Đóng cửa rừng tự nhiên – giải pháp khẩn cấp để cứu rừng

ThienNhien.Net – Việc dừng cấp phép xây dựng thủy điện và đóng cửa rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đã cho thấy sự quyết liệt bảo vệ rừng, chuyển đổi rừng tự nhiên…

Tại Hội nghị tìm các biện pháp khôi phục rừng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đóng tất cả cửa rừng tự nhiên tại Tây Nguyên. Và cũng để bảo vệ môi trường, bảo vệ những cánh rừng quý còn sót lại, UNND tỉnh Gia Lai cũng đã gửi văn bản đề nghị Chính phủ không cấp phép xây dựng thủy điện trong khu bảo tồn Kon Chư Răng.

Việc dừng cấp phép xây dựng thủy điện tại Gia Lai và đóng cửa rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đã cho thấy sự quan tâm và quyết liệt bảo vệ rừng trước nguy cấp về tình trạng phá rừng, chuyển đổi rừng tự nhiên những năm gần đây.

 Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Lâm nghiệp tham gia buổi tọa đàm tại Đài TNVN

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Lâm nghiệp tham gia buổi tọa đàm tại Đài TNVN

Trong 5 năm qua, rừng Tây Nguyên đã giảm nhanh cả về chất lượng và diện tích, giảm tới gần 300.000ha. Việc suy giảm diện tích và chất lượng rừng Tây Nguyên trong những năm qua là hết sức nghiêm trọng, nếu không ngăn chặn thì hiệu quả sẽ khôn lường.

Đóng cửa rừng tự nhiên là biện pháp cấp bách để cứu rừng là nội dung trong câu chuyện thời sự của Đài TNVN ngày 24/6 với sự tham dự của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Lâm nghiệp (Bộ NN và PTNT).

PV: Thưa GS, ông có suy nghĩ thế nào khi mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên ở Tây Nguyên?

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Lung: Tôi rất vui mừng về chỉ đạo của Thủ tướng. Rừng và nước là 2 yếu tố quan trọng nhất của Tây Nguyên. Thủ tướng đã đi đúng vấn đề vì rừng liên quan đến nước, liên quan đến đất…

PV: Theo ông, liệu đóng cửa rừng tự nhiên có phải là biện pháp bảo vệ rừng lâu dài không?

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Lung: Toàn dân hiện đang quan tâm đến việc đóng cửa rừng tự nhiên. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng việc mất rừng không phải chỉ do việc đóng cửa rừng tự nhiên hay không đóng, mà là do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chuyển đổi đất rừng thành đất canh tác khác. Trước kia, người dân phá rừng làm nương rẫy, sau này thì phá rừng để lấy đất trồng điều, trồng cà phê, trồng hồ tiêu, cao su, mắc ca…

Thực tế, việc chuyển đổi đất rừng thành đất canh tác khác khiến mất rừng nhiều hơn so với việc không đóng cửa rừng tự nhiên. Nếu đóng cửa rừng tự nhiên thì sẽ hạn chế được việc khai thác gỗ.

Đóng cửa rừng tự nhiên – giải pháp khẩn cấp để cứu rừng. (Ảnh minh họa: Dân Việt)
Đóng cửa rừng tự nhiên – giải pháp khẩn cấp để cứu rừng (Ảnh minh họa: Dân Việt)

PV: Việc chuyển đồi rừng nghèo thành đất trồng cây công nghiệp như cao su hay xây dựng công trình thủy điện. Điều này khiến việc phá rừng, mất đất rừng ngày càng gia tăng. Ông có thể giải thích cụ thể hơn về vấn đề này.

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Lung: Rừng tự nhiên có thể là rừng rất giàu nếu như ở đó đất tốt nhưng cũng có thế rất nghèo nếu như đất xấu. Có những khu rừng đá đã lộ đầu, chưa khai thác thì rừng đã xấu rồi.

Như vậy, trước hết, rừng tốt hay xấu là do điều kiện địa lý và thời tiết, đất đai có tốt hay không. Tiếp theo là do yếu tố con người, nếu khai thác quá khả năng sinh trưởng thì mỗi năm rừng sẽ xấu đi.

Việc đóng cửa rừng tự nhiên sẽ hạn chế được việc khai thác quá mức và để rừng có thời gian sinh trưởng.

Nếu không đóng cửa rừng tự nhiên thì rừng sẽ trở thành rừng nghèo kiệt, sẽ mất đi chất lượng, năng lực phòng hộ, tác động đến yếu tố nước và không khí chứ không mất đi diện tích.

PV: Theo điều tra, vùng lõi rừng Tây Nguyên đã mất đi các loại gỗ quý, chỉ còn men ở xung quanh. Qua thực tế này, ông có thấy tình trạng mất rừng Tây Nguyên là đáng báo động hay không?

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Lung: Phải thừa nhận một thực tế là, khi phát triển kinh tế sẽ ảnh hưởng đến môi trường, vì thế các hội thảo quốc tế đã kêu gọi loài người hãy tự cứu mình bằng cách cứu lấy rừng.

PV: Như vậy việc giữ rừng có vai trò vô cùng quan trọng đối với đất nước có phải không, thưa ông?

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Lung: Rừng tự nhiên dù nghèo kiệt đến đâu thì vẫn còn giá trị đa dạng sinh học vẫn hơn gấp trăm lần rừng trồng. Ngoài ra, tác dụng bảo vệ môi trường, bảo vệ đất, bảo vệ không khí không nóng lên, làm cho nước được bảo tồn, chuyển nước mưa thành nước ngầm.

Vì thế các chuyên gia quốc tế khuyến cáo rằng thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5 – 10 ha rừng trồng. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, nhiều người quan niệm rừng nghèo kiệt nên được phá bỏ để trồng mới để có giá trị kinh tế cao hơn.

PV: Liệu có phải việc mất rừng tự nhiên ở Việt Nam hiện nay là tình trạng “cha chung không ai khóc” bởi mới chỉ 4% giao cho người dân còn 96% giao cho các tổ chức nhưng các tổ chức này không giám sát chặt chẽ?

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Lung: Đại đa số diện tích rừng của Việt Nam được giao cho các tổ chức nhưng lại không kỷ luật những tổ chức được giao bảo vệ rừng mà không thực hiện tốt. Sau khi thống nhất đất nước, đã có 3 chương trình về bảo tồn phát triển rừng Tây Nguyên. Về cơ sở khoa học như vậy là rất tốt. Trên thực tế, hai yếu tố cơ bản của Tây Nguyên là đất và nước. Đất bazan ở Tây Nguyên khiến cả thế giới phải thèm khát nhưng lại thiếu nước do lượng mưa không đều. Công tác quy hoạch lại không tốt nên việc canh tác cà phê, cao su, hồ tiêu… chưa hiệu quả.

PV: Ông có thể nói về các “lợi ích nhóm” trong việc lợi dùng rừng nghèo kiệt để chuyển đổi mục đích sử dụng, để xây dựng công trình thủy điện?

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Lung: Trong hội đồng nhà nước về đánh giá tác động môi trường của các dự án cao su tôi có tham dự và ngăn chặn được khá nhiều. Khi kiếm được nguồn tài trợ thì người ta cố tìm dự án trồng cao su để mang lại lợi ích cho người trồng, trong đó có việc chặt gỗ rừng. Rừng tự nhiên có nhiều tác dụng, ít bị cháy và có tác dụng điều hòa không khí tốt. Vậy nên cả thế giới đều nỗ lực bảo vệ rừng tự nhiên.

PV: Ông có ý kiến thế nào về việc khai thác khoảng sản, khai thác rừng trái phép?

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Lung: Việc khai thác trái phép các loại khoáng sản, trong đó có Titan, chứng tỏ có lỗ hổng trong quản lý. Nhưng chưa vội “kết tội” khi chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể.

PV: Ông đánh giá gì về công tác quản lý, bảo vệ rừng, cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vấn đề này?

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Lung: Người bảo vệ rừng, người chống buôn lậu chính là những người cần cảnh giác nhất vì họ là người được trao quyền và trực tiếp thực hiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: