Đà Nẵng: Đánh giá hiện trạng tài nguyên nước

ThienNhien.Net – Nguy cơ thiếu nước đối với TP Đà Nẵng hiện đang trở nên hiện hữu với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng cho biết như vậy về tình trạng khan hiếm nước tại TP Đà Nẵng hiện nay.

Trước tình hình đó, ngày 21/5, Đà Nẵng đã tiến hành đánh giá hiện trạng tài nguyên nước mặt và đánh giá thực trạng công tác quản lý tài nguyên nước mặt của thành phố dưới sự tài trợ của Quỹ Rockefeller (Hoa Kỳ) nhằm tìm giải pháp giúp Đà Nẵng vượt qua sự khan hiếm tài nguyên nước trong tương lai.

Biến đổi khí hậu và tác động của hệ thống thủy điện đã làm cho Đà Nẵng phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nước cục bộ ở hiện tại và sâu rộng trong tương lai. Ông Nguyễn Điểu cho biết, tính riêng từ tháng 4/2014 đến nay, tình trạng nắng nóng dẫn đến khô kiệt nguồn nước.

Dòng chảy ở thượng nguồn các sông suy giảm mạnh, tạo điều kiện cho mặn xâm nhập sâu vào vùng hạ lưu. Tại Đà Nẵng, không chỉ ngành nông nghiệp mà người dân thành phố cũng đang lo tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới.

Một góc sông Cu Đê (TP Đà Nẵng) đang bị thu hẹp dòng chảy (Ảnh: Chinhphu.vn)
Một góc sông Cu Đê (TP Đà Nẵng) đang bị thu hẹp dòng chảy (Ảnh: Chinhphu.vn)

Hiện tổng khả năng khai thác nước của 2 sông Cu Đê và Túy Loan (tại Đà Nẵng) xấp xỉ 900.000 m3/ngày. Thực tế, mặc dù tài nguyên nước trên lưu vực hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn và Cu Đê được đánh giá là tương đối dồi dào, nhưng các thủy điện bậc thang đã làm ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy phía hạ lưu. Hiện nhiều khu vực đã có dấu hiệu cạn kiệt và nhiễm mặn nguồn nước kéo dài.

Không chỉ vậy, Đà Nẵng còn chịu ảnh hưởng của sự cố cực đoan về khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước và chất lượng nguồn nước bởi hạn hán, lũ quét, xâm nhập mặn… Công tác quản lý nguồn nước mặt còn nhiều bất cập, lỏng lẻo, thiếu đồng bộ… đã ảnh hưởng lớn đến an ninh nguồn nước.

Theo dự báo, nhu cầu dùng nước cho các ngành (nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp).trên địa bàn thành phố trong giai đoạn tới rất lớn, đến năm 2020 là khoảng 230 triệu m3/năm.

Ông Hoàn Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung-Tây Nguyên cho rằng, để hạn chế tình trạng trước mắt, TP Đà Nẵng cần tiến hành quy hoạch nguồn nước cho các nhà máy nước trên hệ thống sông trong thành phố như Cu Đê, Túy Loan. Đây là những dòng sông còn sạch, ít ô nhiễm; lại nằm hoàn toàn trong địa phận Đà Nẵng, nên địa phương có thể dễ quản lý.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả tưới của các trạm bơm trên hệ thống thủy lợi An Trạch, cần nạo vét sông Lạc Thành, La Thọ, Quá Giáng để tăng khả năng cấp nước. Đồng thời, nâng cấp các công trình đầu mối và kênh mương của các công trình thủy lợi để tăng khả năng trữ nước và hệ số sử dụng nước cao nhất.

Hiện Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục đánh giá hiện trạng tài nguyên nước mặt, công tác quản lý và dự báo tình trạng, nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên này trong bối cảnh phát triển đô thị và biến đổi khí hậu. Qua đó, đề xuất các giải pháp thích hợp về quản lý tài nguyên nước của thành phố; xây dựng kịch bản chi tiết đối với tài nguyên nước tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu và phát triển đô thị, xác định các ngưỡng, chỉ số rủi ro về dòng chảy của 2 con sông lớn của Đà Nẵng để can thiệp kịp thời.