều nguồn khác. Do vậy, trong cuộc sống hằng ngày và đặc biệt trong đợt dịch Covid-19, khi đi chợ về, người dân phải thay bằng túi nylon riêng, chuyên dùng để đựng thực phẩm trong tủ lạnh.

Bên cạnh đó, cũng không nên để thức ăn trong tủ lạnh quá lâu. Mọi người cũng cố gắng sử dụng găng tay khi mua đồ sống ngoài chợ, sau đó về nhà rửa sạch và gói cẩn thận. Trong chế biến, cần chú ý ăn uống nấu chín, uống nước bình đã được lọc sạch hoặc đun sôi.