Formosa Plastics Group: Kẻ hủy diệt môi trường

ThienNhien.Net – Tổ chức bảo vệ môi trường của Đức Ethecon đã trao giải “Hành tinh đen” cho Formosa Plastics Group của Đài Loan năm 2009

Formosa Plastics Group (FPG) là công ty mẹ của Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh – doanh nghiệp xả thải khiến cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua.

Liên tục cúi đầu xin lỗi

“Hành tinh đen” – giải thường niên của Tổ chức Ethecon ra đời từ năm 2004, nhằm vạch mặt và lên án những doanh nghiệp “đắc tội” nhất với môi trường trong năm. Nó từng gọi tên “gã khổng lồ” BP – tập đoàn dầu khí của Anh đã bị phạt tới 20 tỉ USD vì thảm họa tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử tại vịnh Mexico năm 2010.

 FPG phải chi hơn 2 triệu USD chi phí thuê quân đội Campuchia xử lý hậu quả vụ xả độc ở Sihanoukville dưới sự giám sát của Công ty CMD, Mỹ (Ảnh: REUTERS)
FPG phải chi hơn 2 triệu USD chi phí thuê quân đội Campuchia xử lý hậu quả vụ xả độc ở Sihanoukville dưới sự giám sát của Công ty CMD, Mỹ (Ảnh: Reuters)

Trong tuyên bố trao “Hành tinh đen” cho FPG, Ethecon nêu đích danh chủ nhân của giải được trao lần thứ 4 này là các thành viên trong gia đình họ Wang – nhà sáng lập FPG, chủ tịch tập đoàn Lee Chih-tsuen và toàn bộ ban lãnh đạo tập đoàn. Ethecon cho rằng những nhân vật chóp bu này phải chịu trách nhiệm cho sự hủy hoại sức khỏe con người và môi trường sống trên diện rộng, thậm chí khiến nhiều người tử vong bởi lối hành động chỉ quan tâm tới lợi ích riêng của FPG.

Tên tuổi của tập đoàn được thành lập từ năm 1954 này gắn liền với quá nhiều lần cúi đầu xin lỗi vì những vụ phá hoại môi trường tai tiếng không chỉ ở nhiều quốc gia trên thế giới mà còn ở ngay tại quê nhà Đài Loan. Năm 1998, lời xin lỗi muộn màng từ FPG chỉ được đưa ra sau khi hậu quả đã đi quá xa liên quan tới vụ tập đoàn này cố tống khứ 5.000 tấn chất thải, bao gồm 3.000 tấn nhiễm thủy ngân, ra vịnh Thái Lan, gần cửa biển Sihanoukville – Campuchia.

Số chất thải này “âm thầm” tới Sihanoukville trên 140 chiếc container từ cuối tháng 11-1998, rồi được chất lên 90 chiếc xe tải không hề được che đậy, tới một khu vực mở ngoài thành phố, không rào chắn cũng như không biển cảnh báo. Không ít cư dân xung quanh đã tới đây để lấy các bao tải về tận dụng, thậm chí đựng cả gạo. Họ còn vô tư lấy chất thải về nhà chăm bón cây trồng. Theo Phnom Penh Post, nhiều chiếc xe tải chở chất thải của FPG được dọn rửa tại một hồ nước lớn cung cấp nước uống cho cư dân địa phương.

Khi những dấu hiệu bất thường về sức khỏe xuất hiện – như đau đầu, ói, khó thở, sốt, tiêu chảy… – kèm theo nhiều thông tin về người chết do tiếp xúc với chất thải, bạo loạn bắt đầu nổ ra khiến 1 người thiệt mạng. Cái chết của 1 nhân viên làm việc tại cảng ở Sihanoukville đẩy căng thẳng lên tới đỉnh điểm. Nạn nhân này chính là người dỡ hàng trên tàu chuyển chất thải nêu trên của FPG, nguyên nhân tử vong có các triệu chứng nhiễm độc thủy ngân, trong khi 5 nhân viên khác cũng phải nhập viện. Hơn 50.000 cư dân Sihanoukville sơ tán do lo sợ và tai nạn giao thông xảy ra trong cơn tháo chạy hoảng loạn khỏi quê nhà này cướp đi sinh mạng của 4 người…

Lúc bấy giờ, báo giới Đài Loan dẫn kết quả phân tích từ chuyên gia Nhật Bản cho thấy khối chất thải mà FPG “xuất khẩu” sang Sihanoukville có nồng độ thủy ngân vượt quá mức giới hạn an toàn đến 20.000 lần. Chính giới chức chính quyền Đài Loan cũng phải lên tiếng yêu cầu tập đoàn này đưa số chất độc đó về quê nhà.

Đắc tội khắp nơi

Sự việc đã quá rùm beng trên báo chí khắp thế giới, FPG không thể tiếp tục khăng khăng rằng lô chất thải của mình “an toàn” và “hợp pháp” được nữa. Chủ tịch tập đoàn, ông Wang Yung-ching, cuối cùng cũng mở lời xin lỗi vì “đã gây nhiễu loạn cuộc sống của người dân Campuchia”.

Tháng 2-1999, Campuchia và FPG ký thỏa thuận 16 điểm, trong đó FPG phải chịu trách nhiệm gói ghém, dọn sạch và đưa số chất thải ra khỏi nước này dưới sự giám sát độc lập của Công ty CMD (Mỹ). Đồng thời, tập đoàn này cũng phải cung cấp chi phí chữa trị y tế cho những nạn nhân bị nhiễm độc.

Tuy nhiên, tập đoàn của ông chủ họ Wang – từng được tạp chí Forbes xếp là người giàu thứ 178 trên thế giới (năm 2008) – không chấp nhận bồi thường cho các nạn nhân bị nhiễm độc cũng như chính phủ Campuchia – vốn phải tiêu tốn không ít ngân sách để giải quyết cuộc khủng hoảng đến nay vẫn chưa hết hậu quả này.

Thực ra, nhiều bang trải dài trên đất Mỹ cũng chẳng còn xa lạ với chuyện “cúi đầu xin lỗi” và nộp phạt vì phá hoại môi trường của FPG. Tháng 9-2009, FPG bị Sở Tư pháp và Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ phạt tới 13 triệu USD, phần lớn dùng để cải thiện lại môi trường bị nhà máy của tập đoàn này “hạ độc” ở các bang Texas và Louisiana.

Vào tháng 10-1985, Công ty Hóa chất Stauffer Chemicals thuộc sở hữu của FPG tại bang Delaware bị Sở Tư pháp bang này thu hồi khẩn cấp giấy phép hoạt động. Công ty bị đóng cửa trong 6 tuần. Nguyên nhân xuất phát từ hành động ngoan cố thải hóa chất độc hại có thể gây ung thư ra môi trường khiến nguồn nước giếng gần nhà máy bị ô nhiễm. Hình phạt được đưa ra chứng tỏ sự kiên quyết của giới chức Delaware sau khi khoản tiền phạt lên tới 1 triệu USD được đưa ra trước đó với Stauffer Chemicals cũng không thể làm thay đổi thái độ của công ty này.

Hàng loạt công nhân các nhà máy tại Mỹ của FPG đã cùng viết một lá đơn tố tập đoàn này vì những bệnh tật họ phải chịu đựng do quá trình làm việc. Trong khi đó, Hiệp hội Thương mại của ngành công nghiệp hóa học tại Mỹ kiên quyết phủ nhận hợp tác với FPG.

Gần như không có nơi nào mà tập đoàn này đặt chân tới là không bùng nổ các cuộc phản đối. Trong đó có cả Đài Loan – nơi FPG nằm trong tốp 10 doanh nghiệp gây ô nhiễm nhất và “đóng góp” đến 25% tổng lượng khí nhà kính của hòn đảo này.

Kỳ tới: Sự cố tràn dầu 20 tỉ USD

Tai tiếng

Những năm gần đây, FGP lại thêm phần tai tiếng vì liên quan đến hàng loạt vụ tai nạn chết người đáng lo ngại. Năm 2015, một sự cố xảy ra tại nhà máy của FPG ở miền Nam Texas – Mỹ làm 11 công nhân thiệt mạng. Gần 1 năm trước đó, một nhà máy khác của tập đoàn ở TP Illiopolis, bang Illinois – Mỹ đã bị phạt 300.000 USD vì những sai phạm trong sự cố khiến 5 công nhân thiệt mạng.

Cũng tại bang Texas, một vụ nổ từng xảy ra ở một nhà máy của FPG năm 1998 khiến 26 công nhân bị thương. Một năm trước đó, 2 công nhân chết ngạt trong một container chở hóa chất của FPG…