Vụ hạ 4.000 cây thông để xây sân golf tại Gia Lai: “Làm sân golf chỉ là học đòi”

Trong bối cảnh Gia Lai quy hoạch sân golf 36 lỗ vào danh mục ưu tiên đầu tư, thì tại Đắk Lắk, giữa tháng 12.2017 đã có báo cáo gửi Bộ KHĐT, trình Thủ tướng phê duyệt sân golf 18 lỗ với tổng vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng. Việc các tỉnh thành ồ ạt xây sân golf được giới chuyên môn nhận định là “học đòi, kiểu tỉnh họ có thì tỉnh mình phải có”.

Tỉnh Gia Lai dự kiến san phẳng gần 4.000 cây thông để xây sân golf. Ảnh ĐÌNH VĂN

Đắk Lắk dành 215ha xây sân golf

Dưới cơ sở pháp lý là Quyết định 1946/QĐ-TTg (26.11.2009) “Về việc phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020”, Đắk Lắk nhanh chóng hoàn thiện đề án sân golf hồ Ea Kao. Dự án quy mô 18 lỗ, nằm trên diện tích 215ha thuộc xã Ea Kao (TP.Buôn Ma Thuột). Ngày 12.12.2017, văn bản do Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Hải Ninh ký trình Bộ KHĐT, dự kiến dành gần 65ha xây khu biệt thự, hạ tầng nghỉ dưỡng, 79ha cho sân golf 18 lỗ, phần còn lại là giao thông khu vực và đất rừng giữ lại.

Đắk Lắk khẳng định, đã rà soát, thuyết minh cụ thể về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư sân golf. Đánh giá việc xây sân golf Ea Kao là phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Hải Ninh cho biết, tổng vốn đầu tư là 2.000 tỉ đồng. Dự kiến doanh thu hàng năm mang lại khoảng 800 tỉ đồng, trong đó nộp ngân sách khoảng 160 tỉ đồng. Giải quyết việc làm cho khoảng 250 người, sử dụng lao động địa phương là 150 người.

Quý I, II, III năm 2018 thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, khởi công xây dựng. Năm 2019 đưa vào khai thác sử dụng. Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận, đối với dự án sân golf – du lịch sinh thái hồ Ea Kao của Tập đoàn Vingroup, Sungroup, giao các bộ, ngành xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trường hợp vượt thẩm quyền. Trong khi chờ Bộ KHĐT thẩm định, Đắk Lắk sốt sắng đồng gửi thẳng đề án sân golf lên Thủ tướng.

Dân chơi đếm trên đầu ngón tay!

Gia Lai xây sân golf, Đắk Lắk cũng thế, bởi Quyết định 1946 quy hoạch sân golf vùng Tây Nguyên dự kiến 8 dự án. Việc ồ ạt xây sân golf đã đặt ra thách thức cạnh tranh giữa các tỉnh, thành. Golf là môn thể thao quý tộc, không dành cho giới trung lưu và bình dân. Quy hoạch đến năm 2020, Việt Nam có 98 sân, tương đương 1,5 sân/ tỉnh. Tây Nguyên là vùng nhiều tỉnh nghèo, khách chơi đếm “trên đầu ngón tay”.

Bí thư Huyện ủy Đắc Đoa (Gia Lai) Nguyễn Hữu Thọ phân vân: “Sân golf phục vụ cho những người có tiền, như chúng tôi đây cũng không dám mơ cầm gậy, chứ nói gì người dân”. Ông nói, làm sân golf, Chính phủ quyết định, chứ tỉnh không có thẩm quyền.

Nói về việc quy hoạch sân golf xâm phạm 200ha đất lâm nghiệp, san phẳng 4.000 cây thông tại đồi thông Đắc Đoa (Gia Lai), Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắc Đoa (Gia Lai) Nguyễn Hữu Long thẳng thắn: “Ở huyện đây, quan điểm là không nên phá. Làm sân golf chỉ là học đòi, kiểu nơi khác có thì mình cũng phải có. Việc có sân golf chỉ giải quyết cho mấy đại gia, chứ ở Gia Lai có mấy ai đi đánh golf. Sân golf không mang lại lợi ích gì cho người dân ở đây”.

Về động thái kinh doanh, giới chuyên môn nhận định, việc chủ đầu tư “quảng bá” sân golf nhằm “đón đầu” xu thế sốt đất. Viễn cảnh đầu tư tương lai kéo theo các dịch vụ, hạ tầng đi kèm, từ đó nâng giá đất. Trong bối cảnh khá nhiều dự án sân golf đắp chiếu, chiếm hữu đất một cách hoang phí, Gia Lai cần tầm nhìn chiến lược để phù hợp với hoàn cảnh địa phương.

Chủ đầu tư sân golf 36 lỗ ở Gia Lai làm ăn thua lỗ

Trong diễn biến liên quan, về Cty Hội Phú – chủ đầu tư sân golf 36 lỗ tại Gia Lai, Cục thuế Gia Lai cho biết, đơn vị này hoạt động thua lỗ. “Báo cáo tài chính năm 2016, Cty Hội Phú hoạt động thua lỗ hơn 364 triệu đồng, đồng thời xin chuyển số lỗ 212 triệu đồng vào kỳ tính thuế cho năm 2017. Cty chưa thực hiện bất cứ nghĩa vụ thuế nào đối với địa phương” – Phó Trưởng phòng Kê khai – Kế toán thuế (Cục thuế Gia Lai) Trần Phan Quốc Chương thông tin.

Dự án sân golf 550 tỉ đồng tại Gia Lai chỉ mới dừng lại ở bước chủ trương, quy hoạch. Hồ sơ dự án vẫn nằm ở Sở KHĐT tỉnh Gia Lai, chờ lấy ý kiến của các cơ quan liên quan và UBND tỉnh có ý kiến thẩm định hồ sơ. Gia Lai nôn nóng sân xây golf khi giao dự án cho một Cty hoạt động thua lỗ, thậm chí phải cạnh tranh với sân golf các tỉnh bạn, đặt lên bàn cân, dự án rõ ràng không khả quan.

Khi các doanh nghiệp lớn vào khảo sát, tìm hiểu dự án đều rời đi thì Gia Lai nên nhìn vào hiện thực để rút dự án. Chấp nhận phá rừng để thực hiện dự án là điều không khả dĩ, chưa kể đi ngược lời Thủ tướng Chính phủ: “Không phải có dự án du lịch làm sân golf là phá hết tất cả các rừng trồng bao đời nay”.