Cần rà soát ba loại rừng ở Bắc Cạn

ThienNhien.Net – Tỉnh Bắc Cạn có khoảng 400 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có ba loại rừng gồm: Rừng trồng, rừng tự nhiên và rừng phòng hộ. Do việc phân chia, quy hoạch ba loại rừng không hợp lý, không phù hợp với thực tiễn gây thiệt hại cho Nhà nước, kìm hãm phát triển kinh tế rừng.

Chi cục Kiểm lâm Bắc Cạn vừa tiến hành kiểm tra việc cấp phép khai thác lâm sản của UBND xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới cho thấy những bất cập trong việc quy hoạch ba loại rừng trên địa bàn hiện nay. UBND xã Tân Sơn cấp 15 giấy phép khai thác hơn 211 khối gỗ rừng trồng, gồm các loại gỗ xoan, mơ, keo, bồ đề, sao trên diện tích gần 50 ha rừng trồng, trên thực tế có hàng chục ha nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ.

Trong số gần 50 ha rừng trồng mà UBND xã Tân Sơn cấp phép khai thác, khi so sánh trên bản đồ, có hàng chục ha là rừng phòng hộ. Thực tế, từ nhiều năm nay, nhân dân địa phương đã trồng gừng, canh tác cây màu trên hàng chục ha từ lâu được quy hoạch là rừng phòng hộ. Như thế có thể thấy rằng, mặc dù đã quy định là rừng phòng hộ, nhưng không có rừng nên không còn chức năng phòng hộ. Mặt khác, theo quy định, hằng năm, Nhà nước vẫn chi trả tiền khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng phòng hộ, nhưng trên thực tế không còn rừng, không có chức năng phòng hộ là sự lãng phí lớn.

Quy hoạch là rừng phòng hộ, nhưng trên thực tế nhiều diện tích ở xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới không có rừng, nhân dân đã trồng gừng từ nhiều năm qua
Quy hoạch là rừng phòng hộ, nhưng trên thực tế nhiều diện tích ở xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới không có rừng, nhân dân đã trồng gừng từ nhiều năm qua

Trong các cuộc tiếp xúc với cử tri của đại biểu HĐND các cấp thời gian qua, nhân dân các địa phương đều cho biết, quy hoạch ba loại rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với thực tế. Cụ thể là, ở nhiều nơi không còn rừng, rừng ở khu vực đó không có chức năng phòng hộ nhưng vẫn quy hoạch là rừng phòng hộ. Rừng ở nhiều nơi có chức năng phòng hộ thì lại quy hoạch là rừng sản xuất, điển hình là ba xã phía tây huyện Chợ Mới, nhiều cánh rừng có chức năng phòng hộ, cung cấp nước tưới phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân thì lại quy hoạch là rừng sản xuất, làm nhân dân bức xúc.

Ngược lại, trên diện tích đất trống, đồi núi trọc từ 10 đến 15 năm trước, nhân dân đã trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng lên xanh tốt, trên thực tế, đó là rừng trồng của nhân dân và dân được phép khai thác. Nhưng sau này quy hoạch ba loại rừng, cơ quan chức năng lại khoanh là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ nên chỉ được phép khai thác tỉa thưa đối với rừng tự nhiên, không được khai thác rừng phòng hộ làm nhân dân bất bình.

Như vậy có thể thấy rằng, việc quy hoạch rừng tự nhiên, rừng phòng hộ không đúng với thực tế mà hằng năm Nhà nước vẫn phải chi trả tiền khoán bảo vệ, khoán khoanh nuôi phục hồi rừng sẽ gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Mặt khác, quy hoạch đất, rừng sản xuất thành rừng tự nhiên, rừng phòng hộ không phù hợp với thực tế sẽ kìm kìm hãm phát triển kinh tế rừng, làm nhân dân bức xúc.

Khắc phục những bất cập này, tỉnh Bắc Cạn cần rà soát quy hoạch ba loại rừng sao cho chính xác, phù hợp với thực tiễn. Những năm qua, địa phương đã thực hiện việc rà soát quy hoach ba loại rừng, nhưng vẫn bộc lộ những bất cập như nêu trên là do, việc đo đạc, quy hoạch chủ yếu được xác định trên máy móc, bản đồ nên không phù hợp với thực tế. Việc quy hoạch lần này, cần thực hiện khảo sát thực địa, lấy ý kiến nhân dân, chính quyền cơ sở để xác định đâu là rừng tự nhiên, đâu là rừng phòng hộ, rừng sản xuất một cách rõ ràng, minh bạch.

Làm như vậy, sẽ góp phần tích cực bảo vệ và phát triển rừng, thúc đẩy kinh tế rừng phát triển. Cụ thể là, khi đã có quy hoạch khu vực nào là rừng phòng hộ, nhưng trên thực tế không còn rừng, hoặc rừng không còn có khả năng phòng hộ thì trồng rừng, bảo vệ để khôi phục chức năng phòng hộ, vì lâu nay Nhà nước vẫn đầu tư trồng rừng phòng hộ, tránh tình trạng quy hoạch không chính xác dẫn đến thực hiện trồng rừng, khoán bảo vệ, khoanh nuôi không đúng, gây lãng phí ngân sách. Mặt khác, diện tích nào được quy hoạch là rừng tự nhiên, trên thực tế không còn rừng, không có chức năng phòng hộ thì chuyển sang làm đất rừng sản xuất để phát triển kinh tế lâm nghiệp, giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.