Vì sao voi ở Đắk Lắk ngày càng hung hãn?

ThienNhien.Net – Ngày 22-12, tại huyện Ea Súp, Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị triển khai chính sách bảo tồn voi và Hội thảo các giải pháp giảm thiểu xung đột giữa voi với người. Bởi những năm gần đây, do môi trường sinh sống tự nhiên và thức ăn của voi rừng ngày càng bị thu hẹp, đồng thời voi rừng bị săn bắn gia tăng khiến voi trở nên hung hãn, làm gia tăng xung đột giữa voi và người.

Đàn voi ở Đắk Lắk ngày càng giảm sút nghiêm trọng nên công tác bảo tồn voi đang là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk triển khai Nghị quyết về quy định một số chính sách bảo tồn voi của HĐND tỉnh; quyết định về trình tự, thủ tục thực hiện các chính sách về bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh… Cùng với đó, các đại biểu đã được Trung tâm Bảo tồn voi báo cáo tình hình xung đột giữa voi và người trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Cụ thể, theo điều tra giám sát voi hoang dã của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng năm đàn voi rừng với số lượng từ 60 đến 70 cá thể, trong đó khu vực Ea Súp có một đàn voi khoảng 30 đến 34 cá thể, huyện Buôn Đôn có khoảng bốn đàn với số lượng từ 30 đến 36 cá thể. Theo đánh giá của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, hiện số lượng đàn voi ở Đắk Lắk đang bị suy giảm nghiêm trọng, tính bền vững của đàn voi như cấu trúc tuổi, tỷ lệ đực/cái cũng mất cân đối. Trong các đàn voi hiện nay, số cá thể voi già chiếm đại đa số, voi non và voi trưởng thành chiếm tỷ lệ ít, số voi cái nhiều hơn số voi đực. Những yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo tồn và phát triển bền vững voi hoang dã trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo thống kê của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, từ tháng 6-2012 đến nay đã có trên 80 đợt voi hoang dã di chuyển đến những khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp của nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Buôn Đôn, Cư M’gar và Ea Súp. Riêng năm 2016, đến thời điểm hiện nay đã có 25 đợt voi hoang dã xuất hiện phá hoại nhiều diện tích hoa màu, chòi rẫy, lán tạm… của nhân dân và doanh nghiệp.

Điển hình, tại huyện Buôn Đôn, đàn voi rừng đã tấn công làm chết một con voi nhà đang thả kiếm ăn trong Vườn quốc gia Yóc Đôn; phá hoại hơn 10 ha hoa màu của người dân buôn Đrang Phốc, xã Krông Na gây thiệt hại hơn 284 triệu đồng.

Nhiều diện tích bắp, mía của người dân buôn Đrăng Phốc, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn bị đàn voi rừng tàn phá trong năm 2016.

Ở huyện Cư M’gar, đàn voi rừng đã kéo về khu vực xã Ea Kiết kiếm ăn, phá chuối, mỳ của nhân dân. Trong lúc đi kiếm ăn, một cá thể voi rơi xuống giếng nước chết.

Ở huyện Ea Súp, đàn voi với 34 cá thể kéo về kiếm ăn phá hoại nhiều diện tích hoa màu và tấn công làm một người dân bị gãy chân…

Theo phân tích của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, có nhiều nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa voi hoang dã với con người, nhưng nguyên nhân chính dẫn đến xung đột là do diện tích rừng bị thu hẹp khiến môi trường sống của voi bị ảnh hưởng. Cụ thể, những năm gần đây, tình trạng dân di cư tự do, phá rừng chiếm đất lâm nghiệp diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và người dân sản xuất nông, lâm nghiệp xen kẽ trong khu vực có voi hoang dã cư trú, di chuyển và trồng các loại cây như lúa, ngô, chuối, đậu… là những thức ăn mà voi ưa thích khiến cho xung đột giữa voi và người luôn diễn ra. Đặc biệt, voi rừng bị săn bắn, sát hại ngày càng gia tăng khiến voi trở nên hung giữ, tăng nguy cơ voi tấn công người…

Thông qua hội nghị triển khai chính sách bảo tồn voi và Hội thảo các giải pháp giảm thiểu xung đột giữa voi với người lần này, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk mong muốn người dân hiểu hơn công tác bảo tồn voi cấp bách của tỉnh cũng như Nhà nước ta hiện nay, đồng thời hướng dẫn người dân cách thức bảo vệ mình và tài sản trước sự tấn công của voi hoang dã và chung tay cùng bảo tồn, phát triển đàn voi rừng và voi nhà trên địa bàn.