Những khu phố không rác

ThienNhien.Net – Một cuộc điều tra về đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ môi trường tại TPHCM cho thấy, rác thải là vấn đề được người dân TP xem là quan trọng nhất tại nơi cư trú.

Ba ưu tiên hàng đầu về môi trường mà TP cần giải quyết đều được người dân quy cho rác thải. Trong những chương trình bảo vệ môi trường, người dân tham gia nhiều nhất vào những chương trình liên quan đến rác thải (chiếm 44%).

Như vậy, người dân TP ngày càng dành sự quan tâm thiết thực đến vấn đề xử lý rác. Từ đó, nhiều mô hình khu dân cư không rác ngày một nhân rộng, góp phần tạo dựng môi trường sống xanh – sạch – đẹp.

Nhờ ý thức tự giác, đồng lòng của người dân, hẻm 55 Trần Hưng Đạo (phường 6, quận 5) luôn sạch sẽ, thoáng đãng - See more at: http://www.sggp.org.vn/xahoi/2016/11/440904/#sthash.7DhzvnY8.dpuf
Nhờ ý thức tự giác, đồng lòng của người dân, hẻm 55 Trần Hưng Đạo (phường 6, quận 5) luôn sạch sẽ, thoáng đãng

Xóa sổ rác tại khu dân cư

Khi các cửa hàng chưa mở cửa, bà con khu phố 4, phường 6 (quận 5, TPHCM) rủ nhau quét dọn hẻm, lề đường, phần sân trước cửa nhà. Những túi rác được phân loại, bỏ bao cẩn thận, để ngay ngắn, chờ xe rác. Dù là khu dân cư đông đúc, buôn bán tấp nập nhưng từ nhiều năm nay, trên địa bàn rất ít xảy ra cảnh nước thải đổ ra đường, rác bỏ trong chậu hoa hay trên lề đường. Thấy ai có hành động gây mất mỹ quan đô thị, hàng xóm, ban vận động khu phố nhắc nhở ngay. Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Trưởng ban vận động khu phố 4, cho hay khu phố nằm trên tuyến đường Trần Hưng Đạo – tuyến đường trọng điểm thực hiện vệ sinh, văn minh, mỹ quan đô thị. Ban vận động khu phố luôn tích cực tuyên truyền, giúp bà con tự giác cải thiện không gian sống. Từ năm 2009 đến nay, việc quét dọn trước cửa nhà, vứt rác đúng nơi quy định là thói quen của những gia đình nơi đây. Không chỉ vậy, khu phố còn thành lập nhóm thành viên giám sát lẫn nhau, kiểm tra theo từng tổ; giao tổ trưởng tổ dân phố quản lý, nhắc nhở từng hộ. Hàng tháng, các nhóm tiến hành kiểm tra, từ đó đề xuất UBND phường xử lý trường hợp vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.

Ấp 1, xã Long Thới (huyện Nhà Bè) cũng xây dựng thành công mô hình khu dân cư không rác. Ấp có 10 tổ, 780 hộ dân với hơn 2.300 nhân khẩu. Trước kia, địa bàn thường đối mặt với tình trạng người dân đổ rác sinh hoạt tràn lan, tự phát. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ cách tuyên truyền khéo léo, 100% hộ dân trong ấp tự nguyện cam kết đổ rác đúng nơi quy định. Trong các cuộc họp tổ nhân dân, ban nhân dân ấp kiểm điểm việc thực hiện cam kết của từng nhà, phê bình công khai người vi phạm. Đồng thời, ban nhân dân ấp phát động phong trào dùng bao bì giấy khi đi chợ, khuyến khích người dân chọn loại bao bì dễ tiêu hủy và không độc hại. Hiện nhận thức người dân nâng lên rõ rệt, tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường giảm đáng kể, nhiều điểm tập kết rác bị xóa sổ.

Thay rác bằng mảng xanh

Bên cạnh cách thức xử lý rác như trên, nhiều khu dân cư còn phát triển, mở rộng thêm mô hình thay rác bằng cây xanh.  Khu phố 7, phường 15, quận Tân Bình là khu dân cư mới, có 972 căn nhà với hơn 1.000 hộ sinh sống. Trước đây, khu phố thiếu mảng xanh trầm trọng. Do đó, Câu lạc bộ Tự quản bảo vệ môi trường của khu phố đã đưa ra nhiều chương trình, với đủ cách tuyên truyền nhằm tăng cường mảng xanh trong khuôn viên nhà, nơi sinh hoạt chung trong cộng đồng dân cư. Mọi ý tưởng đều hướng đến phương châm cây xanh có ở mọi nơi, từ vỉa hè, đất trống, khoảng lùi trong khuôn viên nhà đến ban công, sân thượng.

Phong trào “Mỗi người trồng ít nhất một cây xanh” được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Không chỉ vậy, khu phố còn liên hệ với chủ những lô đất trống, thương lượng mượn đất trồng rau sạch. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ sưu tầm nhiều tài liệu về tác dụng, cách trồng cây dược liệu rồi phổ biến trong lúc họp khu phố. Thấy dược liệu vừa có tác dụng trị bệnh, vừa tạo mảng xanh, người dân hứng thú trồng tại nhà. Hơn 5 năm qua, khu phố 7 hình thành nhiều tuyến hẻm rợp bóng cây (hẻm 86 Trần Thái Tông, 83/20 Phạm Văn Bạch…). Bên cạnh đó, những “vườn rau” hình thành từ xô, chậu, thùng luôn hiển hiện trong mỗi căn nhà. Chưa kể, khu phố vận động các hộ kinh doanh giống, phân bón, đất sạch cung cấp hàng với giá ưu đãi. Từng gia đình đảng viên, cán bộ, hội viên đoàn thể đều trồng ít nhất 5 cây xanh. Sau thời gian ngắn, hàng ngàn mét vuông đất trống vốn đầy cỏ hoang và rác đọng được phủ kín bằng các vườn rau sạch.

Tương tự, mỗi đoàn thể khu phố 2, phường Thảo Điền (quận 2) phụ trách một tuyến đường cây xanh. Cụ thể, chi hội phụ nữ phụ trách đường Nguyễn Bá Lân, chi hội chữ thập đỏ quản lý đường Lê Văn Miến, chi hội cựu chiến binh gắn bó với đường Xuân Thủy… Các gia đình trên địa bàn tích cực hưởng ứng phong trào tuyến đường không rác, sạch nhà – sạch ngõ – sạch đường phố. Đến nay, tất cả các tuyến đường đều rợp bóng cây xanh. Khu phố ra sức kêu gọi bà con đăng ký bảo vệ, không bẻ gãy cành cây. Dù vậy, theo nhiều người dân sống ở đây, tình trạng người bán hàng rong, người đi đường vô tư ném rác, bẻ cành cây là những khó khăn mà người dân lẫn cơ quan quản lý đang khắc phục từng bước.