Các quốc gia châu Phi có tỷ lệ tuân thủ Hiệp định Paris cao nhất

Các quốc gia châu Phi đã thể hiện vai trò dẫn đầu khi 98% số quốc gia ở châu lục này đã đệ trình mức Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Bộ trưởng Bộ Môi trường Nam Phi Bomo Edna Molewa ký Thỏa thuận Paris vào tháng 4/2016. (Nguồn: Reuters)

Ngày 3/4, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết châu Phi ghi nhận tỷ lệ tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ở mức cao nhất.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, phát biểu tại một diễn đàn ở thủ đô Nairobi của Kenya, Phó Giám đốc điều hành của UNEP – bà Elizabeth Mrema, nêu rõ các quốc gia châu Phi đã thể hiện vai trò dẫn đầu khi 98% số quốc gia ở châu lục này đã đệ trình mức Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

NDC là mức đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu của thỏa thuận Paris.

Bà Mrema cho biết các quốc gia châu Phi đã đưa ra rất nhiều luật và chính sách về môi trường và khí hậu bổ sung cho các NDC.

Ở cấp khu vực, Liên minh châu Phi (AU) có một chiến lược khí hậu để thúc đẩy các quốc gia thành viên củng cố luật pháp và chính sách địa phương.

Ở cấp tiểu vùng, các ủy ban kinh tế khu vực cũng có các khung chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, ví dụ như Khung chính sách cộng đồng Đông Phi về biến đổi khí hậu.

Mặc dù châu Phi chỉ chiếm khoảng 2-3% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, nhưng châu lục này lại phải gánh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.

Theo một kết quả khảo sát được Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) công bố tháng 12 năm ngoái, biến đổi khí hậu tác động trực tiếp và tiêu cực đến cuộc sống hằng ngày của 88% dân số châu Phi.

Những tổn thất này thường là do hạn hán nghiêm trọng, mực nước biển dâng cao, xói mòn bờ biển hoặc các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão lụt.