Thử nghiệm nạo vét Hồ Gươm

ThienNhien.Net – Nhằm làm tăng thể tích nước và giúp ổn định môi trường Hồ Gươm, trong tháng 11, UBND TP Hà Nội triển khai thử nghiệm nạo hút bùn trên 1/10 diện tích Hồ (khoảng 1.000m2) theo công nghệ của CHLB Đức.


Địa điểm nạo vét nằm ở khoảng hồ giữa Đền Ngọc Sơn và quán cafe Thủy Tạ. Việc hút bùn chỉ được tiến hành cách bờ 10m (bởi hồ đã được kè và móng kè cần bảo vệ) và phải đảm bảo điều kiện không làm thay đổi màu nước đặc trưng của hồ, không ảnh hưởng đến các sinh vật trong lòng hồ.

Việc nạo vét không tiến hành theo phương pháp thủ công mà áp dụng kỹ thuật địa điện thủy văn hiện đại để khảo sát chính xác tầng bùn trước khi cải tạo. Đây là kỹ thuật dùng cặp điện cực có cự ly khác nhau để đo các giá trị điện trở tại các độ sâu khác nhau. Từ đó, có thể xác định được độ dày của tầng bùn và sự phân bổ trên diện tích hồ; các thông số về cấu trúc và tính chất của tầng bùn và tầng đáy hồ…

Đợt thử nghiệm lần này nằm trong Dự án cải tạo hồ Hoàn Kiếm do Bộ Nghiên cứu và Giáo dục CHLB Đức, Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam phối hợp thực hiện.

Với phương pháp này, diện tích mặt thoáng của hồ cải tạo sẽ được chia thành nhiều ô nhỏ và thực hiện hút bùn theo từng ô một. Việc hút bùn không làm lần lượt từng ô mà sẽ tính toán hút các ô khác nhau để tránh những thay đổi đột ngột cho môi trường sống của sinh vật ở đó.

Nếu thí điểm thành công, thành phố sẽ nghiên cứu cho phép nạo vét toàn bộ Hồ Gươm và một số hồ trên địa bàn Hà Nội.

Về việc xử lý khối lượng bùn, PGS.TS Hà Đình Đức – Chủ nhiệm dự án phục hồi – ổn định bền vững Hồ Gươm, cho biết, bùn ở Hồ Gươm có hàm lượng chất hữu cơ thấp nên không thể làm phân bón. Hàm lượng kim loại nặng cao nên cũng khó chuyển thành đất nông nghiệp. Một số ý kiến đề xuất nên xử lý bùn cho sạch, mang đóng khô thành bánh làm kỷ niệm giống như vụ tường thành Berlin, bởi vì đây là lớp trầm tích cổ của đất Thăng Long xưa.

Công nghệ hút bùn của Đức đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới và cả khu ao cá Bác Hồ (vào tháng 6/2009). Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên thí điểm tại Hồ Gươm – nơi có hệ sinh thái khá đa dạng, nên cần cẩn trọng, nhất thiết phải giữ được màu xanh hệ vi tảo của hồ và an toàn cho cụ rùa.

Được biết, hiện nay Sở Xây dựng Hà Nội cũng đang đảm nhiệm một dự án nạo vét Hồ Gươm bằng phương pháp thủ công.

Trước đây, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) từng có ý tưởng làm sạch Hồ Gươm bằng cách hút hết bùn đất, sau đó bơm nước sông Hồng sang. Tuy nhiên, ngay lập tức các nhà khoa học đã phản đối vì nếu làm như vậy sẽ không còn giữ được màu xanh của hồ mà biến thành… màu hồng. Hệ sinh thái lòng hồ sẽ bị xáo trộn, các vi sinh vật có ích sẽ bị huỷ diệt và rùa sẽ mất nơi sinh nở.