Chọn cây “sống chung” với biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Mấy tháng trước, đến xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, chúng tôi thấy rất nhiều vườn thanh long xanh ngắt. Nhưng thời điểm này trở lại, vùng thanh long Hàm Liêm như vừa bị ai đốt dở, cây bị úa vàng, cháy sém. Thấy tôi bước xuống vườn chụp ảnh, bà Nguyễn Thị Thi, ở thôn 2, than vãn: “950 trụ thanh long trồng trên diện tích 1.000m2 đất của gia đình tôi không có nước tưới, gốc đã khô trắng, lại xuất hiện bệnh nhiễm đốm nâu trên cành, tôi lo quá mà chưa biết làm thế nào. Nắng nóng kéo dài, thiếu nước tưới, vườn thanh long khó mà trụ nổi”.

Cùng cảnh ngộ, tại vườn kế bên, anh Diệp Minh Quân có gần 1.300m2 đất trồng 1.200 trụ thanh long, cũng buồn bã: “Mấy năm trước, tôi trồng mía, sắn nên khi bị khô hạn, cây vẫn sống và cho thu hoạch. Nay trồng thanh long, tôi tự đào ao trữ nước, nhưng bây giờ đáy ao đã khô khốc nên nguy cơ vườn thanh long sẽ mất trắng”.

Ông Nguyễn Ngọc Thích, Phó chủ tịch UBND xã Hàm Liêm, cho biết: “Trước đây, xã Hàm Liêm có gần 200ha rừng khô cằn, địa phương quy hoạch trồng mía và giao cho các hộ nghèo khai hoang. Thấy cây thanh long đem lại lợi nhuận khá nên người dân đổ xô trồng, khiến diện tích thanh long tăng vọt, trong khi nguồn nước tưới lại không bảo đảm”.

Ảnh minh họa: baoapbac.vn
Ảnh minh họa: baoapbac.vn

Chỉ từ đầu năm 2014 đến nay, diện tích trồng thanh long ở xã Hàm Liêm đã tăng vọt thêm 35ha. Đến nhiều xã thuộc các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân… chúng tôi cũng gặp cảnh người dân tự bỏ cây trồng có khả năng chịu hạn và ồ ạt chuyển sang trồng thanh long. Hiện trên toàn tỉnh, diện tích thanh long đã vượt quy hoạch gần 7.000ha. Nếu như năm 2010, Bình Thuận có 13.000ha thanh long, sản lượng hơn 300.000 tấn thì đến cuối năm 2014 đã vượt lên 24.000ha, sản lượng chỉ đạt 430.000 tấn. So với năm 2010, năm 2014 diện tích tăng 1,8 lần, nhưng sản lượng chỉ tăng 1,4 lần. Điều đáng lo ngại hơn, người dân lại đua nhau trồng thanh long trái vụ bằng chong đèn. Hình thức canh tác trái vụ luôn đòi hỏi nước tưới rất cao. Hiện toàn tỉnh có hơn 18.000ha diện tích sản xuất thanh long, lúa, hoa màu không có nước tưới, năng suất giảm 20%.

Mùa khô năm nay, Bình Thuận chịu đợt nắng nóng kéo dài hơn so với mọi năm từ 20-25 ngày. Đối phó với khô hạn, địa phương đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp, như: Chi ngân sách địa phương bảo đảm vận chuyển nước; ưu tiên cấp nước cho diện tích thanh long, vụ đông xuân 2014-2015; tuyên truyền, hướng dẫn người dân tưới nước bằng phương pháp tiết kiệm; khuyến khích người dân đào ao, giếng.

Ông Võ Đức Anh cho biết: Ứng phó với biến đổi khí hậu, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đề án “Kiên cố hóa kênh mương nội đồng, củng cố bờ bao giữ nước, kè chắn sóng chống nước biển dâng, ngăn mặn đối với vùng sản xuất ven biển” gắn với đẩy mạnh trồng rừng; kiểm soát chặt chẽ việc phát triển cây thanh long. Tuy nhiên, giải pháp cơ bản nhất là cần phải tư vấn cho người dân chuyển đổi kịp thời cây trồng phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng ở từng vùng, từng địa bàn, ưu tiên chọn giống cây cần ít nước, có khả năng chịu được khô hạn, như: Mít, xoài, nhãn, mì (sắn)… để có thể sống chung với biến đổi khí hậu.