Vàng tặc lộng hành ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh

Cho dù UBND tỉnh Quảng Nam đã rất quyết liệt với nạn vàng tặc trên địa bàn tỉnh và đã có hàng trăm cuộc truy quét, đẩy đuổi, thế nhưng vàng tặc vẫn lộng hành. Đáng lo ngại, vàng tặc đang lộng hành tàn phá Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sông Thanh.

Trong một lần truy quét, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 200 phu vàng.

Tàn phá khu bảo tồn thiên nhiên

KBTTN Sông Thanh nằm trên địa bàn của 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn, giáp biên giới nước bạn Lào với diện tích vùng lõi hơn 93.000ha và hơn 108.000ha vùng đệm. Nơi đây có khoảng gần 1.000 loài động, thực vật, trong đó có hơn 20 loài đặc hữu của Việt Nam, cùng gần 40 loài nằm trong danh sách đỏ. Đáng chú ý, KBTTN này đã được Bộ NNPTNT thống nhất chủ trương lập hồ sơ nâng hạng thành Vườn quốc gia Sông Thanh. Thế nhưng nơi đây hết lâm tặc đến vàng tặc đang lộng hành.

Để bảo vệ KBTTN Sông Thanh, mỗi năm các đơn vị liên ngành đã có hàng chục đợt truy quét vào khu vực này.Tuy nhiên khi lực lượng chức năng xuất hiện thì vàng tặc trốn vào rừng sâu, sau khi lực lượng này rút lui, vàng tặc lại tiếp tục hoạt động như cũ. Hậu quả, kinh phí nhà nước bỏ ra rất lớn cho các đợt truy quét, chốt chặn nhưng không hiệu quả, trong khi đó nguồn tài nguyên quý giá tiếp tục bị thất thoát và tiềm ẩn những nguy cơ tệ hại cho KBTTN.

Mới nhất, trong 3 ngày từ 25 đến 27/12/2018, đội kiểm tra liên ngành gồm Phòng TNMT huyện phối hợp với các đơn vị liên quan như Công an huyện, Hạt Kiểm lâm rừng Đặc dụng Sông Thanh, Đồn Biên phòng Đắc Pring cùng chính quyền địa phương xã Đắc Pring tiến hành truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép tại bãi vàng Thành Mỹ 1. Đây là bãi vàng nằm sâu trong KBTTN Sông Thanh. Thế nhưng, cũng như nhiều lần truy quét khác, lâm tặc đã vắng bóng, để lại nơi đây khoảng 20 lán trại.

Cần nhắc lại, trước đó, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, Phòng Cảnh sát môi trường và Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh được giao nhiệm vụ truy quét bãi vàng Thành Mỹ 1. Các chiến sĩ đã tiếp cận vây ráp lán trại và cuộc đột kích bất ngờ giữa đêm này đã khiến hơn 200 phu vàng và 13 chủ bãi bị khống hế tại chỗ và đã bị xử lý về hành vi “thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép”. Đây là một trong những lần ít ỏi vàng tặc bị không chế tại bãi. Tuy nhiên tình trạng khai thác vàng trái phép sau đó lại tái diễn.

Vì sao thông tin bị lộ?

Việc không thể triệt hạ tận gốc nạn vàng tặc tàn phá KBTTN này có nhiều nguyên nhân, trước hết là đường sá, núi non hiểm trở, lực lượng kiểm lâm quá mỏng so với địa bàn rộng lớn. Như muốn vào được bãi vàng Thành Mỹ 1, lực lượng chức năng phải di chuyển nhiều giờ liền sau khi vượt qua những sông suối, những con dốc, con đường cực kỳ nguy hiểm và vượt qua lòng hồ Thủy điện Sông Bung 2.

Núi non bao la, vàng tặc dễ ẩn trốn. Như với 20 lán trại nói trên thì một cán bộ đoàn liên ngành nhận định: Với số lán trại này, ước tính có khoảng 200 phu vàng đang ở đây. Thế nhưng khi lực lượng chức năng xuất hiện thì chẳng thấy ai. Có thể các đối tượng chui hết vào hầm sâu. Trong đó chúng đã dự trữ lương thực, thực phẩm cho đợt trú ẩn dài ngày. Các máy móc thiết bị phục vụ cho việc đào đãi vàng được các đối tượng cất giấu trong rừng, số còn lại chúng đào hố để chôn lấp hoặc đưa vào các hầm để giấu. Tuy nhiên những máy móc chưa kịp cất giấu và dụng cụ khai thác vàng phát hiện ra đều bị phá hủy. Nhiều máy móc phải đốt luôn.

Đáng lo ngại, ông Zơrâm Lượn – Phó Phòng TNMT huyện Nam Giang kiêm trưởng đoàn liên ngành truy quét nhận định: “Mỗi khi truy quét đập phá máy móc, lán trại, các đối tượng chạy trốn, nhưng sau khi đoàn kiểm tra rút, họ lại mua sắm máy móc, hoạt động trở lại. Kinh phí cho mỗi đợt truy quét cũng rất lớn, nhưng chỉ là giải pháp tình thế, không hiệu quả.  Không hiểu vì sao các đợt truy quét đều bị lộ, các đối tượng biết được nên sơ tán hết”.