Quyết sách về quản lý tài nguyên và môi trường

ThienNhien.Net – Cùng với các vấn đề về phát triển kinh tế – xã hội, môi trường cũng là một trong những chủ đề tâm điểm tại các phiên chất vấn và phiên họp diễn ra trong hai ngày 25-26/11 của Quốc hội. Không chỉ thống nhất thông qua hai nghị quyết quan trọng liên quan đến Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề, các đại biểu còn tập trung chất vấn về các vấn đề môi trường đang “nóng” hiện nay như ô nhiễm, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, đặc biệt là thực trạng bất cập trong khai thác khoáng sản.

Tăng ngân sách thăm dò khoáng sản

Đây là thông tin đáng chú ý nhất trong phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề khai thác khoáng sản diễn ra vào sáng ngày 25/11.

Thủ tướng khẳng định, hiện chúng ta mới thăm dò được hơn 50% khoáng sản trên đất liền và hơn 1% trên biển, do đó, cần phải tăng thêm kinh phí cho công tác này nhằm biết được chúng ta đang có cái gì, bao nhiêu, chất lượng, trữ lượng như thế nào để từ đó xây dựng chiến lược cho phù hợp.

Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính tăng thêm ngân sách để tiếp tục khảo sát, điều tra, nghiên cứu về khoáng sản trên phạm vi cả nước, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng chiến lược khoáng sản theo kết luận của Bộ Chính trị đã đưa ra.

Trước câu hỏi của Đại biểu Lê Hồng Tịnh (Hậu Giang) và Đặng Ngọc Huỳnh (Hưng Yên) về những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác quặng trái phép, không phép, gây ô nhiễm môi trường cũng như những bất cập trong công tác xuất nhập khẩu khoáng sản, Thủ tướng thừa nhận, hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém trong cả công tác quy hoạch, khai thác, chế biến lẫn xuất khẩu. Để khắc phục nhược điểm này, Chính phủ đã tổ chức cuộc thảo luận chuyên đề nhằm rút ra một số chỉ đạo mang tính giải pháp.

Trước tiên, Chính phủ yêu cầu chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo, ngăn chặn bằng được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đang gây bức xúc hiện nay. Không thể nói việc khai thác khoáng sản diễn ra trên địa bàn mà cơ quan, chính quyền địa phương không biết.

Thứ hai, tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước kết hợp việc rà soát các dự án đang khai thác, xem dự án nào gây ô nhiễm môi trường, dự án nào khai thác trái phép, dự án nào gây hư hỏng đường xá, gây mất an ninh trật tự thì phải dừng ngay. Đặc biệt, công tác rà soát phải gắn với rà soát, bổ sung quy hoạch nhằm quy hoạch lại theo hướng chế biến sâu, có hiệu quả hơn.

Song song với hai nhiệm vụ trên, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát hoạt động xuất khẩu khoáng sản ngay tại các dự án chứ không phải tới cửa khẩu mới kiểm soát. Dự án nào làm trái quy định, trái giấy phép thì phải đình hoãn. Thậm chí, với những dự án làm đúng giấy phép nhưng xét thấy việc xuất khẩu không có lợi, nên để dành chế biến sâu hơn thì cũng cần có giải pháp để dừng lại.

Về cơ sở cấp phép, Thủ tướng nhấn mạnh, việc cấp mới giấy phép khai thác khoáng sản phải đi kèm với những dự án khả thi, đã được cấp có thẩm quyền thẩm định, thẩm định về cả hiệu quả kinh tế theo hướng chế biến sâu lẫn những tác động về mặt môi trường và công nghệ khai thác. Chỉ những dự án thực sự đảm bảo hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, đảm bảo môi trường, an ninh trật tự thì mới được cấp phép.

Ngoài vấn đề về khai thác khoáng sản, nhiều đại biểu còn chất vấn Thủ tướng về chủ trương đầu tư các công trình, tuyến dân cư vượt lũ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch đất đai, khu công nghiệp, sân golf… Đặc biệt, Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) thắc mắc về giải pháp của Chính phủ trước thực trạng sông Cửu Long bị bồi tụ, hiện chỉ còn thất long, hai cửa Ba Lai và Bát Sắc hiện đã ngưng chảy do bị bồi tụ và xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi. Hiện tượng sạt lở đầu nguồn sông Cửu Long vì thế cũng diễn ra nhanh hơn, de dọa nhiều địa phương trong khu vực; nguồn nước phục vụ dân sinh, canh tác dự kiến gặp nhiều khó khăn.

Chuyển kế hoạch trồng mới sang bảo vệ và phát triển rừng

Với 91,6% đại biểu tán thành, ngay trong chiều 25/11, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng vốn được triển khai trong suốt 13 năm, từ 1997 – 2010.

Tài nguyên rừng sẽ được tập trung bảo vệ và phát triển trong 10 năm tới (Ảnh: tinmoitruong.vn)

Dự án sẽ chính thức khép lại để bắt đầu chuyển sang giai đoạn xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 10 năm theo cơ chế Chương trình mục tiêu quốc gia và hàng năm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện.

Cùng với quyết nghị nêu trên, Quốc hội cũng đồng thời giao Chính phủ khẩn trương hoàn thành việc quyết toán và kiểm toán Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo quy định của pháp luật; bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, tăng độ che phủ và nâng cao chất lượng rừng; có giải pháp tổng thể giải quyết tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng và khai thác sử dụng rừng trái pháp luật.

Trước mắt, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lương thực cho đồng bào miền núi để khắc phục nạn đốt phá rừng làm nương rẫy; lồng ghép việc thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, chương trình, dự án khác trên cùng địa bàn để nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng…

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng yêu cầu ổn định quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp; rà soát và có giải pháp hợp lý đối với những diện tích rừng đã giao, cho thuê để bảo đảm nhu cầu trồng rừng của người dân địa phương; đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; xác định giá rừng, đặc biệt là xác định giá rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trước khi chuyển sang rừng sản xuất hoặc chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác để tránh lãng phí, thất thoát tài nguyên rừng.

Dự kiến, trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ sẽ khoanh nuôi, tái sinh 550.000ha rừng; trồng mới 1.250.000ha rừng, trong đó có 150.000ha rừng phòng hộ, đặc dụng; giai đoạn 2016-2020 dự kiến khoanh nuôi, tái sinh 400.000ha; trồng mới 1.350.000ha, trong đó có 100.000ha rừng phòng hộ, đặc dụng.

Trước đó, không ít ý kiến đã bày tỏ mối quan ngại về những bất cập trong việc thực hiện Dự án, từ việc hạ mục tiêu trồng mới xuống còn 3 triệu cho đến sự chậm trễ trong công tác lập quy hoạch và quản lý quỹ đất lâm nghiệp; giao đất, giao rừng đạt tỷ lệ thấp; việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng còn bất cập, gây bức xúc dư luận…

Tăng cường bảo vệ môi trường tại khu kinh tế, làng nghề

Trong ngày làm việc cuối cùng diễn ra vào sáng 26/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua 1 luật và 3 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết quyết định giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề – với 94,2% ý kiến đồng thuận.

Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với khu kinh tế và làng nghề; hoàn thiện hướng dẫn đánh giá thiệt hại, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại; quản lý chặt việc chuyển giao công nghệ, nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất tại các khu kinh tế và làng nghề.

Bên cạnh đó, cần chú đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề; thực hiện tốt công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường; tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm; thực hiện đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; giám sát chặt việc phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp môi trường và đầu tư đối với công tác bảo vệ môi trường.