Thiệt hại do mưa lũ tại Ninh Thuận lên đến hơn 321 tỷ đồng

ThienNhien.Net – Ngày 21/12, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến kiểm tra vùng sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do mưa lũ ở Ninh Thuận.

Ngày 21/12, Đoàn công tác số 4 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận để cùng địa phương tìm giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài, ổn định đời sống nhân dân.

Trong ngày 21/12, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến kiểm tra tại vùng sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do mưa lũ ở huyện Thuận Nam và huyện Ninh Phước. Nhiều diện tích lúa Đông Xuân mới gieo trồng và lúa mùa chuẩn bị thu hoạch đã bị thiệt hại nặng nề.

Đoàn kiểm tra khu vực sạt lở trên Sông Cái, qua huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Toàn tỉnh Ninh Thuận đã có hơn 8.000 héc-ta cây trồng bị thiệt hại, thất thu. Hơn 4.980 con trâu, bò, dê, cừu, gia cầm bị chết. Vùng sản xuất muối ở huyện Ninh Hải, các khu nuôi cá lồng bè, nuôi tôm cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại lớn về kinh tế. Mưa lũ cũng đã làm sạt lở, hư hỏng 29 công trình thủy lợi cùng hàng chục công trình giao thông; nhất là tuyến đường ven biển, gây khó khăn trong việc đi lại.

Tổng thiệt hại do mưa lũ ở Ninh Thuận lên đến hơn 321 tỷ đồng. Nhằm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân, tỉnh Ninh Thuận đề nghị trung ương xem xét hỗ trợ cho tỉnh 137 tỷ đồng khắc phục hậu quả gồm: giống cây trồng; kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho cây trồng, gia súc gia cầm, thủy sản; gạo cứu đói; thuốc khử khuẩn môi trường; kinh phí sửa chữa các công trình giao thông và thủy lợi.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – Trưởng đoàn công tác cho biết: Ngoài đề xuất hỗ trợ khẩn cấp như cứu đói, thuốc khử trùng xử lý môi trường, đoàn sẽ đề nghị Bộ nhanh chóng hỗ trợ nguồn giống phù hợp cho tỉnh Ninh Thuận để tái sản xuất. Trước mắt, tỉnh Ninh Thuận phải chủ động cứu lấy diện tích lúa còn lại.

Ông Nguyễn Văn Hòa nói: “Chúng tôi đề nghị với tỉnh hết sức tập trung tạo điều kiện cho dân thu hoạch lúa mùa hiện còn trên 10.000 ha, trong đó có khoảng 4.000 ha bị ngã rạp rất khó thu hoạch. Sau khi thu hoạch xong lúa mùa, tiếp tục chỉ đạo làm đất và xuống giống Đông Xuân để kịp thời vụ, bởi chúng ta chỉ còn thời gian từ nay cho đến trước Tết khoảng 1 tháng phải tập trung xuống giống mới kịp cho Hè Thu sắp tới”.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn cũng đã đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo ngay các địa phương cắm các biển báo ở những khu vực bờ sông, đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng; có phương án di dời các hộ dân ở các khu vực ven sông suối bị sạt sở đến nơi an toàn, phòng tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.