Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL: Cần sự quan tâm đặc biệt

ThienNhien.Net – Các tổ chức trên thế giới cũng như Chính phủ Việt Nam quan tâm đặc biệt đến việc nghiên cứu cũng như đề xuất các giải pháp cấp nước an toàn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một trong 3 đồng bằng có những nét đặc trưng hiếm có nhất trên thế giới, nhưng lại dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.

Hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước sinh hoạt cho một số khu vực sử dụng nước mặt.

Phải kết hợp nhiều giải pháp

Ông Nguyễn Hồng Tiến – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, giải pháp chung cấp nước cho vùng ĐBSCL cần kết hợp đầu tư hệ thống các nhà máy cấp nước quy mô vùng liên tỉnh với đầu tư công trình cấp nước quy mô đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung như hệ thống trạm bơm và mạng đường ống nước thô dẫn nước về các nhà máy nước tại các khu đô thị và khu dân cư. Đối với các đô thị nhỏ, khu dân cư tập trung không được cấp nước từ công trình quy mô vùng, sẽ ứng dụng công nghệ xử lý nước mặn, nước lợ.

Giải pháp về nguồn nước đối với vùng ĐBSCL cũng được đặc biệt chú trọng, trong đó ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống sông Tiền và sông Hậu cấp cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất; đồng thời từng bước giảm khai thác nguồn nước ngầm quy mô vừa và lớn đối với các khu vực có nguồn nước mặt thuận lợi hoặc có hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh. Duy trì sử dụng nguồn nước ngầm cấp nước sinh hoạt đối với khu vực dân cư nhỏ lẻ đáp ứng yêu cầu khai thác bền vững hoặc đến khi khu vực này tiếp cận được với nguồn nước thuận lợi khác.

Ngoài ra, nguồn nước mưa cũng cần phải được rà soát, khai thác phù hợp với điều kiện quỹ đất của địa phương, xây dựng hồ lưu trữ nước mưa để tạo nguồn cấp nước cho nhà máy nước hiện hữu. Và về lâu dài, cần kết hợp với hệ thống thủy lợi xây dựng hồ trữ nước quy mô lớn, đa mục tiêu cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất.

Ông Nguyễn Hồng Tiến cũng khuyến nghị các bộ, ngành liên quan cũng như UBND cấp tỉnh cần thực hiện tốt giải pháp quy hoạch các nhà máy cấp nước quy mô vùng liên tỉnh, bao gồm: Giai đoạn đến năm 2020: NMN liên vùng Sông Tiền 2 công suất Q1=100 nghìn m3/ngđ; cụm NMN Sông Hậu 1 công suất Q1=200 nghìn m3/ngđ; NMN Sông Hậu 2 công suất 100 nghìn m3/ngđ; NMN Sông Hậu 3 công suất 50 nghìn m3/ngđ. Giai đoạn đến năm 2025: NMN liên vùng Sông Tiền 1 công suất 100 nghìn m3/ngđ; NMN liên vùng Sông Tiền 2 công suất 200 nghìn m3/ngđ; cụm NMN Sông Hậu 1 công suất 400 nghìn m3/ngđ; NMN Sông Hậu 2 công suất 200 nghìn m3/ngđ; NMN Sông Hậu 3 công suất 100 nghìn m3/ngđ. Giai đoạn đến năm 2030: NMN Sông Tiền 1 công suất 300 nghìn m3/ngđ; NMN liên vùng Sông Tiền 2 công suất 300 nghìn m3/ngđ; cụm NMN Sông Hậu 1 công suất 600 nghìn m3/ngđ; NMN Sông Hậu 2 công suất 300 nghìn m3/ngđ; NMN Sông Hậu 3 công suất 150 nghìn m3/ngđ.

400 triệu USD sẽ không đủ cho việc thực hiện dự án

Ông Ousmane Dione – Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cũng đặc biệt quan tâm đến việc cấp nước an toàn cho vùng ĐBSCL và cho rằng, Dự án an ninh nguồn nước vùng ĐBSCL là dự án đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành và đặc biệt là Bộ Xây dựng phải hết sức quan tâm, bởi đây là dự án cấp vùng và thời gian tới Chính phủ Việt Nam cần phải thực hiện thêm những dự án cấp vùng nữa.

Ông Ousmane Dione cho rằng, 400 triệu USD sẽ không đủ cho việc thực hiện dự án, nên cần xem xét khả năng huy động nguồn vốn đồng tài trợ để làm sao dự án được triển khai một cách đồng bộ, đầy đủ và toàn diện cũng như đảm bảo có cơ cấu tổng thể tốt. Bộ Xây dựng cần đôn đốc quá trình thành lập Ban Chỉ đạo cũng như đôn đốc quá trình rà soát báo cáo nghiên cứu khả thi. WB cũng sẽ nỗ lực hết sức trong việc huy động nguồn vốn đồng tài trợ cho dự án.

Tại Hội nghị bàn tròn các đối tác tiềm năng Dự án Cấp nước an toàn vùng ĐBSCL, do Bộ Xây dựng tổ chức tại Hà Nội tháng 6 vừa qua, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) cũng đã bày tỏ sự lo ngại về khả năng tài chính của dự án nếu dự án không có được sự ủng hộ, hỗ trợ nhiều hơn từ phía Chính phủ. Bởi theo tổ chức này, Luật Đầu tư hiện hành có những quy định về khoản vay ưu đãi, đặc biệt là chương trình cho vay lại đối với các địa phương, trong đó buộc các Cty cấp nước phải chi trả khoản vay cho ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, những nguy cơ về tỷ giá hối đoái sẽ làm cho khoản vay tăng lên, tạo ra gánh nặng lớn cho các Cty cấp nước. Do đó, việc hỗ trợ của Chính phủ là rất quan trọng.

Nguồn nước cạn kiệt, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô và chất lượng, dân số gia tăng, phát triển công nghiệp và tốc độ đô thị hóa cao… khiến cho nhu cầu nước ngày càng gia tăng, đặc biệt là nước sạch, đang là những thách thức rất lớn đến việc bảo đảm cấp nước an toàn cho vùng ĐBSCL.

Năm 2016, vùng ĐBSCL hứng chịu đợt hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề nhất trong vòng 100 năm, gây thiệt hại hơn 160 nghìn héc-ta lúa, tương đương 800 nghìn tấn lúa bị mất trắng. Hạn hán, xâm nhập mặn cũng đã ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước sinh hoạt cho một số khu vực sử dụng nước mặt, nhất là các vùng chưa có các công trình cấp nước tập trung và theo thống kê cũng đã có khoảng 250 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.