Bồ câu có thể cảnh báo nguy cơ nhiễm độc chì ở trẻ em

ThienNhien.Net – Dành cả đời chỉ quanh quẩn trong phạm vi vài tòa nhà, chim bồ câu quả thực rất gần gũi với loài người. Chúng hít thở cùng một bầu không khí, đi trên cùng vỉa hè và ăn cùng loại thức ăn với con người. Bởi vậy, chúng có thể cung cấp thông tin về độc tố tại từng khu phố nhỏ, từ đó cảnh báo những mối nguy tiềm tàng trong môi trường đối với sức khỏe con người.

Chim bồ câu tại New York. (Ảnh: Nick Harris)
Chim bồ câu tại New York. (Ảnh: Nick Harris)

Một số nghiên cứu tại châu Âu và châu Á trước đây cũng đã sử dụng bồ câu để dự báo nhiễm độc kim loại nặng. Mới đây, nghiên cứu đầu tiên ở Mỹ do TS. Rebecca Calisi (Đại học California) chủ trì cũng đã đưa ra mối liên hệ giữa nồng độ chì trong máu chim bồ câu và trẻ em.

Nhóm nghiên cứu xét nghiệm mẫu máu trên 825 con chim bồ câu tại Wild Bird Fund (trung tâm phục hồi chức năng động vật hoang dã New York). Số chim này được đưa đến từ 13 vùng thuộc 4/5 khu của New York trong khoảng từ tháng 1/2011 đến tháng 3/2015 do có bệnh hoặc có hành vi kì lạ, và đã được kết luận bị nhiễm độc chì.

Theo kết quả vừa đăng tải trên Tạp chí Chemosphere, các nhà nghiên cứu cho biết nồng độ chì trong máu chim bồ câu dao động theo mùa, cao nhất là vào mùa hè – điều này cũng tương tự ở trẻ em.

Về mặt số liệu, không có sự khác biệt về nồng độ chì trong máu những con chim thuộc các vùng khác nhau. Điều này cũng có thể lý giải được vì tất cả số chim bồ câu được xét nghiệm đều bị nghi nhiễm độc chì. Chính vì vậy những con chim này có thể không phải đại diện cho cả quần thể chim bồ câu ở mỗi khu vùng. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại phát hiện ra mối liên hệ giữa nồng độ chì trong máu chim bồ câu và tỉ lệ trẻ có nồng độ chì trong máu cao: Những vùng chim bồ câu có nồng độ chì cao nhất như Soho, Greenwwich, hạ Manhattan, miền Đông hạ Manhattan và miền Tây thượng Manhattan là nơi tỷ lệ trẻ em có nồng độ chì cao trong máu lớn nhất.

Nồng độ chì trung bình trong máu những con chim bị bệnh tại các khu có nồng độ chì cao kể trên là hơn 20 mcg/dl, trong khi  mức dưới 10 mcg/dl cũng đã đủ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển thần kinh ở người. 5 mcg/dl là ngưỡng tiếp xúc với chì đối với con người được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đặt ra.

TS Calisi hiện đang nghiên cứu các độc tố khác như kim loại nặng, thuốc trừ sâu, chất hãm cháy trong máu chim bồ câu tại các thành phố khác thuộc California.