Nông dân trồng lúa vùng bị hạn sẽ mất trên 70% năng suất

ThienNhien.Net – Theo Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, hạn hán và xâm nhập mặn là nguyên nhân quan trọng kéo giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016.

Chuyên gia kinh tế của WB, ông Sebastian Eckardt, chỉ rõ: Tính đến tháng 4/2016, 22 trong số 63 tỉnh, thành của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Các địa phương bị ảnh hưởng đã yêu cầu hỗ trợ tài chính từ trung ương; 18 tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp.

(Ảnh minh họa: Dân Việt)
(Ảnh minh họa: Dân Việt)

360.000 ha đất nông nghiệp bị sụt giảm năng suất

Ước tính có gần 2,3 triệu người tại đồng bằng sông Cửu Long, ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên bị gián đoạn nguồn sinh kế và dịch vụ thiết yếu. Hạn hán đe dọa sản xuất nông nghiệp, và nguồn nước ngọt cung cấp cho 400.000 hộ gia đình. Hạn hán cũng đe dọa nghiêm trọng tình hình tiếp cận hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế. Khoảng 150 trường học và 150 cơ sở y tế tại các tỉnh bị thiếu nước dùng và dịch vụ vệ sinh do hạn hán.

Khoảng trên 1,75 triệu người bị đe dọa mất nguồn sinh kế do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn đối với sản xuất nông nghiệp. Khoảng 360 ngàn ha đất nông nghiệp bị sụt giảm năng suất với mức độ khác nhau. 26 ngàn ha đã không thể canh tác được do không có nước.

Bên cạnh đó, thực trạng thiếu nước cùng nguy cơ giảm thu nhập có thể đẩy nhiều gia đình nông dân vào cảnh nghèo trong vài tháng tới. Nhiều hộ gia đình đã bị lâm vào cảnh nợ nần do bị mất mùa và không còn nguồn lực để tiếp tục khôi phục đất canh tác hoặc nuôi trồng thủy sản trong các tháng tới.

Hạn hán, xâm nhập mặn và giảm sút sản xuất nông nghiệp đang đe dọa sinh kế của nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo và dễ bị tổn thương. Ba khu vực bị ảnh hưởng lớn nhất của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn (Tây nguyên, Đồng bằng sông Cửu long và Nam Trung bộ) hiện có trên 1 triệu hộ nghèo và gần 1 triệu hộ cận nghèo (khoảng 8,1 triệu người).

Khoảng 75,7% các hộ hộ này có ít nhất 1 người làm nông nghiệp và thu nhập của họ sẽ bị ảnh hưởng. Một ước tính sơ bộ cho thấy nếu thu nhập từ nông nghiệp giảm 10% thì tỷ lệ nghèo sẽ tăng thêm 2,6 điểm phần trăm ở Tây nguyên và 1,9 điểm phần trăm ở Đồng bằng sông Cửu long và Nam Trung bộ. Nói cách khác, khoảng 760 ngàn người ở 3 khu vực này đang đối mặt với nguy cơ rơi vào diện nghèo.

WB còn ước tính có 2 triệu người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên bị ảnh hưởng trong đợt hạn hán này vì 93% người lao động dân tộc thiểu số hiện làm nông nghiệp và tỷ trọng thu nhập bình quân từ nông nghiệp của người dân tộc thiểu số là rất cao – khoảng 82%.

Mất trên 70% năng suất lúa tại các vùng bị hạn

Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, chuyên gia của WB cho rằng, nhiễm mặn là hiện tượng xảy ra theo chu kỳ tại đồng bằng sông Cửu Long, nhưng năm nay hiện tượng này trở nên nghiêm trọng nhất trong vòng 90 năm qua.

Lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm kể từ năm 2005

6 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng các khu vực nông, lâm thủy sản giảm điểm. Ngành nông – lâm – thuỷ sản tiếp tục tăng trưởng âm khi giảm tới 0,18%, tương ứng 397.400 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do sản lượng lúa đông xuân năm nay chỉ đạt 19,4 triệu tấn, giảm mạnh so với cùng kỳ khiến nông nghiệp giảm 0,78%. Thêm vào đó, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long… gây thiệt hại nặng. Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã ước tính hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng cho nền kinh tế Việt Nam.

Hạn hán và xâm nhập mặn đã bắt đầu sớm hơn 2 tháng so với trước đây, và ăn sâu hơn vào đất liền 50-60 km và đã ảnh hưởng 20-30 km sâu hơn thông thường. Đến cuối tháng 4/2016 có khoảng 40-50% đất canh tác tại đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng. Do vậy, trong giai đoạn 3/2015-3/2016, diện tích canh tác lúa tại đây đã giảm 16,7%.

Tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán và xâm nhập mặn là Cà Mau với diện tích lúa bị ảnh hưởng là 49.000 ha. Vào thời điểm tháng 4/2016 có 11 trong số 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng, trong khi đó tình trạng nhiễm mặn vẫn tiếp tục gia tăng. Mức độ tăng mạnh nhất ghi nhận tại các trạm quan trắc tại Bến Tre và Tiền Giang. Trong mùa khô tới, hạn hán và xâm nhập mặn dự kiến sẽ tiến sâu hơn vào đất liền.

Với Tây Nguyên và vùng ven biển Nam Trung Bộ, hạn hán đã ảnh hưởng lên 70% diện tích canh tác. Ước tính có tới 40.000 ha đất lúa tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, và Bình Thuận sẽ không có nước tưới và khoảng 31.000 hộ gia đình không có nước sạch.

Theo FAO, dự kiến tình trạng hạn hán sẽ kép dài tới tháng 9/2016, đe dọa 600.000 ha lúa. Các hộ nông dân trồng lúa dự kiến sẽ mất trên 70% năng suất tại các vùng bị hạn. Cục Trồng trọt dự tính sẽ mất khoảng 34.000 tỉ đồng (1,5 tỷ USD) để giải quyết hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn.

“Có lẽ con số thiệt hại còn tăng lên nữa. Bộ NNPTNT dự tính xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 1 thế kỷ. Hạn hán sẽ tác động tiêu cực đáng kể lên sản lượng nông nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam”- ông Sebastian Eckardt lưu ý.

Bộ NNPTNT dự tính sản lượng lúa sẽ giảm 1,5% xuống còn 44,5 triệu tấn trong năm nay. Nạn hạn hán hiện nay không chỉ tác động tới sản xuất gạo của Việt Nam, mà còn tới cả năng lực xuất khẩu gạo nữa. Xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ giảm 10% xuống mức dưới 6 triệu tấn—mức thấp nhất trong vòng 8 năm. Tương tự, do ảnh hưởng của hạn (và sụt giảm năng suất cây đã trồng lâu năm) xuất khẩu cà phê cũng sẽ giảm 25% năm 2016 xuống còn 1 triệu tấn, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.