Tỉnh Thanh Hóa: 200 hecta rừng phòng hộ bị “xơi tái”?

ThienNhien.Net – Căn cứ vào một văn bản được Phó Chủ tịch tỉnh ký, 200 héc ta rừng phòng hộ đã được một số cán bộ thuộc Sở NNPTNT và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Xuân (Thanh Hóa) “nuốt gọn”. Hậu quả là, rừng mất, người dân địa phương đau xót, cán bộ được hưởng lợi nhưng xem ra vụ việc vẫn chưa được lãnh đạo tỉnh này xử lý…

Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Như Xuân.
Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Như Xuân.

Căn nguyên vụ việc xuất phát từ Quyết định 2643/QĐ-UBND Ngày 11/8/2011, do ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký. Quyết định này có nội dung cho phép chuyển mục đích sử dụng 200 hecta thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Xuân (BQL rừng Như Xuân) từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất.

Những tưởng đây là một quyết định sáng suốt mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương và cho nông dân trồng rừng, song, ẩn sau đó là màn kịch hết sức ngoạn mục được viết bởi một số cán bộ của BQL rừng Như Xuân và Sở NN&PTNT Thanh Hóa.

Theo ghi nhận của PV báo PLVN điện tử, toàn bộ diện tích 200 hecta gồm 20 lô thuộc khoảnh 2,3,5 tiểu khu 629 và khoảnh 2,3 tiểu khu 639 thuộc địa phận xã Xuân Thái (huyện Như Thanh) đang thuộc sự quản lý của BQL rừng Như Xuân có chức năng là rừng phòng hộ, giữ độ ẩm, nguồn nước cho Vườn Quốc gia Bến En.

Vậy nhưng, nại ra lí do là khu rừng này đã nghèo kiệt, không đảm bảo được chức năng phòng hộ, cán bộ BQL rừng Như Xuân đã báo cáo với lãnh đạo Sở NN&PTNT làm tờ trình gửi lên UBND tỉnh Thanh Hóa. Nội dung tờ trình thể hiện khu rừng này đã nghèo kiệt và cần phải chuyển đổi.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành và tờ trình của Sở NN&PTNT, ngày 11/8/2011, ông Nguyễn Đức Quyền (Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa) đã khẩn trương ra quyết định chuyển mục đích sử dụng 200 hecta của BQL rừng Như Xuân từ quy hoạch rừng phòng hộ sang rừng sản xuất.

Tại văn bản này cũng nêu rõ, lãnh đạo tỉnh đạo BQL rừng Như Xuân “thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng, quản lý, sử dụng, kinh doanh rừng theo quy định của pháp luật”.

Tiếp tục tạo điều kiện cho việc chuyển đổi, và để đảm bảo việc chuyển đổi có hiệu quả, UBND tỉnh cũng đã có quyết định thanh lý đối với khu rừng phòng hộ và Quyết định số 3372/QĐ-UBND về việc chuyển rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su theo đúng quy hoạch của tỉnh.

Đến ngày 28/02/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ra Quyết định số 564/QĐ-UBND về việc phê duyệt kinh phí thực hiện chính sách phát triển cao su, theo đó tỉnh hỗ trợ 9.000.000đ cho mỗi hecta ca su.

Cần phải nói thêm ở đây, các quyết định trên thể hiện rất rõ quan điểm, chủ trương, chính sách của UBND tỉnh Thanh Hóa đối với việc chuyển đổi rừng theo đúng quy định của pháp luật.

200ha rừng phòng hộ bị "xơi tái".
200ha rừng phòng hộ bị “xơi tái”.

Vậy nhưng sau khi nhận được các quyết định nêu trên, BQL rừng Như Xuân đã không nghiêm túc thực hiện để phát huy thế mạnh của rừng, góp phần ổn định đời sống cho bà con nông dân tại địa phương mà trái lại đã cấu kết, lập hồ sơ “băm nát” 200 ha rừng chia nhau dưới dạng hợp đồng giao khoán.

Ai được hưởng lợi?

Theo tài liệu của PV thu thập được, những cán bộ được hưởng lợi từ khu rừng này là bao gồm Giám đốc BQL rừng Như Xuân là ông Phạm Ngọc Nam (bên A) đã ký giao cho chính ông (bên B) 2,0 hecta. Một hợp đồng khác do bà Bùi Thị Hoa là Phó Giám đốc BQL (bên A) giao cho Giám đốc Phạm Ngọc Nam (bên B) 11,0 hecta.

Tiếp đó, ông Phạm Ngọc Nam cũng ký giao cho bà Bùi Thị Hoa 7,8 hecta. Song song, các hợp đồng dưới dạng giao khoán còn có thêm các cán bộ, công nhân viên thuộc BQL với tổng số 102,1/200 hecta. Thời gian giao khoán là 50 năm, trong đó lợi ích sau khi trồng rừng bên A tức BQL rừng Nhưu Xuân hưởng 20%, còn lại bên B tức bên nhân giao khoán tức cán bộ, lãnh đạo hưởng 80%.

Việc giao khoán có sự chứng kiến của ông Nguyễn Hữu Sang, Chủ tịch UBND xã Xuân Thái, nơi có 200 hecta đất rừng. Theo ông Sang, cán bộ BQL rừng Như Xuân không phải là người địa phương, không trực tiếp làm rừng. Ngược lại, người dân xã Xuân Thái là những người gắn bó bao đời nay với rừng đang thiếu đất sản xuất, đời sống hãy còn bấp bênh thì không hề được tiếp cận với khu rừng này!?

Theo thông tin PV thu thập được, ngoài các cán bộ của BQL rừng phòng hộ Như Xuân thì diện tích rừng còn lại (102,1/200 hecta) cũng được chia chác cho lãnh đạo của sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa, cán bộ Kiểm lâm huyện Như Thanh…

Xin nói thêm rằng, rừng phòng hộ có một vai trò, chức năng rất quan trọng. Với ý nghĩa đó, Nhà nước luôn có các chính sách khuyến khích, bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ. Ở đây, cũng chính trong tầm thẩm quyền của mình, UBND tỉnh Thanh Hóa “xóa sổ” 200 hecta rừng phòng hộ. Nhưng, ai là người chịu trách nhiệm xử lí những dấu hiệu sai phạm trên thì vẫn còn là một ẩn số!

Để có thêm thông tin khách quan, PV đã liên tục gọi điện cho bà Bùi Thị Hoa (nay là Giám đốc BQL rừng Như Xuân, là người kế nhiệm ông Nam) nhưng bất thành. PV đến trụ sở BQL tại huyện Như Thanh nhưng cũng chỉ nhận được lời từ chối hết sức nhã nhặn rằng “lãnh đạo đi họp, khi nào thuận tiện sẽ liên lạc lại với PV…”.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.